Tư Duy Kinh Tế - 50 Bài Giảng Để Hiểu Quy Luật Làm Giàu
Làm sao chúng ta có thể sống mà không đề cập tới vấn đề kinh tế. Trong tháp nhu cầu của Maslow, từ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ đến nhu cầu an toàn như an ninh, vật chất tinh thần đến nhu cầu được quý trọng về địa vị, tôn vinh.
Dù chúng ta có thừa nhận hay không, kinh tế giúp chúng ta thỏa mãn những nhu cầu đó. Mỗi một thế hệ đều phải đối mặt với vấn đề kinh tế muôn thuở, không ai có thể trốn tránh.
Vậy làm thế nào để đối mặt, hiểu tường tận và vận dụng tốt những triết lý kinh tế trong cuộc sống. Câu trả lời nằm trong cuốn sách này.
Cuốn sách “Tư duy kinh tế - 50 bài giảng để hiểu quy luật làm giàu” tập trung truyền đạt các nguyên lý kinh tế học của trường phái Áo dưới dạng tiểu luận tổng hợp, đồng thời sử dụng các nguyên lý này để giải thích và phân tích nhiều trường hợp trong kinh doanh, giai thoại trong thế giới thực, cổ đại và hiện đại, trên toàn thế giới liên quan đến nhiều nội dung: Từ giá trị, quyền sở hữu, cạnh tranh cho đến vấn đề mang tính nhận thức như bản chất con người, đạo đức, nhận thức… bằng một văn phong mộc mạc và giản dị, cuốn sách giải thích một cách có hệ thống các vấn đề kinh tế liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, giúp người đọc hình thành lối tư duy kinh tế, nhận thức lại kinh tế thị trường, hiểu logic kinh doanh và trở thành người có tư duy hợp lý, có những quyết định và hành động thận trọng.
Cuốn sách là 50 bài học được chia làm 4 phần nội dung như sau:
Phần 1: Bản chất của con người và thị trường
Phần 2: Tài sản và đạo đức
Phần 3: Sự thịnh hành và sự thật
Phần 4:Nhận thức và vận mệnh
Thực chất đây không phải một cuốn sách về kinh tế khô khan với những lý thuyết chuyên sâu và thuật ngữ chuyên ngành, trong cuốn sách này, tác giả chỉ đi lý giải mọi mặt của cuộc sống dưới góc độ kinh tế, bởi tất cả mọi thứ đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta không thể thoát khỏi vòng xoay của kinh tế, dù là nhu cầu về vật chất hay tinh thần. Như:
- Tìm hiểu về nguyên lý và nguồn gốc của kinh tế, mối quan hệ giữa con người và thị trường, trả lời các câu hỏi như: Tại sao ước mơ không thể dùng để kiếm sống? Vấn đề lương tối thiểu và việc làm? Thế nào gọi là “Mùi thương mại”?;Tại sao trải nghiệm người tiêu dùng lại không ngừng cải thiện, đó thực chất là do cạnh tranh thị trường…
- Những hiểu biết và nghiên cứu về tiền bạc, lịch sử của tiền tệ, tại sao mọi người cảm thấy quyên góp tiền có đạo đức hơn kiếm tiền? Tại sao con người thích khiển trách sự lạnh nhạt của xã hội? Con người hiện đại không hạnh phúc phải chăng vì họ có được quá nhiều?
Bản chất của kinh tế là gì?
Cổ nhân 2.000 năm trước cho rằng, nếu người người đều có cơm ăn, áo mặc thì đó sẽ là một thế giới hoàng kim, con người sẽ sống trong hạnh phúc mãi mãi.
Cairns 90 năm trước cho rằng, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của năng lực sản xuất, mức sống của con người cũng không ngừng tăng cao, vấn đề kinh tế sẽ không tồn tại nữa.
Rất nhiều người ngày nay cho rằng, nếu người người đều có nhà, có xe, có người yêu, thì thế giới sẽ trở thành thiên đường, con người sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc mãi mãi.
Ngay cả khi nền kinh tế phát triển vô tận, ngay cả khi người người đều sống một cuộc sống giàu có như Buffett, thì cuộc sống con người vẫn sẽ đầy rẫy những tình huống cầu nhưng không được, vẫn sẽ đầy rẫy những than phiền. Ví dụ: Tại sao có người xinh đẹp hơn, tại sao có người khỏe mạnh hơn, tại sao người yêu tôi lại ít như vậy, tại sao trong thành phố lúc nào cũng tắc đường, tại sao tôi không sống được thêm 500 năm?
Sự thiếu hụt mãi mãi tồn tại, vấn đề kinh tế mãi mãi tồn tại. Đây chính là bản chất.
Tại sao chúng ta cần học kinh tế học?
1. Kinh tế học là một môn khoa học làm cho đầu óc tỉnh táo
Kinh tế học có thể khiến chúng ta nhìn thấy được chân tướng của thế giới này, có thể khiến chúng ta hiểu được “phúc lợi miễn phí” mà con người hướng đến có phải là miễn phí thật hay không, có thể khiến chúng ta hiểu rõ vô số người tại sao lại có tài nhưng không gặp thời, hiểu được động cơ lương thiện và ý nguyện tốt đẹp, tại sao việc làm và kết quả luôn luôn trái ngược nhau, phương pháp và mục đích rốt cuộc có quan hệ như thế nào.
2. Kinh tế học là một môn khoa học đề cập đến sự tồn tại và phát triển
Cho dù là vào thời đại không có tiền bạc (tiền tệ), thì con người vẫn cần phải giải quyết vô số các bài toán kinh tế. Ví dụ: Làm thế nào để có được quần áo và thức ăn? Sử dụng thời gian và tài nguyên như thế nào mới có thể sản sinh ra lợi ích lớn hơn? Làm thế nào để đối phó với rủi ro và sự không chắc chắn?...
3. Kinh tế học là một môn khoa học đề cập đến cạnh tranh và hợp tác
Trên thị trường, con người thông qua hợp tác để cạnh tranh, người tiêu dùng dùng tiền để cạnh tranh thương phẩm, thương gia dùng chất lượng và dịch vụ để cạnh tranh người tiêu dùng. Cạnh tranh và hợp tác khiến cho chúng ta từ bỏ thành kiến cá nhân, làm cho chúng ta hiểu được nhu cầu của người khác, và đem lại lợi ích cho người khác cũng chính là đem lại lợi ích cho mình.
Nắm vững tất cả các triết lý và bài học về kinh tế trong cuốn sách này.