Tham Vấn Tâm Lý Trên Nền Tảng Phật Giáo
Các khái niệm và thực hành của Phật giáo ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng vào trong tâm lý học chuyên môn. Đây là cuốn sách đầu tiên đề xuất một định hướng mang tính lý thuyết cho việc tham vấn dựa trên giáo lý của Phật giáo thời kỳ đầu và giới thiệu nó với các chuyên gia tham vấn để sử dụng trong việc điều trị và rèn luyện sức khỏe tâm thần.
Tác giả Lee bắt đầu cuốn sách của mình bằng cách đưa ra những khái niệm căn bản cần có để hiểu quan điểm của Phật giáo về bản chất của con người và thế giới. Ông trình bày mô hình tham vấn Phật giáo và đề xuất các phương pháp thực tập nhằm nâng cao về mặt tinh thần cho các nhà tham vấn, bao gồm các kế hoạch tu dưỡng bản thân, các bài tập quán chiếu và các phương pháp thiền khác nhau. Cuối cùng, ông bàn về cách áp dụng mô hình này trong việc đánh giá, khái niệm hóa và can thiệp, đồng thời sử dụng một số ví dụ điển hình để minh họa cho quy trình thực tế.
Là một cuốn sách tham khảo về tham vấn Phật giáo, cuốn sách này là nguồn tài liệu quý giá cho các tu sĩ Phật giáo, các nhà tham vấn và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần quan tâm tới việc áp dụng Phật giáo trong thực hành lâm sàng của họ, cũng như các nghiên cứu sinh trong việc nghiên cứu và tham vấn tôn giáo.
Tác giả:
Kin Cheung Lee (George) là giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Hồng Kông và là nhà tâm lý học được cấp phép ở tiểu bang California (PSY28022). Ông trước đây là Giám đốc Đào tạo Lâm sàng tại Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp California (California School of Professional Psychology), cơ sở ở Hồng Kông và Trợ lý Trưởng khoa Tâm lý học tại Trường Đại học Phương Tây
(University of the West).
Trích dẫn sách:
“Đứng từ quan điểm Phật giáo, tâm của con người rất linh hoạt và dễ uốn nắn, do đó việc luyện tâm có thể giúp làm thay đổi khuynh hướng của nó. Quá trình luyện tâm này nên được thực hiện song song với việc rèn luyện cơ thể như tập võ, bóng rổ, bơi lội hoặc các hoạt động thể chất khác. Về mặt khái niệm, bạn có thể biết cách ném một quả bóng vào rổ, nhưng sự hiểu biết về mặt lý thuyết là không đủ để giúp cho một cơ thể vụng về và yếu đuối trong việc thực hiện cú ném. Chỉ có nhờ thông qua việc lặp đi lặp lại các bài rèn luyện và luyện tập cơ bắp, thì cơ thể mới có thể tự phối hợp để thực hiện cú ném một cách khéo léo. Tương tự như vậy, việc lặp đi lặp lại quá trình luyện tâm sẽ giúp nâng cao khả năng của tâm trong việc quan sát và thay đổi các quá trình tinh thần và đưa ra những quyết định lành mạnh. Tôi gọi cái quy trình ứng dụng vào việc tư vấn này là mô hình Ghi nhận, Nhận biết, Lựa chọn (NKC), và sẽ có một số lý do để giải thích cho tiêu đề này.
Đầu tiên, Mô hình tư vấn Phật giáo về phương pháp luyện tâm—Ghi nhận, Nhận biết, Lựa chọn—thể hiện bản chất của các quá trình tinh thần và cung cấp các thành phần chính cho những thay đổi trong việc trị liệu hành vi (Lee & Tang, 2020). Tôi hy vọng có thể phát triển một phương pháp tiếp cận dễ học, dễ nhớ và đủ rõ ràng để minh họa cho các ý chính của mô hình điều trị. Ghi nhận (Note) là nâng cao nhận thức về thân và tâm, biết (Know) là phân tích và hiểu rõ nguyên nhân gây ra đau khổ trong thân và tâm, và chọn lựa (Choose) là đưa ra những quyết định có lợi cho thân và tâm trong mỗi giây phút hiện tại. Không giống như nhiều mô hình tư vấn hoặc trị liệu tâm lý khác, NKC là một khuôn khổ linh hoạt cho các hoạt động tinh thần, từ khoảnh khắc nhận thức đến quá trình điều trị toàn diện. Khi quan sát kỹ vào những hành động nhất thời của tâm, NKC có thể xảy ra trong một khoảnh khắc.”
- Trích Chương 4: Tổng quan về mô hình can thiệp: “Ghi nhận, nhận biết, lựa chọn”
Mục lục
Chương 1: Sơ lược lịch sử Phật giáo liên quan đến tâm lý học Ấn Độ
Chương 2: Phật giáo và khoa học: Những mối liên hệ với tham vấn Phật giáo
Chương 3: Những lý thuyết trọng tâm được đề xuất trong tham vấn Phật giáo
Chương 4: Tổng quan về mô hình can thiệp: “Ghi nhận, Nhận biết, Lựa chọn”
Chương 5: Tu tập tâm linh Phật giáo đối với một nhà tham vấn
Chương 6: Quá trình Đánh giá trong tham vấn Phật giáo
Chương 7: Khái niệm hóa ca bệnh trong tham vấn Phật giáo
Chương 8: Sự can thiệp và các phương pháp kỹ thuật - Ghi nhận
Chương 9: Sự can thiệp và các phương pháp kỹ thuật - Nhận biết
Chương 10: Sự can thiệp và các phương pháp kỹ thuật - Lựa chọn
Chương 11: Kết thúc tham vấn
Chương 12: Những cân nhắc về đạo đức trong việc tham vấn Phật giáo