Từ Tân Thế Giới - Quyển Thượng
Từ tân thế giới – quyển thượng là cuốn đầu tiên trong series truyện dài gồm 3 tập của tác giả Yusuke Kishi, một kiệt tác văn học giả tưởng và khoa học viễn tưởng Nhật Bản đã xuất sắc giành Grand Prize tại Lễ trao giải khoa học viễn tưởng Nhật Bản lần thứ 29 Nihon SF Taisou 29th do Hiệp hội các nhà văn giả tưởng và khoa học viễn tưởng Nhật Bản bình chọn. Từ tân thế giới cũng được chuyển thể TV series anime do A-1 Pictures studio thực hiện năm 2012 cũng một chuyển thể truyện tranh phát hành bởi Kodansha Comics năm 2012. Bản chuyển thể anime nhận được tiếng vang lớn và được đánh giá là một trong những TV series anime xuất sắc nhất thế kỷ 21.
Lấy bối cảnh Nhật Bản 1000 năm sau. Tại quần xã được ôm trong lòng bởi thiên nhiên trù phú có tên là huyện 66 Kamisu, luôn vang lên tiếng hò reo vui vẻ của những đứa trẻ ngây thơ và trong sáng. Những thứ ô uế từ bên ngoài sẽ chẳng bao giờ có thể xâm nhập được vào thị trấn có dây trừ tà bao bọc xung quanh nay.
Đây là hòa bình nhân loại có được sau khi sở hữu động lực ý niệm – Sức mạnh của thánh thần. Trong những đứa trẻ chuyên tâm mài giũa kĩ thuật Psychokinesis của mình đang cháy bỏng biết bao hi vọng và hoài bão… cho đến khi chúng biết được một phần về nền văn minh tiền sử đã bị che giấu bấy lâu.
Câu chuyện là cuốn hồi ký của nhân vật chính đồng thời là người dẫn truyện Watanabe Saki, miêu tả lại sự thực đã diễn ra từ khi cô lọt lòng cho đến khi nhận thức được bộ mặt thật của thế giới, quá trình đấu tranh với những mất mát đau thương không thể đo đếm được đến khi trật tự thế giới một lần nữa được xác lập lại một cách chân thực nhất có thể, bằng cách khai quật lên những kí ức bị chôn vùi và nghiêm túc đối mặt với trái tim của bản thân mình. Cuốn hồi ký mang ý nghĩa như bức thư dài gửi đến những người đồng bào của cô trong tương lai, có thể tồn tại hàng nghìn năm, để kiểm chứng xem thực sự nhân loại có thể thay đổi và thoát khỏi sai lầm tai hại của thể chế cũ hay không.
Quyển thượng thuật lại thời thơ ấu rộn vang tiếng cười yên bình của Saki bên những người bạn, những ký ức về cái đêm mà động lực ý niệm thức tỉnh với Saki, những tháng rèn mài giũa năng lực ở Hòa Quý Viện và Toàn Nhân Học Cấp, cho tới khi cô và những người bạn tình cờ phát hiện ra bộ mặt thật cùng lịch sử đen tối bị che giấu của Tân thế giới thông qua Thư viện Quốc hội Quốc gia Tsukuba ngụy trang dưới lốt Minoshiro. Từ đây, niềm tin vào hệ giá trị tư tưởng cũng như hệ giá trị đạo đức mà Saki được nhồi nhét suốt từ thuở ấu thơ lung lay dữ dội, báo hiệu những sóng gió sắp sửa ập tới…
Hikari light novel – ThaiHaBooks trân trọng giới thiệu!
Về tác giả:
Yusuke Kishi sinh năm 1959 ở Osaka. Tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Kyoto. Sau khi làm việc ở công ty Bảo hiểm Nhân thọ thì trở thành nhà văn. Năm 1996, Nhân cách thứ mười ba – ISOLA trở thành tác phẩm dự bị tranh giải thưởng tiểu thuyết kinh dị Nhật Bản hạng mục truyện dài lần thứ ba. Năm 1997, Nhà đen đạt giải Nhát giải thưởng tiểu thuyết kinh dị Nhật Bản lần thứ tư. Năm 2005, Búa thủy tinh đạt giải của hiệp hội nhà văn trinh thám Nhật Bản lần thứ 58 hạng mục truyện dài. Năm 2008, Từ tân thế giới đạt giải Nhất Nihon SF lần thứ 29. Năm 2010, Kinh thư của cái ác nhận giải thưởng Yamada Fuutaro lần thứ nhất. Ông còn có các tác phẩm khác như Mê cung đỏ thẫm, Tiếng hót của thiên sứ, Lửa xanh.
Bố cục sách:
Mùa lá mới
Hạ tối
Trích dẫn:
Khi đêm đã về khuya, xung quanh đã trở nên tĩnh mịch, thỉnh thoảng tôi lại thử thả mình chìm sâu trên ghế rồi nhắm mắt.
Khung cảnh tựa như được đóng dấu trong tâm thức ấy, lần nào hiện lên cũng giống hệt nhau.
Ngọn lửa bùng cháy trên giàn thiêu với phông nền là bóng tối của điện thờ. Tiếng cầu kinh vang lên từ lòng đất sâu, những hạt bụi lửa màu cam tản mát khắp nơi như muốn len lỏi vào giữa các bàn tay đang chắp lại.
Mỗi lần như thế, tôi luôn lấy làm khó hiểu, “Tại sao lại là khung cảnh này?”
Buổi tối ấy là khi tôi mới mười hai tuổi. Từ đó tới giờ hai mươi ba năm đã trôi qua. Trong khoảng thời gian ấy, thực sự đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện. Trong đó có cả những sự kiện đáng sợ và đau buồn mà tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng ra. Chắc chắn tất cả những điều tôi một mực tin tưởng cho đến thời điểm đó, từ trong gốc rễ, đều đã được che đậy bộ mặt thật một cách kỹ càng.
Thế mà tại sao, đến tận bây giờ, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi vẫn là buổi tối hôm ấy? Thuật thôi miên được ám lên tôi khi đó có sức mạnh tới nhường này hay sao? Thỉnh thoảng, tôi thậm chí còn có cảm giác rằng ngay thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tình trạng bị tẩy não.
Cũng có lí do nho nhỏ khiến tôi nảy ra ý muốn ghi chép loạt sự kiện đã xảy ra từ điểm khởi đầu cho tới giây phút cuối cùng.
Mười năm đã trôi qua kể từ ngày đó, ngày mà rất nhiều thứ đã trở về với cát bụi. Quãng ngắt mười năm ấy không mang ý nghĩa gì quá lớn lao. Chỉ có điều, sau khi những vấn đề còn bỏ ngỏ vốn chất cao như núi được dàn xếp xong xuôi và chế độ mới dần đi vào quỹ đạo, thì mỉa mai thay, mầm mống nghi ngờ đối với tương lai cũng bắt đầu nảy sinh từ đó. Dạo này, mỗi khi có thời gian, tôi thường tìm đọc lại lịch sử. Cuối cùng việc đó chỉ giúp tôi xác nhận được thêm một lần nữa rằng, con người là loại sinh vật sẽ lập tức lãng quên. Kể cả đó có là những bài học mà họ đã phải nuốt xuống cùng với vô vàn nước mắt, một khi đã trôi qua cổ họng, người ta sẽ quên chúng ngay thôi.
Đương nhiên, chắc chắn không một người nào có thể quên đi thứ cảm xúc chẳng thể diễn tả nổi thành lời ngày hôm ấy, hay quên đi lời thề sẽ không để bi kịch đó lặp lại lần thứ hai. Thực tình, tôi muốn tin như vậy.
Nhưng mà, một ngày nào đó ở một tương lai xa xôi, khi kí ức của con người đã bị bào mòn theo năm tháng, biết đâu sẽ lại có ai đó giẫm lên vết xe đổ ngu ngốc của chúng tôi. Nỗi lo sợ ấy cũng là một thứ mà tôi không sao dứt bỏ hoàn toàn được.
Vì thế, tôi đột nhiên đi đến một quyết định, cầm bút trong tay để viết nên những dòng ghi chép này. Dù vậy, giữa chừng, rất nhiều lần tôi trở nên lúng túng. Kí ức của tôi đã thủng lỗ chỗ nhiều nơi như bị mối gặm. Có một số sự kiện quan trọng mà tôi không tài nào nhớ ra.
Tôi cũng đã thử xác nhận lại kí ức với vài người có liên quan trong thời gian ấy và kinh ngạc nhận ra một điều: Có vẻ như kí ức của con người hoạt động theo một cơ chế, nơi mà phần khuyết thiếu sẽ được bổ sung bằng những thông tin giả mạo, khiến cho những trải nghiệm chung dần dần biến thành những mảnh kí ức mâu thuẫn.
Ví dụ, việc tôi có thể tìm thấy Minoshiro giả ở núi Tsukuba, là do ngay trước đó tôi bị đau mắt và phải đeo kính râm có mắt kính màu đỏ. Ngay cả bây giờ tôi vẫn nhớ như in chuyện đó, thế mà không hiểu tại sao Satoru lại tuyên bố đầy tự tin là tôi không hề đeo cái gì như thế hết. Không những vậy, từ đầu đến cuối Satoru thậm chí còn bóng gió rằng việc tìm được Minoshiro giả lúc đó là chiến công của bản thân nữa chứ. Đương nhiên, không thể nào có chuyện ngu ngốc như thế được.
Một phần cũng do tính tự ái ngoan cố của mình, tôi tiếp tục phỏng vấn tất cả những ai tôi có thể nghĩ ra nhằm đối chiếu những điểm mâu thuẫn, để rồi cuối cùng, tôi vẫn phải bắt buộc thừa nhận một sự thật. Phàm là con người, không có ai lại đi bẻ cong kí ức theo hướng bất lợi cho bản thân mình cả.
Tôi vừa cười thương cảm vừa ghi lại phát hiện mới về sự khờ dại của con người vào sổ. Nhưng cũng chính lúc đó, tôi nhận ra việc tôi đặt bản thân ra ngoài quy luật ấy là chẳng hề có chút cơ sở nào. Nhìn từ vị trí của người khác, tôi hẳn cũng là một kẻ đang viết lại kí ức sao cho có lợi cho mình.
Vì lẽ đó, tôi muốn ghi chú thêm rằng, cuốn sổ ghi chép này có thể chỉ là một câu chuyện bị tôi cố tình bóp méo nhằm biến hành động của bản thân thành điều đúng đắn, là cách diễn giải một chiều từ phía tôi mà thôi. Nhất là khi hành động của chúng tôi có thể được coi là nguyên cớ khiến sau này nhiều sinh mạng mất đi như vậy, cho nên trong tôi, dẫu chỉ là vô thức, chắc hẳn vẫn tồn tại động cơ ấy.
Nói vậy thôi, tôi vẫn dự định miêu tả sự thực một cách trung thành nhất trong khả năng có thể, bằng cách khai quật lên những kí ức bị chôn vùi và nghiêm túc đối mặt với trái tim của bản thân mình. Ngoài ra, với việc bắt chước thủ pháp của những cuốn tiểu thuyết cổ đại, tôi mong rằng mình có thể tái hiện lại phần nào những gì mình đã nghĩ, đã cảm nhận tại thời điểm đó.
Tôi viết bản ghi chép này trên loại giấy được cho là có độ bền tới một ngàn năm không bị oxy hóa, bằng loại mực không bị phai màu. Vào thời khắc nó hoàn thành, tôi sẽ không để ai xem cả (cũng có thể tôi sẽ cho một mình Satoru coi để hỏi ý kiến), cất nó vào hộp thời gian rồi chôn sâu trong lòng đất.
Khi đó, tôi cũng sẽ sao thêm hai bản, nghĩa là tôi dự định chỉ để lại tổng cộng ba bản mà thôi. Giả sử trong tương lai, thể chế cũ, hoặc thứ gì đó gần với nó, được khôi phục, toàn bộ các văn kiện ấn phẩm đều bị kiểm duyệt, nếu tính đến trường hợp xã hội đó quay trở lại thì tôi buộc phải giữ bí mật về sự tồn tại của cuốn sổ này trong phạm vi khả năng cho phép. Ba bản là con số vừa đủ mà tôi quyết định được sau khi tính tới tình huống ấy.
Nói cách khác, cuốn sổ ghi chép này là bức thư dài gửi đến những người đồng bào một ngàn năm sau. Vào giờ phút có người đọc được nó, câu trả lời cho việc chúng tôi đã thực sự thay đổi và bước đi trên con đường mới hay chưa chắc chắn sẽ trở nên rõ ràng.