Tiết Kiệm Nước For Dummies
“Tiết kiệm nước for Dummies” được viết bởi Michael Grosvenor, ông là một nhà văn tự do và là cây viết hàng đầu về lĩnh vực quy hoạch đô thị bền vững. Qua tác phẩm và bài viết của mình, Michael đề cao lợi ích của việc lựa chọn phong cách sống bền vững. Michael có chuyên môn sâu về lĩnh vực giao thông vận tải và ông tư vấn chính sách thúc đẩy tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và xe đạp cho cả khu vực tư nhân lẫn hành chính công. Michael là người ủng hộ mạnh mẽ vai trò quan trọng của phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố và thị trấn. Khát khao muốn trò chuyện với mọi người về lối sống bền vững đã tiếp sức để ong viết nên cuốn sách này.
Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng con người đang sử dụng tài nguyên thiên nhiên với tốc độ nhanh hơn khả năng tái tạo tài nguyên của môi trường. Nước là một trong những tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất nhưng với việc áp dụng một số phương thức sống và thói quen đơn giản bao gồm việc sử dụng nước tốt hơn, bạn có thể giúp hành tinh xanh này giành lại sự cân bằng.
Nhiều khả năng bạn chọn cuốn sách này vì hiểu rằng một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như nước có những hạn chế nào. Cuốn sách Tiết kiệm nước for dummies cung cấp cho bạn những mẹo thiết thực mà bạn cần để bảo tồn, tái sử dụng và tái chế những gì trôi xuống rãnh nước nhà bạn. Cuốn sách này xử lý các vấn đề về nước ở tầm vĩ mô trong cuộc sống ở một quốc gia khô hạn cũng như các vấn đề vi mô như phòng tắm, nhà bếp, phòng giặt là và sân vườn của mỗi gia đình. Cuốn sách khôngnói về việc thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn bằng cách chối bỏ một phương thức sống nhất định nào đấy; thay vào đó, nó đưa ra những lời khuyên thiết thực về lối sống sử dụng nước khôn ngoan hơn.
Điều quan trọng là cuốn sách này không chỉ nói về những hành động bạn thực hiện trong phòng tắm, nhà bếp, vườn và phòng giặt. Cuốn sách này có thể là sự khởi đầu cho một hành trình dẫn bạn đến những lựa chọn khác với tư cách là một người tiêu dùng biết quý
trọng tính bền vững trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Mục lục:
Về tác giả
Lời cảm ơn
Lời giới thiệu
Chương 1: Nước – Nguồn tài nguyên quý giá
Chương 2: Tiết kiệm nước tại nhà
Chương 3: Phủ xanh vườn nhà bằng phương pháp sử dụng nước khôn ngoan
Chương 4: Mười mẹo tiết kiệm nước
Trích đoạn nội dung:
Thấu hiểu tại sao nước lại là một thứ hàng hoá quý giá
Một vài thực tế về nước có thể giúp bạn nhận ra tình trạng thiếu hụt nước đang trầm trọng đến mức nào.
41% dân số thế giới đang sinh sống tại những khu vực chịu áp lực về nước – những khu vực mà lượng cung cấp nước kém hơn rất nhiều so với mặt bằng chung toàn cầu. Những khu vực này bao gồm miền Bắc và Trung Phi, cũng như khu vực Trung Đông. Qua việc so sánh, ta biết rằng các khu vực thành thị tại Úc, Hoa Kỳ và châu Âu có lượng nước cung cấp cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung toàn cầu. Cho dù như vậy, các nước phát triển cũng đang phải đối mặt với các tình trạng thiếu nước.
Nước của bạn đến từ đâu
Thông thường, người ta cấp nước đến các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tại các khu vực đô thị lớn theo cách như sau:
1. Nước sông và suối được lấy từ các đập và hồ chứa có vị trí chiến lược hoặc từ các nguồn tự nhiên trong lòng đất.
Hầu hết các thành phố lớn đều dựa vào nhiều con đập trữ nước. Những khu vực như Perth và Alice Springs lấy nước từ các nguồn nước ngầm.
2. Nước được đưa đến các nhà máy lọc.
Tại nhà máy lọc, người ta loại bỏ phần lớn trầm tích và khoáng chất, rồi cho thêm clo vào để tiêu diệt bất kỳ sinh vật sống nào. Họ còn bổ sung florua để ngăn ngừa sâu răng.
3. Nước được cung cấp đến các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh thông qua mạng lưới các trạm bơm và hệ thống ống dẫn.
Các mạng lưới này có phạm vi rất rộng. Ví dụ: mạng lưới đường ống nước ngầm của thành phố Sydney dài khoảng 21.000km – bằng khoảng cách bay từ Sydney đến New York với tuyến đường bay qua London.
Để phục vụ các mục đích nông nghiệp và trang trại, phương pháp cấp nước được tiến hành trực tiếp hơn: Nước tưới được bơm thẳng từ nguồn nước gần đó hoặc nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nhiều thị trấn vùng nông thôn bơm nước trực tiếp từ các kênh và sông ngòi tự nhiên, đồng thời họ dựa vào các bể trữ nước mưa của khu dân cư với mục đích dự phòng.