The Speed Of Trust - Sức Mạnh Của Niềm Tin
Có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhiều biết đến khái niệm về niềm tin, nhưng không phải ai cũng hiểu hết vai trò then chốt của niềm tin và quan trọng hơn là biết cách làm chủ nó. Tiếp nối truyền thống lan tỏa những nội dung phổ quát, mang tính trường tồn từ người cha, Stephen M. R. Covey đã cho chúng ta câu trả lời tuyệt vời về vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay, một con đường mới mang tính cách mạng hướng đến hiệu quả và hạnh phúc lâu dài.
Theo Stephen M. R. Covey, niềm tin là chìa khóa cho mọi mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với chính mình. Vì thế, niềm tin chính là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu vì sức mạnh của nó lan tỏa ra mọi mối quan hệ ở mọi cấp độ, mọi khía cạnh của cuộc sống. Niềm tin chính là một thứ làm thay đổi mọi thứ. Một vai trò cốt yếu mà lâu nay mọi người vẫn chưa nhận thức được hết, và hậu quả là chúng ta hiện đang phải đối mặt với vấn nạn khủng hoảng niềm tin ngày càng tăng.
Một điều có thể nói là gây ngạc nhiên cho hầu hết mọi người, đặc biệt là các lãnh đạo, đó là tác động sâu rộng của niềm tin có thể nhìn thấy được, đo lường được, và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với tốc độ nhanh chóng, thông qua hai phương diện ‘tốc độ’ và ‘chi phí’. Stephen M. R. Covey cũng nêu bật vai trò của người lãnh đạo trong việc trở thành một người lãnh đạo đáng tin đối với các nhân viên, đồng thời truyền cảm hứng cho họ tin tưởng vào bản thân và tin tưởng lẫn nhau, từ đó xây dựng một văn hóa niềm tin trong công ty, nâng cao bền vững hiệu suất và kết quả công việc.
Vậy với vai trò nền tảng và tác động mạnh mẽ đó của niềm tin, chúng ta cần làm gì để có thể vận dụng sức mạnh này? Sức mạnh của Niềm tin cung cấp cho chúng ta một mô hình hiệu quả để giúp chúng ta trở thành những con người đáng tin, những tổ chức đáng tin, và xây dựng những mối quan hệ tin tưởng để từ đó nâng cao uy tín trên thị trường và gia tăng đóng góp cho xã hội. Mô hình Niềm tin – bao gồm 4 Thành tố Niềm tin và 13 Hành vi tín nhiệm cao – sẽ giúp chúng ta kiến tạo sự tin tưởng trong mọi mối quan hệ, đồng thời kiến tạo tác động của niềm tin thông qua hạn chế ‘thuế niềm tin’ và nâng cao ‘cổ tức niềm tin’. Và tác động này có hiệu ứng lan tỏa qua 5 Làn sóng đến mọi cấp độ và khía cạnh trong cuộc sống.
Niềm tin có tác động mạnh mẽ đến vậy, nhưng nếu chúng ta thiếu niềm tin hay mất đi niềm tin thì hậu quả sẽ tiêu cực đến mức nào? Chúng ta phải làm gì để tránh những hậu quả đó? Chúng ta những tưởng niềm tin là thứ một là có, hai là mất, và nếu đã mất thì sẽ mất luôn mãi mãi. Nhưng cuốn sách này đã mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và phương thức để có thể khôi phục niềm tin đã bị mất, và thậm chí còn khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn sau khi trở lại. Thật là một điều thú vị, và cũng không kém phần quan trọng đối với mọi cá nhân, tổ chức, thị trường, và xã hội. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thành công nếu chúng ta thật sự mong muốn và nỗ lực cho điều đó.
Đây là cuốn sách thật sự hữu ích cho tất cả chúng ta, và đặc biệt ‘phải đọc’ đối với các lãnh đạo vì tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không chỉ là con người, mà là con người đáng tin. Có đội ngũ đáng tin thì mới có tổ chức đáng tin; có tổ chức đáng tin thì mới có thương hiệu uy tín, và mới là một cái ‘hiệu được thương’ bền vững. Như vậy niềm tin chính là “tài sản”, là “văn hóa” (văn hóa cá nhân, văn hóa tổ chức, văn hóa xã hội...) của công ty, và được thể hiện một cách định lượng qua “doanh thu”, “chi phí” của doanh nghiệp. Khi có thương hiệu mạnh cùng với môi trường làm việc đầy niềm tin thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng nhanh và tăng bền vững.