Tuồng Kim Vân Kiều
Đoạn trường tân thanh 斷腸新聲 (Truyện Kiều) hẳn đã đến với mảnh đất phương Nam từ khá sớm. Nhiều chứng cứ cho thấy sự tiếp nhận, hưởng ứng và tấm lòng yêu mến của người dân Nam Bộ với kiệt tác thơ Nôm này của thi hào Nguyễn Du: Bản Kiều Quốc ngữ đầu tiên do Trương Vĩnh Ký phiên âm đã được in từ năm 1875 với hình minh họa các nhân vật Truyện Kiều theo lối hoàn toàn Nam Bộ; Đã có tới 4 bản Kiều Nôm được nhóm Duy Minh Thị cho khắc in ở Phật Trấn, Quảng Đông; Những phó phẩm của Truyện Kiều như Tuý Kiều phú, Kim Vân Kiều ca, Tuý Kiều án... lần lượt ra đời. Trên địa hạt diễn xướng, không khí cải biên Truyện Kiều thành những tuồng tích trên sân khấu cũng rất sinh động và sôi nổi.
Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại Thi hào Nguyễn Du, Văn sử tinh hoa cũng xin đóng góp một bản Kiều lần đầu tiên được xuất bản. Cuốn sách này giới thiệu đến bạn đọc toàn bộ Bản chữ Nôm khắc in có tên gọi Kim Vân Kiều chiệp 金雲翹摺 mang ký hiệu BULAC RES MON 8 7061 hiện lưu trữ tại Thư viện Đại học về ngôn ngữ và văn minh, Paris, Pháp (Bibliothèque universitaire des langues etcivilisations, viết tắt là BULAC). Văn bản gồm 136 trang, khổ 24,5x15,5. Trang bìa phụ đầu và bìa phụ cuối đều có dòng chữ viết tay VN.III.313. Ngoại trừ trang đầu của mỗi hồi, các trang còn lại mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng có 20 chữ.
Với tư cách một kịch bản văn học cho tuồng, những phương diện như hệ thống nhân vật, thủ pháp biên kịch, phương thức cải biên cốt truyện, tư tưởng của tác giả, những lớp diễn đặc sắc, những phân cảnh độc đáo, yếu tố hài hước dân gian... trong văn bản Kim Vân Kiều chiệp 金雲翹摺 đều đáng được phân tích, tìm hiểu. Hệ thống các văn bản Tuồng Kim Vân Kiều cũng chính là đối tượng lý tưởng cho những nghiên cứu về sự tiếp nhận Truyện Kiều trên mảnh đất Nam Bộ, để thấy được thái độ của người dân phương Nam trong buổi đầu đi khai hoang mở cõi đối với kiệt tác của thi hào Nguyễn Du là như thế nào? Mạch ngầm của dòng văn học đạo lý nhân sinh Nam Bộ có chảy trong Tuồng Kiều hay không? Nghiên cứu so sánh cũng là một đường hướng triển vọng, khi đặt Tuồng Kim Vân Kiều trong sự tương quan nội bộ giữa các phiên bản khác nhau lần lượt ra đời trong vòng 60 năm (từ bản tìm thấy sớm nhất năm 1875 đến bản có niên đại muộn nhất 1942) để thấy được sự vận động nội tại của tác phẩm; Có thể nghiên cứu so sánh Tuồng Kim Vân Kiều với Kim Vân Kiều lục, Kim Vân Kiều truyện... để thấy được sự tiếp thu, ảnh hưởng của chúng với nhau... Hoặc có thể đặt Tuồng Kim Vân Kiều trong sự đối chiếu với chính Truyện Kiều, để thấy từ sự khác biệt về đặc trưng thể loại của truyện thơ và tuồng, khác biệt về tác giả, đối tượng tiếp nhận đã dẫn đến những khác biệt về ngôn ngữ, kết cấu của hai tác phẩm như thế nào? Tại sao những câu thơ giản dị trong Truyện Kiều thì tương ứng trong Tuồng Kiều lại là những câu Hán văn chứa đựng đầy điển tích, thi liệu Trung Hoa? Tại sao trong Tuồng Kim Vân Kiều tồn tại đầy đủ hệ thống nhân vật đông đảo của Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Du đã rút gọn đi trong Truyện Kiều? Tại sao những bản đàn, khúc ngâm, bài văn tế, lời thề... trong bản tuồng lại giống với Kim Vân Kiều lục?... Tại sao trong kịch bản tuồng, Hoạn Thư vẫn nã tróc Kiều còn Nguyễn Du đã để cho Kiều trốn khỏi Quan âm các mà tiểu thư họ Hoạn "dứt tình chẳng theo"? Và tại sao trong cái kết đoàn viên, tác giả tuồng đã để Kim Trọng nhanh chóng thuận lời Kiều lập am Thiền cho nàng quy y cửa Phật, chứ chẳng nài ép nàng kết duyên?... Chắc hẳn, tất cả không phải là ngẫu nhiên.
Điều mà ekip làm cuốn sách này hướng đến, cốt lõi nhất vẫn là giá trị nội dung của cuốn sách: Một bản phiên âm và chú thích đầy đủ trọn vẹn cho 3 hồi của Tuồng Kim Vân Kiều, đính kèm bản Nôm khắc in đẹp hiện đang lưu trữ tại thư viện Bulac, Paris, Pháp. Cuốn sách hy vọng sẽ góp phần bảo lưu được di sản chữ Nôm của cha ông, bảo lưu một kịch bản đặc sắc của nghệ thuật tuồng truyền thống, cho thấy sức sống trường tồn của kiệt tác Đoạn trường tân thanh trong những loại hình nghệ thuật khác. Cuốn sách với bản phiên chú kèm nguyên tác chữ Nôm hy vọng sẽ trở thành tư liệu nghiên cứu hữu ích cho ngành Kiều học, cho những người quan tâm đến chữ Nôm, đến sân khấu truyền thống...