Linh mục Léopold Michel Cadière là một nhà nghiên cứu về Việt Nam với hơn sáu mươi năm miệt mài đóng góp vào sự phát triển những kiến thức về ngôn ngữ, lịch sử, khảo cổ, địa lý và cả thực vật học.
Trong khối tài sản nghiên cứu lên đến 250 công trình ấy, bộ sách gồm 3 tập với tên gọi Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt là một công trình đồ sộ, được giới nghiên cứu đánh giá là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của L. Cadière.
Trong tác phẩm này, Léopold Cadière đã nghiên cứu văn hóa Việt Nam với các nội dung:
- Tập 1: Tôn giáo người Việt; đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật ở Việt Nam; Gia đình và tôn giáo người Việt; Tế Nam giao; Lăng mộ người Việt vùng phụ cận Huế; Lăng Gia Long; Tang lễ vua Gia Long; Về một vài sự kiện tôn giáo hoặc ma thuật ghi nhận được một mùa dịch tả ở Việt Nam.
- Tập 2: Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt vùng phụ cận Huế; Phép dưỡng nhi ma thuật ở Việt Nam; Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùn thung lũng Nguồn Son, tỉnh Quảng Bình (Trung Việt); Phong tục dân gian tại thung lũng Nguồn Son; Thần Kinh.
- Tập 3: Triết lý dân gian người Việt: Vũ trụ quan; Triết lý dân gian người Việt: Nhân sinh quan; Nghệ thuật Huế; Người Việt: Dân tộc – Ngôn ngữ; Một vài quy luật tu duy nơi người Việt, xét từ ngôn ngữ của họ; Một vài chỉ dẫn thiết thực dành cho các vị thừa sai khi giảng đạo.
Có thể thấy trong cuốn sách của mình, L. Cadière đã tìm hiểu văn hóa tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung Việt Nam, cụ thể là ở Huế. Có điểm đặc biệt này là do vào năm 1892, khi lần đầu tiên đến Việt Nam, L. Cadière đã được chỉ định sứ mạng đến Huế làm nhiệm vụ truyền giáo và rồi ông không rời Việt Nam, chỉ trừ đôi lần hiếm hoi trở về châu Âu để tìm đọc và nghiên cứu trong các kho lưu trữ tại La Mã hay tại Paris. Tình cảm nồng hậu với đất nước, con người Việt Nam còn được ông trăn trối lúc cuối đời: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở nơi đây”.
Trong bộ sách Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, L. Cadière không chỉ thông qua tài liệu, sách vở đã viết sẵn mà ông còn tự mình mắt thấy tai nghe (de visu), thẩm nhập và sống với đối tượng, lĩnh vực mình tìm hiểu (sur du vivant). Phương pháp tìm kiếm tư liệu trong cuốn sách được thể hiện rõ nhất trong lời phân minh của tác giả:
“Các tư liệu trên đây được đơn cử chính xác tối đa, cả về mặt miêu tả nơi chốn khi tiếp cận được, cả về mặt liên quan đến nhân chứng. Về điểm này thì tôi trung thực chuyển dịch lại những chuyện kể, những giải thích do họ cung cấp mà không thêm một chút gì. Nhiều nhất là trong khi điều tra tìm hiểu, tôi thường chú trọng đến việc thu thập những câu trả lời để tư liệu được đầy đủ hơn; để đạt được, tôi thường đặt ra một số câu hỏi mà họ không ngờ tới. Nhưng mà những điều tra này, trải qua nhiều năm tháng, được thực hiện hoàn toàn không có một ý định dự tính nào ngay từ đầu, cũng không đặt ra mục tiêu kết luận sẽ ra sao”.
Nếu bạn đọc cảm thấy đã nhàm chán với những lý thuyết, thuật ngữ nghiên cứu khô cứng, khó hiểu; mong muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thông qua những câu chuyện góp nhặt tại từng địa phương, được trình bày một cách có hệ thống thì Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt là một bộ sách đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó.