Sản phẩm có tình trạng chất lượng tương đương 80% so với hàng mới.
Lưu ý: Các sản phẩm thuộc 'Phiên chợ sách cũ' sẽ không được áp dụng chính sách đổi trả của Fahasa.com
Người ta đã đúc kết ra một nguyên tắc cho các dự án khởi nghiệp muốn đi đến thành công đó là: “ nghĩ lớn, khởi sự nhỏ và đánh nhanh.” (think big, start small , do fast).
1.3.1 - NGHĨ LỚN:
Tại sao phải nghĩ lớn? Và nghĩ lớn là sao?
Nghĩ lớn là nhìn vào bức tranh lớn. Đừng chỉ nhìn vào một góc nhỏ trước mắt. Nhiều bạn khi khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ dám mơ ước nhỏ nhoi, không dám trèo cao, nghĩ sâu xa to lớn vì bạn nghĩ rằng như vậy sẽ dễ làm, dễ thực hiện. Suy nghĩ kiểu như vậy là suy nghĩ thực tế theo kiểu liệu cơm gắp mắm. Điều này không sai, nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, một khi chúng ta đã đạt được cái mà chúng ta muốn và nhận ra là không còn cơ hội phát triển thêm nữa, chắc chắn rằng chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối. Khi bạn mới ra trường, có khi bạn chỉ dám mơ ước kiếm được một công việc ổn định với mức lương 8 triệu được xem là đủ cho bạn. Nhưng một khi đã tìm được việc làm như thế, bạn sẽ chỉ cảm thấy hạnh phúc trong vài năm thậm chí vài tháng. Và sau đó nếu công việc đó không còn cơ hội cho bạn phát triển, bạn sẽ tiếc nuối. Trong kinh doanh cũng vậy. Suy nghĩ lớn là suy nghĩ về một bức tranh của cơ hội và thị trường trong tương lai vẫn còn phát triển và mở rộng. Bạn có một cơ hội kinh doanh, bạn đầu tư thời gian, tiền bạc công sức vào đó. Và rồi khi đạt đến một mức độ nào đó bỗng bạn nhận ra rằng đó là ngõ cụt. Lúc này bạn sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan:” bỏ thì thương, vương thì tội.”. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng những dự án không có tầm nhìn lớn, sẽ không đủ hấp dẫn để gọi vốn từ nhà đầu tư. Một sai lầm trong tư duy của các bạn khởi nghiệp khi đi gọi vốn là cứ nghĩ: “vốn nhỏ thì dễ gọi”. Xin thưa, dù ít hay nhiều thì cũng là tiền và không ai muốn mất tiền cả. Tư duy của các quỹ đầu tư khi đầu tư vào một dự án nào đó là sự cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận chứ không phải là “đầu tư ít để lỡ có gì thì chỉ mất ít”. Nếu ít rủi ro mà lợi nhuận cao thì tại sao họ lại không chơi lớn? Các quỹ đầu tư rất chú trọng đến việc tiềm năng phát triển sau này của các dự án, vì họ hiểu rằng các dự án thành công và có cơ hội phát triển càng cao thì đó là cơ hội kiếm tiền cho họ. Khi dự án khởi nghiệp là sân chơi của bạn, khi dự án thành công và bước vào giai đoan mở rộng là sân chơi của họ với IPO, các cuộc phát hành cổ phiếu….Họ tìm kiếm những con gà đẻ trứng vàng chứ không phải là những con gà thịt.
Làm sao để nghĩ lớn? Câu trả lời rất đơn giản là bạn phải đánh giá được thị trường, độ lớn thị trường, tốc độ phát triển và tiềm năng cũng như xu hướng tương lai của ý tưởng khởi nghiệp. Chúng ta sẽ bàn sâu vần đề này trong những phần sau.
1.3.2 - KHỞI SỰ NHỎ
Tại sao nghĩ lớn mà phải khởi sự nhỏ? Và khởi sự nhỏ như thế nào?
Đó là vì tính khả thi và quản lý rủi ro của dự án. Trong thực tế, ngược lại với những dự án khởi nghiệp với bức tranh nhỏ, có nhiều bạn khởi nghiệp khi đi gọi vốn đã cố gắng trình bày dự án rất hoành tráng với bức tranh toàn cầu nhưng lại không có tính khả thi. Những dự án như vậy là những dự án không thực tế và đốt tiền. Theo anh Trần Bá Dương chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho hay: với dự án Thaco, anh bắt đầu khởi sự với những phần nhỏ nhất nhưng chắc chắn nhất trong toàn bộ bức tranh lớn của một dự án về xe hơi của Việt nam và cứ thế anh phát triển dần và lớn mạnh. Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Thaco được công nhận là công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam với thị phần ô tô chiếm 32%.
Khởi sự nhỏ cũng còn được hiểu là chia nhỏ công việc ra để thực hiện. Đây là một trong những cách để quản lý dự án.
Có một câu hỏi kinh điển: ”làm thế nào để ăn hết một con voi ?” và câu trả lời rất đơn giản:” cắt ra thành từng miếng vừa ăn”. Trong quản lý dự án người ta có công cụ gọi là WBS (work breakdown structure) chia nhỏ công việc. Với phương pháp này, người ta bắt đầu bằng một mục tiêu quan trọng và từ đó chia nhỏ thành nhiều nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành mục tiêu đó. Người Nhật cũng có một phương pháp gọi là SIPOC (suppliers – Inputs – Process – Outputs – Customers) giúp triển khai công việc để đạt đến mục tiêu cuối cùng.
1.3.3 - ĐÁNH NHANH
Tại sao đánh nhanh? Muốn tiến hành nhanh thì cần có gì?
Rõ ràng cơ hội hay thời gian không chờ một ai. Khi bạn bắt đầu với một ý tưởng. Ý tưởng đó có thể là rất hay và cơ hội thành công rất lớn, bạn có thể là người đầu tiên. Nhưng tiến hành chậm theo “kiểu chậm mà chắc”, thì cơ hội có thể qua đi và khi bạn đã sẵn sàng vào cuộc chơi thì cuộc chơi không còn nữa. Đây là một thực tế. Nhiều bạn, nhất là dân kỹ thuật, khi khởi nghiệp cứ loay hoay với việc cố gắng hoàn thiện ý tưởng và cho đến khi hoàn thành thì thị trường đã không còn. Ngày nay với sự phát triển về công nghệ thì chu kỳ sống của sản phẩm là rất ngắn, có khi chưa kịp hoàn tất đã bị thay thế. Vì thế đã quyết định khởi nghiệp thì phải làm thật nhanh. Nhưng làm nhanh không phải là làm liều khi bạn chưa sẵn sàng. Muốn sẵn sàng bạn phải có sự chuẩn bị. Vậy bạn cần chuẩn bị gì?