Sồi sống nhiều năm tại Tu viện Lộc Uyển, nơi có vô số cổ thụ thuộc họ Sồi. Có những cây thân uốn cong, xòe cành như các vũ công. Có những cây thân vươn lên thẳng tắp trước khi dang rộng những vòng tay khổng lồ.
Nơi nào có sồi là có đá, những hòn đá lớn bé đủ cỡ và những tảng đá khổng lồ. Theo thời gian, cây sồi đã mọc trùm lên đá với rễ luồn sâu vào lòng đá. Đá là một phần của sồi và ngược lại, sồi là một phần của đá. Khi nhìn thấy một cây sồi tróc gốc, bạn sẽ nhận ra rễ cây sồi đan quyện chi chít vào đá từ trong gốc. Sồi và đá tuy là hai nhưng đã trở thành một. Chúng hỗ trợ, nâng đỡ nhau. Tảng đá cung ứng các loại muối khoáng cho cây và cây cao kia bắt rễ sâu trong lòng đất đá. Liên hệ giữa sồi và đá cho tôi rất nhiều cảm hứng và tôi tin rằng trong tình yêu chân thật, chúng ta cũng lớn lên và nương tựa vào nhau như vậy, không còn sự phân biệt giữa tôi và bạn. Dù rằng sồi và đá vẫn có các đặc tính riêng, chúng sống bên nhau, hỗ tương và hòa đồng. Sồi là sồi nhờ có đá, đá là đá nhờ có sồi.
Là những người cùng đi trên con đường tâm linh, chúng tôi học sống với tình thương mến nhau, học chuyển hóa và chữa lành các vết thương theo tinh thần của sồi và đá. Hạnh phúc và đau khổ của người kia cũng là hạnh phúc và đau khổ của tôi. Chăm sóc tôi cũng là chăm sóc người.
Ít có sách nào nói về một tình yêu cho chính bản thân mình. Tất cả chúng ta ai cũng muốn thương yêu và được thương yêu, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều hướng tình thương ra ngoài, tập trung vào một đối tượng nào đó ở ngoài mình. Hướng ngoại như vậy, ta quên đi chính ta. Trong tình yêu ta nghĩ tới hai người: ta và người yêu của ta. Điều này khiến ta muốn giành lấy, ghì lấy người kia làm sở hữu như đó là một thứ áo giáp giúp ta sinh tồn hay làm vững chắc bản ngã của mình.
Những trải nghiệm trong cuộc đời của tôi đã dạy cho tôi hiểu rằng yêu thương, trước hết và quan trọng hơn hết, là phải quay vào bên trong để yêu thương ngay chính mình.
Lớn lên tôi đã tin rằng khi tôi thành danh, có sự nghiệp và gặp được người tâm đầu ý hợp thì cuộc đời tôi xem như được trọn vẹn. Mọi mất mát và những tai nạn bi thương của tuổi thơ sẽ được đền bù.
Tôi đã đạt được tất cả những mơ ước đó của mình. Tôi học y khoa, ra trường và có địa vị cao trong xã hội. Tôi có tuổi trẻ, có sự thu hút và được nhiều người theo đuổi. Tôi đã có một mối tình thật đẹp. Anh bạn tôi yêu tôi vô cùng. Nhưng oái ăm thay! Tôi vẫn thường quay lưng lại với anh mỗi khi những ám ảnh của quá khứ trồi lên trong tâm thức. Tôi bầu bạn và nắm giữ những nỗi khổ niềm đau thay vì trân quý những hạnh phúc đang có mặt. Tôi tìm kiếm tình yêu ở ngoài mình và hầu như chưa bao giờ cảm thấy thỏa đáng. Dù cho Bụt có hiện ra lúc đó và thương yêu tôi, có lẽ tôi cũng vẫn bỏ đi vì tôi không hề biết yêu chính mình!
Trong sách “Phương thuốc chánh niệm mầu nhiệm” tôi xin chia sẻ với các bạn độc giả những mẩu chuyện về chính cuộc đời của tôi và cách áp dụng sáu yếu tố của tình thương đích thực để tôi có thể trở thành tri kỷ của chính tôi và cho người khác. Tôi cũng xin trình bày sáu yếu tố thương yêu theo trình tự sau đây: 1. Tương tức; 2. Tình bạn; 3. Niềm vui; 4. Niềm tin; 5. Sự tôn trọng; 6. Sự chữa lành.
Tôi chọn bắt đầu với yếu tố tương tức vì tôi thiết nghĩ rằng chánh kiến có khả năng quyết đoán mọi hành động của thân-khẩu-ý, cũng như trong Bát chánh đạo, Bụt cũng đã bắt đầu với chánh kiến. Một khi chúng ta có chánh kiến, tất cả các yếu tố khác của tình thương đích thực cũng sẽ được nhìn qua lăng kính này. Khổ đau được kết tụ từ vô minh, biểu hiện qua cái nhìn và suy nghĩ méo mó của tà kiến và tà tư duy. Với chánh kiến về tương tức, sự chữa lành và các yếu tố khác của tình thương đích thực sẽ được biểu hiện một cách tự nhiên.
Khi hai người thương nhau, họ thường cầu mong được “đầu bạc răng long”. Đây là ước mơ được chung sống với nhau cho đến tuổi già, tóc bạc và răng rụng, không màng sự xinh đẹp, hào nhoáng của ngày xưa. Nó cũng bao hàm ý nghĩa là chúng ta cần phải học chăm sóc những cái răng của mình cũng như các phần còn lại của hình hài, sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, để chúng ta không bỏ người kia chơ vơ ở tuổi xế chiều. Đó cũng là cam kết cùng nhau đối phó với nghịch cảnh, vun trồng hạnh phúc để có thể sánh vai đi trọn con đường.
Nuôi dưỡng Lục vô lượng tâm trong tự thân là sự thực tập cụ thể nhất để có thể thỏa mãn nhu yếu thương yêu trong chính ta và cùng lúc giúp ta hiểu, thương, sống hòa hợp với những người ta nguyện thương yêu, với mọi người và mọi loài.
Tôi đã học được từ Thầy của tôi rằng mỗi giây phút sống sâu sắc là một mối tình thiên thu. Tôi ao ước được chia sẻ với các bạn những giây phút hồn nhiên, sống động ấy và qua đó, bạn cũng sẽ hiểu hơn về đời sống tu học của quý thầy, quý sư cô và của các bạn thiền sinh Tây phương thuộc truyền thống Làng Mai.
Phương thuốc chánh niệm nhiệm màu
MỤC LỤC
CHƯƠNG MỘT. Tương tức
Hạt đậu âm dương
CHƯƠNG HAI. Tình huynh đệ
CHƯƠNG BA. Niềm vui và hạnh phúc
Ly sinh hỷ lạc – buông bỏ
Niệm sinh hỷ lạc
Định sinh hỷ lạc
Tuệ sinh hỷ lạc
CHƯƠNG BỐN. Niềm tin
CHƯƠNG NĂM. Tôn trọng và kính ngưỡng
CHƯƠNG SÁU. Chữa lành
Chữa lành bệnh tật
ĐOẠN KẾT
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
HẠT ĐẬU ÂM DƯƠNG
Vào ngày sinh nhật thứ 40 của tôi, người bạn xưa gửi tặng tôi vài hạt đậu âm dương. Hạt đậu hình bầu dục giống như các hạt đậu khác nhưng có một đường cong chạy dọc ngay chính giữa, chia hạt đậu làm hai phần: nửa trắng có một chấm đen, và nửa đen lại có một chấm trắng. Vì trong trắng có đen và trong đen có trắng nên tôi thường gọi đùa hạt đậu này là tương đậu. Bạn tôi mua những hạt đậu âm dương đó trên mạng Internet.
Những hạt tương đậu này đã trở thành pháp khí giúp tôi giải thích về giáo lý tương tức mà Bụt từng giảng dạy. Có thể danh từ tương tức có vẻ lý thuyết hay huyền bí. Nhưng hạt đậu âm dương cho ta thấy rất rõ: Cái này có trong cái kia, và cái kia có trong cái này. Đó chính là ý nghĩa của tương tức, là một công án để quán chiếu miên mật. Khi tôi mặc chiếc áo tràng nâu của người tu mà nghĩ rằng: “Khổ đau và hạnh phúc là của riêng tôi, không dính dáng gì đến ai khác” thì lúc đó tôi không thể hiện được tuệ giác của tương tức hay tương đậu! Trong bốn năm đầu sau khi xuất gia, tôi đã được sống tại Làng Mai, Pháp gần Thầy của tôi. Sau đó, tôi về tu học tại các tu viện Làng Mai ở Hoa Kỳ nhiều năm nhưng hàng ngày tôi thực tập hơi thở chánh niệm và thiền hành để thấy được Thầy trong tôi. Dần dần tôi nhận ra rằng cốt tủy của Thầy chính là hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm.
Năm 2013, tôi được theo Thầy trong chuyến hành đạo tại Bắc Mỹ. Hôm đó Thầy đang nằm trên võng và tôi quỳ xuống cạnh bên, nhẹ nhàng đưa võng. Da mặt Thầy sáng láng như người trẻ, cặp mắt Thầy tinh anh, thánh thiện. Tôi đã xin Thầy viết cho tôi một thư pháp: “Tình thương đích thực bắt đầu với hình hài của chính mình”. Thầy hỏi: “Con có chắc không?” Tôi nhìn vào mắt Người và trả lời: “Dạ, đó là điều con đã thực tập từ khi con bị bệnh nặng”. Tôi đã có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt uy nghiêm của Thầy vì tôi đã học được cách nhìn sâu vào tâm tư tôi, trực diện và chấp nhận những ý tưởng điên rồ, dối trá, ngoắc ngoéo trong tôi. Thầy nhìn tôi dịu dàng rồi nói: “Người ta thường hay phân biệt thân với tâm nhưng thực ra chúng không hề có sự khác biệt”.
Thầy của tôi, như bao học trò gọi Người, đã dạy cho tôi cách vun trồng một tình thương với tính chất chân, thiện, mỹ lâu bền. Với niềm tin tuyệt đối nơi Thầy và những lời dạy của Người, tôi luôn luôn tập nhìn vào những đam mê, vướng mắc của mình để có thể hiểu được gốc rễ của nó và dần dần chuyển hóa.
Tình thương đầu
Sơn, em trai tôi, là người đầu tiên tôi yêu trong cuộc đời của tôi. Mẹ chúng tôi phải buôn bán tảo tần quanh năm suốt tháng. Mỗi sáng, khi chị em tôi thức dậy, mẹ đã ra khỏi nhà rồi. Tôi thường giúp em tôi chải răng rửa mặt, sau đó tôi đi bộ ra chợ Tân Định cách nhà khoảng 15 phút để mua chút thịt bò và rau xà lách xoong. Tôi cắt miếng thịt thành các ô vuông, xào sơ sơ và để trên đĩa xà lách. Bò lúc lắc là món ăn dễ chuẩn bị nhất mà tôi đã học được khi mẹ dẫn chúng tôi đi ăn ở một tiệm ăn Pháp. Sau đó tôi và em tôi cùng tắm rửa rồi đi học. Sàn nhà tắm bằng xi măng tráng rất láng và có lỗ cống ngay đó. Ở trong góc có một cái lu lớn để hứng nước dưới cái vòi nước. Tôi đổ nước trên sàn xi măng, rắc bột xà bông rồi hai chị em thay phiên nhau trượt từ đầu bên này qua đầu bên kia như hai con cá trên cái sàn trơn. Chỗ tắm rất nhỏ, nhưng chị em tôi rất hạnh phúc với trò chơi đó hầu như mỗi ngày. Rồi tôi kỳ cọ cho em, mặc quần áo cho em và dắt em đến trường mẫu giáo trước khi tôi vào lớp của tôi, cũng thuộc trường Hai Bà Trưng ngay kế bên.
Khi mẹ còn sống, chúng tôi ngủ chung giường với mẹ. Rồi mẹ tôi mất tích năm 1980, lúc đó tôi 12 tuổi và Sơn chỉ mới tám tuổi. Sau khi mẹ mất tích, chị em tôi tiếp tục ngủ chung giường. Sơn đái dầm thường xuyên. Khi ngủ say, chúng tôi lăn lóc trên giường và cuối cùng tôi bị ướt mèm với nước tiểu của em. Sáng dậy, đầu tóc, mặt mũi, và quần áo của tôi thường đẫm mùi nước tiểu. Mỗi ngày tôi đều phải giặt quần áo của hai chị em. Nhiều khi tôi cảm thấy thật bực bội và tội nghiệp cho chính mình! Hết năm này qua năm khác, cho tới một ngày chán ngấy cái chuyện giặt giũ quần áo mền gối, tôi bắt đầu la làng trong khi phơi đồ trên cái bao lơn: “Ngày nào nó cũng đái dầm trên đầu trên cổ của con. Ngày nào con cũng phải giặt giũ. Trời ơi! Sao con khổ quá vậy?” Sơn mắc cỡ lắm, mặt đỏ lên vì lúc đó em đã mười tuổi rồi và đã bắt đầu biết để ý đến mấy cô bé hàng xóm!
Khi lớn lên, chị em chúng tôi vẫn thường tâm sự với nhau về thời thơ ấu. Trong suốt những năm tôi học đại học và y khoa, mỗi lần có dịp lễ là tôi lại về nhà thăm em ít nhất một hay hai tuần. Mẹ chúng tôi mất tích khi em tôi chỉ mới có tám tuổi nên mỗi khi chị em gặp lại, tôi thường kể chuyện cho em tôi nghe về khoảng thời gian mẹ còn sống, về khi em còn nhỏ để em không quên mẹ và cũng không quên thuở thiếu thời của mình. Chúng tôi coi lại các tấm hình xưa cũ. Hình em tôi nằm trần truồng, đầu ngóc lên thật dễ thương! Hình mẹ ôm em trong lòng. Hình hai chị em tôi đứng trên bờ hồ ở sở thú, Sơn mặt áo thun đỏ có hình con chó tai dài...
Có lần sau khi tôi đã xuất gia được ba năm, nhìn vào mấy tấm hình xưa tôi chợt nhắc tới chuyện em tôi thường đái dầm và có lần tôi đã la hét ở trên bao lơn. Em tôi nói: “Khi chị la to lên như vậy, em mắc cỡ và bị tổn thương nhiều lắm. Cho đến bây giờ nó vẫn còn làm cho em buồn!” Tôi nhìn em tôi mà chảy nước mắt. “Cho chị xin lỗi em. Lúc đó chị khổ lắm vì chị cũng chỉ là một đứa con nít mà phải chăm sóc cho em. Chị không biết cách nào khác. Em tha thứ cho chị nha em?”
Chuyện có vẻ nhỏ thôi nhưng em tôi đã mang nó trong lòng rất nhiều năm và vết thương vẫn âm ỉ chưa lành. Lần đó khi nhắc lại chuyện cũ, chị em tôi đã khóc rồi cười với nhau, hiểu nhau hơn và làm hòa được với nhau để có thêm bình an trong lòng. Tôi cũng chợt nhận ra rằng chưa bao giờ tôi hỏi Sơn tại sao không thức dậy đi dùng phòng vệ sinh mà lại đái dầm nhiều năm như vậy. Sau hơn 25 năm, cuối cùng tôi đã hỏi em tôi câu hỏi đó. Sơn nói em sợ ma. Từ phòng ngủ phải xuống cầu thang để đi vào nhà tắm, rất tối và rất xa, em sợ ma quá nên cứ nằm đó mà tiểu trên giường! Em nói em vẫn rất tỉnh táo mỗi lần tè dầm như vậy! Tôi thốt lên: “Nếu chị biết là em sợ ma, chị đã để cho em cái bô ở cạnh giường cho em tiểu vô đó rồi”. Có những câu hỏi quá đơn giản và thiết thực mà sao mình không bao giờ nghĩ đến nhỉ?
Khi học “Làm mới” với chính mình và với người thương, vết thương trong lòng sẽ được lành lại. Trong phương pháp thực tập Làm mới, khởi đầu ta công nhận những điều tốt đẹp trong tự thân, trong người kia, và trong liên hệ với nhau. Sau đó ta sám hối những hành động hay lời nói không dễ thương mà ta đã tạo ra cho chính ta và cho người kia. Rồi ta chia sẻ về các nỗi đau của mình do lời nói hay hành động của người kia đã gây ra. Trong quá trình thực tập này, chúng ta nhận diện được nỗi đau của chính mình. Chúng ta cũng thấy được nỗi đau của nhau. Nỗi đau của em cũng là nỗi đau của tôi, và nỗi đau của tôi cũng là nỗi đau của em. Tôi cố gắng làm mọi cách để chăm sóc niềm đau nỗi khổ trong tôi để tôi có thể hạnh phúc hơn. Và nếu tôi cố gắng làm mọi cách để giúp em vui hơn, điều đó cũng khiến tôi thêm hạnh phúc. Là một người tu, tôi không còn các điều kiện để tặng cho em tôi tiền bạc hay các tiện nghi vật chất nhưng tôi biết rằng mỗi khi em nghĩ tới tôi, em cảm thấy an tâm. Em biết rằng tôi biết chăm sóc tự thân và em không cần lo lắng gì về tôi nữa. Khi nói chuyện với tôi qua điện thoại, em biết tôi đang lắng nghe sâu, để hết tâm tư vào những lời em nói.
Tình thương vô điều kiện tôi dành cho em tôi đã giúp em tôi trở thành người thanh niên của ngày hôm nay. Em tôi vẫn còn chật vật trong việc chăm sóc chính em nhưng trong thâm tâm em biết rằng tôi luôn luôn yêu thương và chấp nhận em. Nếu có được một người yêu thương mình vô điều kiện trong cuộc đời của mình thì đó là một may mắn lớn vì tình thương này giúp mình đi qua mọi khó khăn, lẻ loi và tuyệt vọng. Trong thời niên thiếu, có những lần Sơn đã kề khẩu súng vào màng tai, có ý định tự sát vì không thấy nẻo ra. Nhưng rồi em tôi đã nghĩ tới tôi. Em kể lại cho tôi nghe rằng: “Lúc đó em nghĩ tới chị. Em thấy nếu em chết đi thì chị sẽ chỉ có một mình trong cuộc đời này và em không nỡ làm điều đó. Vậy nên em đã bỏ khẩu súng xuống”. Nhiều lần em tôi đã làm như vậy, và chính tôi cũng đã tự cứu mình nhiều lần chỉ vì tôi nghĩ tới em tôi. Đó là tình thương mà chúng ta có thể cho nhau. Chúng ta thương cảm cho khổ nạn của người kia thay vì chỉ đắm chìm trong chính mình. Chúng ta cố gắng tự chăm sóc mình vì biết đó cũng là chăm sóc người thương.