“Nhà Lãnh đạo trong Tôi là một trong những nỗ lực xuất sắc nhất đang bắt đầu có sức ảnh hưởng trong các trường học của chúng ta hiện nay. Các tác giả có lối kể chuyện đầy lôi cuốn và cách giải thích các nguyên lý cùng lời hứa của cả chương trình vô cùng khéo léo. Nếu bạn quan tâm đến giáo dục, bạn cần đọc quyển sách này.”
Daniel Pink, tác giả của cuốn Từ bản năng đến nghệ thuật bán hàng và Động lực chèo lái hành vi
“Những nguyên lý được giảng dạy và thực hành trong Nhà Lãnh đạo trong Tôi là những đặc điểm mà chúng ta mong muốn những nhà lãnh đạo sở hữu. Nếu chúng ta cho các em học sinh thực hành và phát triển những đặc tính này từ lúc còn nhỏ, các em sẽ trở thành những người trưởng thành thấu hiểu được những điều thực sự cần thiết để đo lường mức độ thành công là gì.”
Giáo sư Clayton Christensen, trường Kinh doanh Harvard, và tác giả của Thách Thức Sáng Tạo
“Kể từ khi Winchester triển khai Nhà Lãnh đạo trong Tôi, các em học sinh đã thể hiện sự tiến bộ trong những bài kiểm tra đọc hiểu mang tính tiêu chuẩn, và sự tự giác làm bài tập về nhà, nhưng quan trọng nhất là sự tự tin vào bản thân. Các em học sinh có tinh thần chủ động và sẵn sàng đương đầu với thử thách thay vì học tập một cách miễn cưỡng như trước đây. Tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt đối với những thành viên trong đội ngũ nhân viên của mình. Các phụ huynh cũng đang áp dụng những thói quen vào gia đình mình. Tôi thực sự tin rằng chương trình này có thể trở thành một cuộc cải cách giáo dục cần thiết cho tất cả những ai mong muốn tạo ra thay đổi cho cuộc đời của mỗi trẻ em và tất cả những ai mong muốn tạo nên sự vĩ đại từ bên trong chính họ.”
Kathy Brachmann, Hiệu trưởng, trường tiểu học Winchester, West Seneca, New York
Trong quá trình quan sát các trường học, nhiều bài học cốt lõi đã được rút ra. Một trong số đó là ba thử thách – học thuật, văn hóa, và kỹ năng sống – về bản chất có tính tương tác cao. Nhiều trường học tiếp cận các thử thách này như ba thử thách riêng biệt. Họ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực học thuật bởi vì đó là vai trò chính của họ. Sau đó, nếu có thời gian hoặc có khủng hoảng phát sinh, họ sẽ quan tâm đến văn hóa. Cuối cùng, nếu vẫn còn dư chút thời gian hoặc nguồn lực, họ mới bắt đầu dạy về kỹ năng sống – hay điều mà từ đây chúng ta sẽ gọi là những kỹ năng lãnh đạo, bao gồm 7 Thói quen. Tuy nhiên, những gì các trường học nhận thấy là: thông qua việc thực hiện các bước trực tiếp để giải quyết một trong ba thử thách này, những tiến bộ đồng thời ở những lĩnh vực khác cũng sẽ xuất hiện. Chúng tác động lẫn nhau – chứ không tách biệt – về bản chất.
Bài học cốt lõi thứ hai là sự chuyển đổi trường học là một quá trình có liên hệ chặt chẽ với bối cảnh của nó. Không có hai trường học hay hai lớp học nào giống y hệt nhau, vậy nên, không có hai trường học hay hai lớp học nào sẽ triển khai chương trình giống nhau toàn bộ. Mỗi trường học và lớp học phải xem xét bối cảnh của nó và quyết định cách thức cũng như tốc độ triển khai. Vậy mà đây lại là một trong những khía cạnh được ưa chuộng của Nhà Lãnh đạo trong Tôi, vì nó không phải là một chương trình được đóng khung sẵn hay một kịch bản, mà là một quá trình khuyến khích các nhân viên trường học và các em học sinh tận dụng những tài năng, niềm đam mê, và trí tưởng tượng của họ để khiến nó mang đậm chất riêng của mình. Chúng tôi gọi đó là đặt chữ ký cá nhân hay “dấu ấn tâm huyết” của họ lên chương trình…
Bài học cốt lõi thứ ba chính là việc chuyển đổi trường học sẽ có hiệu quả nhất khi được tiến hành từ trong ra ngoài. Như đã nói đến, rõ ràng là trường học không hành động, mà là con người vận hành nó. Sự chuyển đổi trường học là kết quả đến từ sự chuyển đổi của từng cá nhân. Do đó, việc đầu tiên trong quá trình chuyển đổi trường học là nghiên cứu các mô thức – cách thức tư duy – và những hành động của con người, bắt đầu từ các nhân viên trường học.