Chất lượng sản phẩm chỉ đạt khoảng 60% - 80% so với sản phẩm mới.
Lưu ý: Các sản phẩm thuộc 'Phiên chợ sách cũ' sẽ không được áp dụng chính sách đổi trả của Fahasa.com
Nhà thơ Nguyễn Duy không chỉ nổi tiếng với những câu lục bát mềm mại về làng quê thân thuộc hay những bài thơ thế sự đầy những trăn trở về thời cuộc đất nước mà ông còn được đông đảo độc giả yêu mến, xúc động bởi những bài thơ ông viết về phụ nữ – bà, mẹ, em… và đặc biệt là về vợ. Có lẽ hiếm có nhà thơ Việt Nam nào bày tỏ sự ghi nhận, tri ân người vợ của mình từ rất sớm, và nhiềulần như ông. Và có lẽ trong giới văn chương Việt từ xưa đến nay cũng mới chỉ duy nhất có ông in hẳn một tập thơ dành tặng vợ, đó là tập Vợ ơi.
Vợ ơi là một tập thơ nhỏ xinh gồm 20 bài thơ Nguyễn Duy viết cho vợ – bà Bùi Thị Hào – “từ hồi trót nói lời thương” năm 1971 cho đến hơn hai thập kỷ sau đó, với đủ mọi cung bậc cảm xúc của một hành trình dài yêu thương và gắn bó.
Đó là nỗi nhớ nhung người yêu của một chàng trai đang ở chiến hào:
“đêm nay em anh ở đâu
cứ nhìn trăng ấy nhìn lâu thấy người…”
(Võng trăng, 1973)…
Đó là cảm giác day dứt của một ông chồng “nghễnh ngãng làm nghề mộng du” quen mây gió trăng sao bỗng giật mình nhìn lại:
“Ta rất gần biển rộng với trời cao
để xa cách những gì thân thuộc nhất
nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
thăm thẳm nỗi lo mắt vợ u sầu…”
(Bán vàng, 1980);
Đó là tâm tư của một kẻ ưa lang bạt kỳ hồ chợt một ngày “ngộ” ra:
“thôi ta về với mình thôi
chân trời đành để chim trời nó bay
trông người xưa ngẫm người nay
đường xa nghĩ nỗisau này… cũngkinh”
(Đường xa, 1988);
Đó là niềm mong mỏi về chặng cuối êm đằm sau cả hành trình dài “khấp khểnh”: “trời cho sống ta cũnggià em ạ
con thương cha không bằng bà thương ông
tình như rượu chon sâu đằm lịm lại
cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng”
(Yêu, 1989)
Đó là lời tạ tội của một ông chồng nghệ sĩ ham vui, ham chơi:
“thất tha thất thểu văn chương
kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài
yêu cùng ai ghét giùm ai
để cơm áo vẹo hai vai em gầy
…
Xin đừng buồn nữa em ơi…”
(Xin đừng buồn em nhé, 1989)
Đó là nỗi hốt hoảng, thảng thốt của một ông chồng “thông thường hạgiới rong chơi/ trần gian choang choác sự đời tùy em” khi vợ ốm:
“nghìn tay nghìn việc không tên
mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng
thình lình em ngã bệnh ngang
phang anh xất bất xang bang sao đành
cha con Chúa Chổm loanh quanh
anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia…”
(Vợ ốm, 1994)
Đó là lời tâm tình, an ủi:
“này em mình tự dọn mình
Ta ân xá tội với tình cho ta
Thời gian lướt khướt quan tòa
một mai trắng án thiên hà cả thôi”
(Thời gian, 1994)
Đó là lời tự thú đầy trào lộng mà cũng thật xót xa:
“Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
ta chạy rông như gì nhỉ – quên đời
lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
đói lả mò về
cơm đâu
vợ ơi”
(Vợ ơi, 1990)
…
Có thể nói Vợ ơi vừa mang tính riêng tư – tâm tình của nhà thơ viết riêng cho người vợ của mình – vừa mang tính phổ quát – tâm sự của những đức ông chồng ham vui, ưa những chuyện đại sự to tát, bỏ quên gánh nặng cơm áo, gia đình, con cái trên vai những người vợ nhẫn nại bao dung:
“áo mưa vợ giương cánh buồm giữa phố
chồng với con mấp mé một thuyền đầy
năm tháng bão giông sang sông lũ đổ
một tay em chèo chống ngày ngày ngày…»
(Nợ nhuận bút, 1992)
Bà Hào – hiền thê tần tảo của nhà thơ – lúc sinh thời hẳn đã là một người vợ hạnh phúc – niềm hạnh phúc được chồng mình ghi nhận, tri ân… mà không nhiều người phụ nữ Việt có được!
Vợ ơi xuất bản lần đầu năm 1995 tại NXB Phụ nữ, được giới văn chương nhận định “thương rát lòng, đau thắt ruột, cười ra nước mắt…”. 25 năm sau, nó được tái bản trong một diện mạo mới với những hình minh họa thật đẹp từ bộ Lịch thơ Nguyễn Duy, là một nén tâm nhang nhà thơ thắp lên tưởng nhớ vợ mình nhân đầy năm ngày bà từ biệt cõi đời. Nó đồng thời là một món quà tặng ấm áp mà những cặp đôi đã hay sẽ bước vào hôn nhân đều có thể yêu mến, đồng cảm và tìm thấy mình trong đó!