TỰ TRUYỆN CỦA NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGỌC KÝ Tôi học đại học“Có những con người như hạt giống trong ta…”
Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28-06-1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Thầy bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi; 7 tuổi đi học và dùng chân để viết. Hai lần thầy được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992 và là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký được tuổi trẻ cả nước biết đến trong suốt 50 năm qua và xem thầy là tấm gương sáng qua các bài trong sách giáo khoa như EM KÝ ĐI HỌC (sách Tập đọc lớp 3 từ 1964-1983,) ANH KÝ ĐI HỌC (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), BÀN CHÂN KỲ DIỆU (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay). Nếu quyển sách Tôi đi học, bạn đọc đã biết đến một Nguyễn Ngọc Ký 12 năm đèn sách thì nay, quyển tự truyện thứ hai Tôi học Đại học, bạn đọc sẽ càng hiểu và cảm phục hơn về những năm tháng Nguyễn Ngọc Ký phải rời xa quê hương, mọi việc phải nhờ đến đôi chân, nhất là trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mọi trường học phải rời xa thành phố sơ tán về học ở các tỉnh miền núi mà vẫn luôn học tốt.
Tôi học đại học được ấp ủ từ hình thành từ những năm tháng như thế. Quyển sách này được thầy viết trong suốt 43 năm, và hoàn thành trong khoảng thời gian sức khoẻ thầy không được tốt, phải chạy thận 3 lần 1 tuần song với nghị lực và sự cố gắng phi thường, thầy đã hoàn thành quyển sách Tôi học đại học. Bên cạnh đó, thầy vẫn miệt mài ngày ngày vừa đi giao lưu với học sinh các trường vừa tiếp khách tư vấn tâm lý, giáo dục qua Tổng đài 1088 và tiếp tục sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, thầy cùng dịch giả Bích Lan có buổi giao lưu vô cùng xúc động với hơn 300 cán bộ văn hoá thư viện của 64 tỉnh thành do Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch cùng First News tổ chức tại Đà Nẵng. Cuộc giao lưu cùng dịch giả Bích Lan đã làm nhiều người trong khán phòng không cầm được nước mắt.
Quyển sách đầu tiên thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ký tặng bằng chân cho thứ trưởng Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch Huỳnh Vĩnh Ái. Các tác phẩm của thầy luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc, Tôi học đại học cũng là một tác phẩm như thế. Nếu tâm hồn bạn từng rung động và mở ra những khung trời mơ ước về một con đường sáng ngay trước mắt với những trang văn nặng tình nặng nghĩa “Tôi đi học” của thầy Nguyễn Ngọc Ký.
Tác phẩm này sẽ được First News – Trí Việt phát hành ấn bản mới vào tháng 1/2014. Thì hôm nay bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình trở ngược về quá khứ cách đây 45 năm, gần nửa thế kỷ thầy Ký kể lại chuyện mình. “Tôi học đại học” là câu chuyện khiến bạn không thể lạnh nhạt để rồi bỗng nhận ra tất cả khó khăn thử thách với bản thân trở nên vô cùng nhỏ bé. Thầy Nguyễn Ngọc Ký đang bắt tay viết quyển sách thứ ba: “Ngọn lửa không bao giờ tắt”, tác phẩm này sẽ hứa hẹn nhiều câu chuyện rất đặc biệt và sâu sắc, cảm động như tác phẩm “Cuộc sống không giới hạn” của Nick Vujicic.
Tôi học đại học của thầy Nguyễn Ngọc Ký được thực hiện bởi First News, phát hành tại nhà sách Trí Việt 11H Nguyễn Thị Minh Khai Q1 TP Hồ Chí Minh và các nhà sách khác trên toàn quốc.
Những cảm nhận về Tôi học đại học: Đọc Tôi học Đại học của nhà thơ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký mà như ngồi trước anh đây. Bởi lời văn đầy cảm xúc, tưởng như anh đang tâm sự. Sự việc cứ hiển hiện ra rất chân thực rất ân cần. Tôi đã trào nước mắt trước những nghĩa cử chân tình rất đời thường của Nhu, của Hằng, của Hòa, của Trang, của chị Vân, của thầy Diệp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, của GS. Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị… thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa. Và như thế, Nguyễn Ngọc Ký đã lớn lên bằng cả sự bao dung tình người không dễ gì có được. Để giờ đây anh đã thành đạt, là tấm gương vượt khó cho những người kém may mắn, cho lớp trẻ noi theo. Tôi học Đại học là lời cảm ơn rất chân thực, đầy tâm huyết với Người với Đời. Song nó toát nên sự trăn trở của nỗi lòng biết ơn không bao giờ trả đủ…Nhà thơ Tố Hoài Mỗi lần đến nhà chơi, bao giờ tôi cũng được Nguyễn Ngọc Ký dành cho thú vui được đọc những trang bản thảo mới tinh anh vừa viết trong tư truyện Tôi học Đại học. Mỗi chuyện là mỗi kỷ niệm đẹp về tình đất, tình người; mỗi bài học quý về đạo lý, nhân tình, về ý chí vượt qua nghịch cảnh. Lối viết nhẹ nhàng, truyền cảm, không lên gân, không giáo huấn. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn thực sự. Tôi chờ mong cuốn sách phát hành trong nay mai để sớm mua về cho bà xã và các con các cháu cùng được đọc. Sau đó sẽ trang trọng đặt ở giá sách bên cạnh cuốn Thép đã tôi thế đấy, Cuộc sống không giới hạn, và Không gục ngã. Với tôi, cả bốn tác giả đều là thần tượng._Nhà giáo Trần Căng
Đọc cuốn tự truyện Tôi học Đại học của thầy, tôi lại bắt gặp những câu chuyện về những người thầy - những nhân cách lớn. Những câu chuyện đó đã góp phần không nhỏ, giúp tôi những bài học quý trong sự nghiệp “trồng người”. Bằng những lời tự sự nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu lắng, Tôi học Đại học không chỉ là chuyện tự sự cá nhân mà đã hóa thân thành chuyện ĐỜI trên từng trang viết. Và qua những trang ĐỜI đó, tình thầy trò thiêng liêng, sâu nặng, thấm đẫm chất nhân văn hiện hữu với tất cả niềm tự hào về một thời kỳ có một không hai trong lịch sử phát triển giáo dục Đại học ở nước ta. Một thời kỳ đã xa nhưng dấu ấn đã khắc sâu vào lịch sử bởi trong muôn vàn gian khổ, thiếu thốn của chiến tranh nhưng cả thầy và trò vẫn khắc phục vươn lên “Dạy tốt, học tốt”. Hình ảnh của những người thầy như: thầy Diệp Tư, thầy Bùi Ngọc Trác, của GS. Ngụy Như Kôn Tum, Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị…thật giản dị mà vô cùng lớn lao, ý nghĩa, là những bài học quý để những người thầy hôm nay tiếp bước noi theo…_NGƯT, Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ Ngọc Cẩn Mỗi trang viết là mỗi trang đời ấn tượng khó quên của tác giả.
Đọc mà thấy thương, thấy quý, thấy phục, thấy cuốn hút kỳ lạ. Cảm ơn Nguyễn ngọc Ký đã cho ta thêm nhớ, thêm yêu cuộc sống những năm tháng gian lao mà nên nghĩa, nên tình, nên thơ nơi giảng đường một thời còn mãi. Càng ý nghĩa hơn khi càng đọc cuốn sách càng gieo vào lòng ta niềm vui say và tin yêu sâu sắc những giá trị truyền thống vô giá nơi dân ta, nước ta chẳng ở đâu xa mà hiện hữu từng ngày ngay quanh ta. _ Nhà báo Bích Vân
Học cùng nhau suốt bốn năm trời một thời đại học sôi nổi và gian lao ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã nhận thấy ở Nguyễn Ngọc Ký sự phi thường của một người bạn khuyết tật giàu ý chí và nghị lực. Rồi cùng nhau đi tới hôm nay, lại được đọc những trang văn đầy ắp kỷ niệm, sâu nặng nghĩa tình và giàu cảm xúc, giàu khơi gợi ở Tôi học đại học, trong tôi, nhận thức về sự phi thường của anh càng được nhân lên gấp bội, không chỉ ở ý chí và nghị lực, mà cả ở sự phong phú của tâm hồn, sự tinh tế trong ứng xử và khát vọng mãnh liệt vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao._ Nhà thơ Lê Quang Trang
Những năm gần đây sự xuất hiện một loạt cuốn nhật ký viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đặc biệt là cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã làm thức tỉnh lương tri của độc giả trong và ngoài nước. Giờ đây nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã cho ra mắt cuốn tự truyện Tôi học đại học phần nào nói lên được lớp người ở hậu phương trong những năm tháng hào hùng đó của dân tộc. Đọc những trang viết trong trẻo và đầy nhiệt huyết này, mỗi chúng ta đều thêm trân trọng một thời dấu yêu đã qua. Là lớp học sinh đầu tiên của thầy, hôm nay tôi thêm thấu hiểu nỗi gian nan vất vả nhưng đẹp đẽ vô cùng của thầy và đồng nghiệp trong những ngày học sơ tán và vững tâm bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn. _ Nhà thơ Phạm Quang Tiễn
Anh là chàng trai thông minh tràn đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn đời thường, không ngừng vươn tới đỉnh cao trí tuệ mà mình khao khát. Tôi đã từng viết bài “Huyền Thoại Nguyễn Ngọc Ký” chân thành bày tỏ cảm phục của mình trước khả năng phi thường của anh. Nhưng khi được đọc tác phẩm Tôi học Đại học của anh, tôi càng cảm động và vô cùng bất ngờ trước con người huyền thoại của mình. Hóa ra những gì tôi biết về Nguyễn Ngọc Ký còn quá ít. Ở anh luôn luôn chan chứa một trái tim nhạy cảm, huyền bí, chân thành ngân rung trước cuộc sống; một tâm hồn phong phú đến mênh mông với ý chí nghị lực quá phi thường. Với Tôi học đại học, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký còn đem đến cho chúng ta một thông điệp về niềm tin: tình yêu thương sâu sắc, bao la giữa con người với con người không bao giờ vơi, bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào. Cảm phục Nhà văn - Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký biết bao! Nguyễn Ngọc Ký đã cháy hết mình và tỏa sáng rạng rỡ trong cuộc đời. Ngọn lửa nghị lực Tôi học Đại học của anh đã và sẽ thực sự trở thành bài học cho nhiều người, sẽ truyền hơi ấm, tiếp sức cho mọi trái tim, nhất là những trái tim cô đơn, bất hạnh và còn chần chừ trong những bước đi không chỉ đầu đời. Chúc anh hạnh phúc và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cao quý của mình! _Nhà báo, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai
Đôi bàn chân kỳ diệu của Nguyễn Ngọc Ký đã làm mọi việc thay đôi tay khuyết tật của mình. Đó là sự nỗ lực ở khía cạnh thể xác. Điều đáng nói hơn là Nguyễn Ngọc Ký có một trái tim nhân hậu, một tình yêu nồng nàn, một tâm hồn trong sáng... Một ý chí vươn lên, không bi phẫn, luôn lạc quan, vượt qua hoàn cảnh, vượt lên số phận. Một trí tuệ minh mẫn để có những suy nghĩ, hành động vì con người, yêu con người. Ngọc Ký đã thể hiện sự mẫn tiệp ấy qua tự truyện "Tôi học đại hoc" với lối kể chân tình, giản dị. Tôi có thể coi là người đồng hương, đồng tuế với Ngọc Ký. Khi đọc tự truyện của Ký và nhớ lại những điều đã nghe, đã biết về người bạn văn quê nhà, càng thấy xúc động. Tập tự truyện là những lời tri ân với cuộc đời. Ký yêu người - người yêu Ký. Văn là người vậy. _Trần Đắc Hiển Khánh