Phong Quốc
Một mũi tên xé gió, một giang sơn trở mình
Đất nước nguy nan. Hoàng quyền tàn lụi. Phủ chúa tiềm quyền vua. Thái tử bị vu oan rồi bị sát hại, vợ con bị giam cầm nhiều năm. Bỗng một ngày, một hậu duệ của tiên thái tử biến mất khỏi ngục. Giữa thế cuộc giằng co, mỗi giọt máu hoàng thất rơi ra ngoài nhân gian đều là nguy cơ dấy lên một lá cờ “phù lập”, nổi can qua rung chuyển giang sơn.
Phải chăng đó chính là ý định của kẻ bắt cóc?
Bối cảnh chính thức của Phong quốc là một triều đại giả tưởng, một đất nước giả tưởng, cùng các nhân vật hư cấu. Nhưng thời đại đã gây cảm hứng cho câu chuyện thì rất rõ ràng: Lê mạt. Lê Trung hưng thời mạt là một giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố, có nhiều yếu tố tiềm năng để khai thác vào văn học. Một phần có lẽ bởi quãng thời gian biến động đó đã để lại nhiều tài liệu với góc nhìn đa chiều từ nhiều phe phái, không chỉ sử mà còn cả văn, khác với các thời kỳ khan hiếm tư liệu trước đó. Chưa bao giờ bối cảnh đất nước ta lại hiện lên rõ ràng đến thế, với những con người, những tư tưởng, những biến động, những bất công, những giao tranh, những máu đổ…
Dựa trên những chất liệu lịch sử phong phú đó, đất nước trong Phong quốc cũng là một mảnh đất đảo điên: vua yếu nhược, chúa tiềm quyền, dân lầm than, binh nổi loạn; giang sơn chìm trong bão tố. Giữa thời cuộc nhiễu nhương, các nhân vật của Phong quốc tuy mục đích giống nhau, nhưng mỗi người ôm một lý tưởng. Mỗi nhân vật là đại diện của một hệ tư tưởng đương thời.
Kim Thiết xuất hiện trong cơn bão, đưa vị hoàng tôn nhỏ ra khỏi ngục tối, bắn một mũi tên về phía bão dông, như báo hiệu cho chính con đường mà anh sẽ đi. Anh là gió, là lửa, là đại diện của hỗn loạn, là người phá vỡ trật tự, là kẻ phản bội giai cấp.
Thanh hiện lên áo mũ gọn gàng, cử chỉ điềm tĩnh đến mức cứng nhắc. Y là nước lặng hồ thu, là đại diện của quy củ, của ràng buộc, của quy tắc, của ý trời, của trật tự, của tôn ti… Làn gió mới thay triều đổi đại, bật tung gốc rễ là thứ y không thể dung thứ.
Trung Sa nhìn qua thì giống như Kim Thiết: đều là những người muốn đón về cơn gió đổi thay; nhưng về bản chất thì vẫn có điểm khác biệt. Xuất thân thấp hèn đã khiến chàng nhìn ra sự lầm than của những người cùng tầng lớp. Chàng hòa mình trong biển cát của những phận dân đen không tên không tuổi, hiểu rõ nhất nỗi khổ đau tạo ra bởi sự giao tranh quyền lực của những kẻ nắm quyền.
Tư tưởng xuyên suốt của Phong quốc là cơn gió đổi thay. Các nhân vật bị giam trong ao tù, nước đọng của một thời đại suy tàn. Đổi thay, hay nói đúng hơn, trật tự mới - là một khao khát đau đáu trong lòng mỗi nhân vật, dù cách thể hiện và con đường họ đi mỗi người mỗi khác. Tất cả đều nỗ lực đấu tranh không ngừng vì điều mà mình tin là đúng.
Nhưng rốt cuộc, điều đúng là gì?
Ai là người quyết định cái gì đúng, cái gì sai?
Có câu: “Lịch sử là cái đinh để nhà văn treo áo”, đó chính là cách mô tả đúng nhất về Phong quốc. Về bản chất, tác phẩm này không có tham vọng kể chuyện lịch sử, văn hóa, mà chỉ đặt nhân vật vào bối cảnh để kể chuyện người.
Phong quốc là câu chuyện về sự đối kháng giữa trật tự và hỗn loạn. Là câu chuyện về sự xung đột tư tưởng. Là những phận người chao đảo giữa dòng xoáy thời cuộc. Là câu hỏi về sự phải trái đúng sai muôn đời còn mãi.