Tầng Giếng Sâu - Nhận Diện Và Chữa Lành Nghịch Cảnh Thời Thơ Ấu
- Năm bốn tuổi, sau một vụ xâm hại tình dục, cậu bé Diego rơi vào tình trạng chậm phát triển.
- Sau khi giảm hơn 100kg, Patty đột nhiên bị mộng thực và bắt đầu tăng cân trở lại khi bị ve vãn ở chỗ làm.
- Buổi sáng nọ, Evan thức giấc và thấy mình bị liệt nửa người, anh được chẩn đoán đột quỵ và có nguy cơ khuyết tật vĩnh viễn.
Điểm chung của các trường hợp trên là gì? Tại sao những người này đột nhiên lại gặp các vấn đề sức khỏe cực đoan đến vậy?
Trong Tầng giếng sâu, tác giả, bác sĩ Nadine Burke Harris giải thích nguyên nhân là do họ đều “uống phải nguồn nước gây bệnh”: nghịch cảnh thời thơ ấu (ACE). Những trải nghiệm như bị ngược đãi, bỏ bê, có bố mẹ nghiện ngập, mắc bệnh tâm thần hoặc ly hôn... làm thay đổi hệ thống sinh học của chúng ta, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, hen suyễn, xơ phổi, tiểu đường, ung thư, trầm cảm; và hậu quả của chúng có thể kéo dài đến suốt đời.
Bằng việc chia sẻ những câu chuyện có thật trong quá trình hành nghề cùng những khám phá khoa học mới mẻ, Burke Harris sẽ giúp bạn hiểu rõ ACE và quan trọng hơn cả, cung cấp cho bạn các công cụ lúc đầu chỉ để chữa lành cho một người hay một cộng đồng, nhưng về sau có thể sẽ làm biến chuyển sức khỏe của cả một quốc gia.
Tác giả:
Nadine Burke Harris tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Harvard, là người sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Sức khỏe thiếu niên tại Bayview Hunters Point, San Francisco.
Cô nổi tiếng với cách tiếp cận sáng tạo trong việc chỉ ra rằng căng thẳng thời thơ ấu là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ở người trưởng thành. Cô từng là chuyên gia cố vấn cho Clinton Foundation. Cô nhận được Giải thưởng Nhân văn trong Y học của Quỹ Arnold P. Gold do Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ trao tặng.
Bài TED Talk của cô có ảnh hưởng của tổn thương thời thơ ấu tới sức khỏe đến nay đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem trên YouTube.
Trích dẫn hay:
Tôi hy vọng quyển sách này sẽ mang đến cho bạn, một góc nhìn hoàn toàn khác biệt về câu chuyện nghịch cảnh tuổi thơ – toàn bộ câu chuyện, chứ không phải chỉ một phần mà chúng ta nghĩ là mình biết. Qua những trang sách này, bạn sẽ hiểu rõ hơn việc nghịch cảnh tuổi thơ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và người bạn yêu thương như thế nào, và quan trọng hơn cả, bạn sẽ học được các công cụ chữa lành có thể lúc đầu chỉ để cứu chữa cho một người hay một cộng đồng, nhưng về sau sẽ làm biến chuyển sức khỏe của nhiều quốc gia.(Trang 15)
Ở trẻ nhỏ, tiếp xúc với ACE liên quan đến chậm phát triển, chậm nhận thức và rối loạn giấc ngủ. Những đứa trẻ ở tuổi đi học có tỉ lệ mắc hen suyễn cao hơn và phản ứng với thuốc chữa hen suyễn chậm hơn (như albuterol), tỉ lệ nhiễm trùng cao hơn (như nhiễm trùng do virus, nhiễm trùng tai và viêm phổi), học hành khó khăn hơn và có nhiều vấn đề hành vi hơn, những đứa trẻ tuổi thiếu niên có tỉ lệ béo phì, bắt nạt, bạo lực, hút thuốc, có thai tuổi vị thành niên, trở thành cha mẹ tuổi vị thành niên cao hơn và có những hành vi rủi ro khác như quan hệ tình dục sớm. (Trang 195)
Tôi biết hệ quả lâu dài của nghịch cảnh tuổi thơ không phải lúc nào cũng đau đớn. Ở một số người, nghịch cảnh có thể thúc đẩy sự bền bỉ, gia tăng sự đồng cảm, củng cố quyết tâm bảo vệ và thắp lên những siêu năng lực bé nhỏ, nhưng ở tất cả mọi người, nó sẽ lẩn sâu dưới da và ăn vào ADN, trở thành một phần quan trọng định hình con người chúng ta.
Tôi không nghĩ mọi người lớn lên với ACE phải “vượt qua” tuổi thơ của mình. Tôi không nghĩ việc quên đi nghịch cảnh hay đổ lỗi cho nó thì có ích gì. Bước đầu tiên là đánh giá nó và nhìn nhận rõ ràng rằng các hệ quả và rủi ro không phải là bi kịch hay cổ tích mà là một thực tế đầy ý nghĩa nằm giữa hai thái cực đó. Một khi hiểu cơ thể và não bộ của mình đã được cài cắm để phản ứng thế nào trong một số tình huống, bạn có thể bắt đầu chủ động trong cách tiếp cận mọi thứ. Bạn có thể nhận diện các tác nhân kích hoạt và biết cách nâng đỡ bản thân và những người mình yêu quý. (Trang 292)
Tôi viết quyển sách này cho mọi đứa trẻ và mọi người trẻ trong thế giới này, những người phải đối mặt với các thách thức to lớn quá khổ, và cho những người lớn với di sản tuổi thơ định hình nên sức khỏe của chính mình. Hy vọng của tôi là khơi nguồn cảm hứng cho các cuộc trò chuyện – quanh bàn ăn, trong văn phòng bác sĩ, tại các cuộc họp phụ huynh, trong tòa án và trong các hội đồng thành phố. Nhưng hy vọng lớn nhất của tôi là truyền cảm hứng cho các hành động – cả nhỏ bé lẫn lớn lao. (Trang 297)