Ông Trùm Cuối Cùng
Mario Puzo đã làm nên tên tuổi với tiểu thuyết Bố già – một tác phẩm về đề tài mafia. Và rồi, sau một phần tư thế kỷ, với Ông trùm cuối cùng, ông lại một lần nữa chiêu đãi độc giả một bữa tiệc thịnh soạn nào những âm mưu, thủ đoạn, bí ẩn đen tối pha trộn cùng một tình yêu không kém phần lãng mạn ngọt ngào.
Lần này, Puzo xây dựng bối cảnh tại Mỹ – vùng đất ông chắc hẳn biết rất rõ – để kể câu chuyện về nhà Clericuzio, gia đình mafia hùng mạnh nhất đất nước này, cùng ông trùm già Domenico Clericuzio và những mưu tính của ông nhằm đưa tất cả các thành viên hòa nhập với xã hội hợp pháp. Nhưng than ôi, những toan tính tưởng chừng thập toàn thập mỹ của ông lại không hoàn hảo như ông tưởng! Ông không tính được cái bí ẩn đẫm máu của quá khứ sẽ trở về ám ảnh hiện tại xán lạn, chẳng thể ngờ rằng trong đầu đứa cháu ông lại chất đầy những mưu đồ bẩn thỉu đe dọa làm chao đảo gia đình.
Có thể nói Ông trùm cuối cùng là tác phẩm về một thế hệ mafia mới, những gã trai trẻ bằng cách này hay cách khác muốn tìm chỗ đứng cho mình. Nhưng liệu họ có được tự do vùng vẫy, hay tất cả vẫn nằm trong bàn tay sắp đặt của ông trùm đã gần đất xa trời?
Ông trùm cuối cùng, cùng với Bố già và Luật im lặng, đã tạo nên bộ ba tiểu thuyết trứ danh của Mario Puzo về đề tài mafia.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Mario Puzo (1920 – 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo gốc Napoli, sống tại khu phố Hell's Kitchen của thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp trường City College of New York, ông gia nhập binh chủng Không quân Hoa Kỳ trong Thế Chiến II, nhưng sau đó do thị lực kém nên được điều về làm nhân viên quan hệ công chúng tại Đức. Năm 1950, ông ra mắt truyện ngắn đầu tay The Last Christmas. Năm năm sau, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, The Dark Arena, trong lúc đang đảm nhiệm vị trí biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman. Thời gian này, ông còn tham gia viết bài cho một số tạp chí dành cho đàn ông như Male, True Action và Swank. Những ký ức về Thế Chiến II được ông tái hiện qua các bài báo đăng trên tờ True Action dưới bút danh Mario Cleri. Năm 1965, ông xuất bản The Fortunate Pilgrim (Đất tiền đất bạc). Năm 1969, tiểu thuyết The Godfather (Bố già), tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, nhanh chóng được chuyển thể thành phim và đạt ba giải Oscar sau đó. Mario Puzo tiếp tục phát triển sự nghiệp văn chương và xuất bản nhiều tiểu thuyết ăn khách như Fools Die (1978), The Sicilian (1984), The Fourth K (1990), The Last Don (1996). Năm 1999, ông đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim. Hai bản thảo cuối cùng của Puzo được xuất bản sau khi ông mất là Omertà (2000) và The Family (2001).
ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM:
“Ông trùm cuối cùng là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất về mafia của Mario Puzo sau Bố già… [Đây] là tuyệt tác kể về gia đình xã hội đen lớn mạnh cuối cùng trên đất Mỹ, cùng quyền lực thao túng Las Vegas và Hollywood của nó.” (The New York Times Book Review)
“Một cuốn sách được viết quá tài tình… Chỉ một tiểu thuyết thôi nhưng lại cho chúng ta thấy được cả xã hội Hollywood, Las Vegas, lẫn cuộc sống của mafia.” (Los Angeles Times Book Review)
“… [Một cuốn sách] hấp dẫn từ đầu đến cuối, sôi sục nào những suy đồi thối nát, những trò phản trắc lừa lọc, những màn thanh trừng đấu đá, nhưng không hề thiếu một mối tình lãng mạn và những giá trị gia đình.” (Time)
“Đất máu Sicily có lối dẫn truyện hấp dẫn, làm nổi bật phẩm chất của một người hùng trên bức phông nền đầy rẫy những mưu đồ và tội ác của cả thế giới xung quanh.” (Newsweek)