Suối Cọp
Về tác giả: Hữu Ước
Hữu Ước là một Anh hùng Lao động, tướng lĩnh Công an nhân dân Việt Nam, cấp bậc Trung tướng. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân (2003-2013), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an (Việt Nam). Ông hiện là Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông là một người nghệ sĩ tài năng trên rất nhiều lĩnh vực bao gồm cả văn, thơ, kịch hội họa và sáng tác nhạc. Vì vậy khi nhắc đến Hữu Ước, người ta nghĩ ngay đến một con người anh hùng đa tài.
Hữu Ước chính là người lính trực tiếp tham chiến trong chiến trường nơi “Hành lang phía Tây” Trường Sơn, vào thời điểm Mỹ đang gắt gao chuẩn bị cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Âm mưu của Mỹ là biến vùng Xê Pôn phía Nam Lào – nối dài từ đường 9 Quảng Trị sang thành “chốt chặn” cứng giữa cổ họng đường Trường Sơn, ngăn chặn tiếp viện, trợ cấp cho chiến trường miền Nam. Hữu Ước cùng những người đồng đội của mình trong hàng ngũ lính bộ binh và lính đặc công Công an Vũ trang cùng sát vai ngăn chặn âm mưu đó của Mỹ.
Tác phẩm:
- Phản ánh hiện thực chiến tranh với chất anh hùng ca đậm đặc
Suối Cọp được viết lên bởi hiện thực và hoàn cảnh chiến tranh đạn bom khốc liệt nằm ở “Hành lang phía Tây” Trường Sơn, nên nó phản ánh một hiện thực vô cùng chân thực, là cuộc sống chiến đấu gian nan, là không tránh khỏi những hy sinh mất mát. Nhưng ở đó có những con người giàu nghĩa tình, những anh hùng trong trận chiến. Đó là những người Đại đội trưởng máu lửa, như Đại đội trưởng Tuần “râu”, Đại đội trưởng Quyết “điên”. Hai con người, hai quan niệm chiến đấu khác nhau, nhưng vẫn cùng nhau làm nên chiến thắng trong một trận đánh. Đó còn là cậu học sinh cấp 3, đã nhập ngũ với sự kỳ vọng của cha, trở thành một người lính đặc công Công an vũ trang và vào chiến trường. Nơi đây còn có hai người lính đã cõng cậu bé BaNa và đảo ngũ. Và hình ảnh những nữ y bác sĩ, gan góc, tận tụy, dành hết thanh xuân của người con gái cho chiến trường. Họ là những con người luôn mang trong mình tâm thế sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy không miêu tả những trận đánh “chấn động lịch sử”, nhưng Suối Cọp vẫn toát lên một chất anh hùng ca vô cùng đậm đặc.
- Tình yêu người lính – chủ đề không mới, nhưng cách tiếp cận và khai thác trong Suối Cọp lại vô cùng mới mẻ và nhân văn.
Điều đặc biệt hơn ở Suối Cọp đó là việc đây là tiểu thuyết đầu tiên mô tả một cách “trần trụi” nhất về tình yêu. Những câu chuyện tình yêu, tình dục có thể nói là một phần linh hồn của câu chuyện. Tại nơi đây những chiến sĩ, họ yêu nhau cũng nhiệt huyết như khi ra trận, yêu nhau từ cái bản chất con người nhất. Họ cũng khát khao được nếm trải những vị đời, vị tình ái. Trong hoàn cảnh chiến tranh những tình yêu ấy có lẽ sẽ không bao giờ được trọn vẹn nhưng mãi là điệp khúc ngân nga, là những gì lãng mạn nhất trong đạn bom, khói lửa. Tuần vô tình đã cướp đi sự trinh trắng nhất của Liên, cái mà cô nâng niu dành dụm cho người mà cô yêu nhất. Khác với Liên, Lan đến với Hoàn khi cô đã tự nguyện dâng hiến mình cho một người lính thuộc đội cảm tử. Song tình yêu của họ đã chiến thắng nỗi mặc cảm đó. Nhưng cuối cùng họ cũng không thể có được cái kết trọn vẹn. Còn tiểu đội trưởng Thế cương lại phải lâm vào cảnh Mai Nhung, người yêu của mình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ngoài ra tác giả còn khéo léo đưa vào câu chuyện của mình chuyện tình giữa voi đực và voi cái. Bi kịch trong chuyện tình này chính là sự ra đi của voi đực sau khi dung vòi để vớt xác Quyết bị chìm trong mộ vũng nước chứa đầy xác chết.
Trước đây có nhiều người cho rằng bản năng tình dục hay những chi tiết dung tục mô tả về người lính sẽ làm mất đi cái gọi là hình tượng anh hùng. Nhưng Suối Cọp không hề minh chứng cho điều đó, trái lại chính những chi tiết “đời” một cách trần trụi đó đã góp phần khắc họa nội tâm sâu sắc của những người lính trận mạc. Những chi tiết ấy không hề thô thiển mà toát lên một cái nhìn vô cùng nhân văn của tác giả. Vì suy cho cùng trước khi trở thành anh hùng, họ - những người chiến sĩ cũng cần phải là một “con người”.
“Có người lính vồ vập bấu chặt hai bầu vú non trẻ trinh nguyên của o như một thằng say. Rồi hai bàn tay của người lính cứ lỏng dần, lỏng dần, buông xuôi… Khi o cúi xuống nhìn thì thấy người lính ấy đã chết nhưng khóe môi vẫn tươi rói một nụ cười mãn nguyện. O khóc và hiểu người lính ấy đã hoàn thiện xong cái chức phận của một con người…” (Trích Suối Cọp – Hữu Ước)