Tư Trị Thông Giám
Nhận được nhiều sự cổ vũ từ bạn đọc gần xa, sau ba tập đầu của Tư trị thông giám, nhóm Cổ thư lâu tiếp tục hợp tác với Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Tri thức trẻ cho ra mắt cuốn Tư trị thông giám tập bốn.
Trong tập trước, Tư trị thông giám ghi chép lại 129 năm trị vì của tám vị Hoàng đế nhà Hán, từ Hán Ai đế đến Hán An đế, bắt đầu từ năm 05 TCN cho đến năm 124 CN. Quãng thời gian đó chứng kiến nhiều bước thăng trầm của vương triều Hán, từ sự đi xuống của nhà Tây Hán thời Ai đế, Bình đế đến giai đoạn Vương Mãng soán ngôi lập nhà Tân; từ việc Hán Quang Vũ đế mở ra thời kỳ Đông Hán đến giai đoạn ngoại thích chuyên quyền, hoạn quan lũng đoạn triều chính thời Hòa đế, Thương đế, An đế.
Tư trị thông giám tập bốn trong tay bạn đọc gồm 18 quyển, ghi lại giai đoạn gần một trăm năm cuối vương triều Đông Hán với xu hướng ngày càng suy tàn, mà việc phân tích những căn nguyên của xu hướng ấy và lý do ra đời cục diện Tam quốc phân tranh sẽ để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá.
Tư trị thông giám tập ba và tập bốn nối tiếp nhau chép lại một chuỗi các sự kiện liên tục có tính chất quyết định hướng đi của nhà Đông Hán, đó là sự trỗi dậy của thế lực ngoại thích, lực lượng hoạn quan xuất hiện, tập đoàn sĩ đại phu tham chiến, các quân phiệt địa phương nổi dậy cát cứ. Tất cả bắt đầu từ tình trạng vua còn nhỏ, thái hậu lâm triều, ngoại thích hoành hành, điều này vốn từng xuất hiện trong thời kỳ nhà Tây Hán (trường hợp Lã hậu). Ở tập ba, Hán Hòa đế lên ngôi năm 11 tuổi, Đậu Thái hậu lâm triều, Đậu Hiến giữ chức Đại tướng quân, lại được ban địa vị trên cả Tam công, là kẻ hung bạo tàn nhẫn, giết hại triều thần; anh em Đậu gia lại hung hăng càn quấy, cưỡng đoạt tài vật, cướp bắt phụ nữ, không điều ác nào không làm. Hán An đế lên ngôi năm 13 tuổi, Đặng Thái hậu lâm triều, mặc dù trị lý hiệu quả, lại cố gắng ước thúc Đặng gia, nhưng rốt cuộc vẫn có chuyện Tư không Viên Sưởng vì cương trực không bè phái với họ mà bị bức tự sát, Hộ Khương hiệu úy Nhâm Thượng tranh công với Đặng Tuân mà bị chém đầu…
Ở Tư trị thông giám tập bốn, chúng ta có thể tìm thấy những nguyên nhân khiến nhà Đông Hán suy tàn dẫn đến thế cục cát cứ tiền Tam quốc.
Giai đoạn Tam quốc có thể không quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam nhờ sự phổ biến của tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa, và gần đây là nhờ sự ra đời bản dịch bộ chính sử Tam Quốc chí - một công trình biên dịch của các thành viên sáng lập nên nhóm Cổ thư lâu sau này. Tam Quốc chí của Trần Thọ được viết theo thể kỷ truyện, tập trung vào từng nhân vật cụ thể, do đó giới thiệu được cái ưu khuyết, điểm được mất, đóng góp lớn nhỏ của từng nhân vật. Mỗi sự kiện trong Tam Quốc chí cũng vì vậy mà có thể được nhìn nhận qua nhiều góc cạnh khác nhau, từ những cách nhìn khác nhau của mỗi nhân vật. Với Tư trị thông giám, đọc Tam quốc lại là một trải nghiệm thú vị khác. Nhờ đặc thù của thể biên niên, giai đoạn Tam quốc được trình bày mạch lạc thứ tự, nhấn mạnh điểm cốt yếu, giúp độc giả nắm bắt được diễn tiến toàn cục. Đóng góp lớn nhất của Tư Mã Quang và cộng sự chính là đã tuyến tính hóa, sắp xếp lại các sự kiện theo diễn biến thời gian. Nhờ vậy, người đọc có thể dễ dàng theo dõi các chuỗi sự kiện phức tạp và kéo dài, chẳng hạn như các chiến dịch quân sự. Cũng nhờ vậy, khi nghiên cứu một sự kiện trong Tư trị thông giám, rất dễ dàng tìm kiếm những sự kiện trước nó và sau nó, hỗ trợ cho người đọc khi có nhu cầu nghiên cứu về các quan hệ nhân quả, các đầu dây mối nhợ của nhiều biến động xã hội khác nhau. Một ví dụ điển hình là chiến dịch Quan Độ kéo dài mười bảy tháng với rất nhiều diễn biến phức tạp giữa nhiều thế lực liên quan, đã được biên chép rất gọn gàng và dễ dàng tra cứu.
Tư trị thông giám tập bốn kết thúc với cái chết của Quan Vũ sau khi Kinh châu thất thủ, dự báo một cuộc Đông chinh báo thù thảm liệt của Lưu Bị với chiến dịch Di Lăng. Đấy sẽ là một trong rất nhiều nội dung thú vị mà bạn đọc có thể tìm thấy ở tập năm Tư trị thông giám.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.