Những Truyền Thuyết Không Thể Không Biết Của Ba Lan - Cá Thờn Bơn Vênh Mặt
6 truyền thuyết không-thể-không-biết của Ba Lan gồm: Nàng tiên cá Vác-xa-va; Hai con dê húc nhau ở Po-dơ-nan; Cá thờn bơn vênh mặt; Rồng Va-ven khác thường; Hoa dương xỉ thần kì và Ổ bánh mì khiến nhà vua mê tít là 1 bộ sách giới thiệu văn học – văn hóa thế giới dành cho thiếu nhi, rất phù hợp với nhóm đề tài đạo đức hướng tới tự nhiên, xã hội; tìm hiểu lịch sử các nước thế giới thuộc danh mục sách của trường mầm non và tiểu học.
---
“Chúng ta phải dạy trẻ em mơ ước với đôi mắt mở to.” – Harry Edwards
Những đôi mắt mở to ấy sẽ ngắm nhìn thế giới và tiếp thu biết bao giá trị văn hóa, không phải qua bài học khô khan mà qua những câu chuyện mang linh hồn được sáng tạo liên tục theo thời gian.
Các bạn thiếu nhi Việt Nam chưa biết nhiều nhưng chắc chắn sẽ rất háo hức muốn biết về Ba Lan, một nước cộng hòa ở Trung Âu có lịch sử và nền văn hóa lâu đời (hàng nghìn năm), chất chứa cả kho truyện kể thú vị. Đất nước này có tổng cộng 16 Di sản thế giới do UNESCO công nhận, trong đó gồm 15 Di sản văn hóa đấy!
Trước hết, chúng mình hãy ghé thăm di sản – trung tâm lịch sử Vác-xa-va (Warszawa) ngay qua câu chuyện Nàng tiên cá Vác-xa-va nhé. Không “lừng danh” như nàng tiên cá Đan Mạch, cũng không có mái tóc đỏ cá tính như nàng tiên cá trong phim hoạt hình Disney, nàng tiên cá Vác-xa-va lại gây ấn tượng bằng tính cách đôi phần đỏng đảnh cùng sự tích hóa đá cực kì hài hước của mình:
“Khắp nơi tất bật, người xe qua lại nhộn nhịp. Đây chẳng còn là ngôi làng êm ả, thanh bình ngày xưa nữa. Giờ nó là thủ đô Vác-xa-va! Thật không thể nào tin được. Thế rồi nàng tiên cá – ngạc nhiên đến hóa đá.”
Tuy nhiên, màu sắc của truyền thuyết không chỉ tồn tại ở các thành phố lớn như Vác-xa-va mà có thể thấm đẫm trong từng ngõ ngách trên khắp đất nước Ba Lan. Các bạn muốn làm quen với hai con dê tại Po-dơ-nan chứ? Nhìn kìa, chính hai con dê náu mình nơi tòa tháp thị chính, hễ đến giờ thì mới ló mặt. Chúng không húc nhau trên cầu giống dê đen và dê trắng – câu chuyện mà chúng mình đã đọc thuộc làu đâu, cả ngày chúng chơi đùa mải miết nào là ở phòng khách, nào là quanh nhà bếp. Chẳng những trêu cợt nhau, chúng còn làm đổ vỡ đồ đạc, làm hỏng tuốt tuột quần áo, giày dép. Ai sẽ ra tay “trừng trị” cặp đôi nghịch ngợm này nhỉ? Hãy đi tìm câu trả lời dí dỏm qua câu chuyện Hai con dê húc nhau ở Po-dơ-nan.
Tạm biệt loài dê, chúng mình sẽ tìm hiểu nhân vật rồng Va-ven trong truyền thuyết cùng tên. Khác với hình ảnh dê gần gũi, hình tượng rồng vốn thật uy mãnh và cao quý. Chắc các bạn nhỏ thường nhìn thấy rồng thiêng được chạm khắc trên những di tích lăng miếu, thường nghe kể truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên v.v. Thế còn một chú rồng “thích đùa nghịch, thích khiêu vũ, thích nhảy dây”, cũng rất lễ phép “gặp ai trên đường nó cũng cúi chào” thì sao? Đọc truyện Rồng Va-ven khác thường lại ngắm nghía phần minh họa dễ thương do họa sĩ Magdalena Jakubowska vẽ, ta sẽ dễ dàng lưu nhớ một nhân vật “tưởng quen mà vẫn mới” được hư cấu trong nhiều nền văn hóa.
Dạo bước qua những truyền thuyết siêu thú vị, chúng mình quay lại bên bờ sông Vi-xơ-la, nhà của nàng tiên cá Ba Lan, nhưng lần này thì ghé thăm một làng quê có rất nhiều thợ làm bánh mì treo những tấm biển quảng cáo bùi tai:
Hôm nay và ngày mai
Thứ Năm hay thứ Ba
Bánh mì ngon vô hạng
Đang sẵn sàng đợi bạn!
(Trích Ổ bánh mì khiến nhà vua mê tít)
Các bạn biết chưa, cho đến giờ ở Việt Nam vẫn có loại bánh mì mang tên gọi “bánh mì Ba Lan” đó. Từ năm 1969, khi đất nước của chúng mình trải qua hoàn cảnh cực kì khó khăn, Ba Lan đã dành tặng Việt Nam 1 xưởng làm bánh mì – công suất 1500 tấn/ năm. Giờ đây, những thợ làm bánh ở Việt Nam cũng dựa trên công thức bánh mì Ba Lan trước kia để “biến tấu” thêm! Chà chà, tới đây thì hẳn là các bạn nhỏ đều tò mò về ổ bánh mì Tơ-run thơm ngon đến mức phải lật ngay trang truyện thôi
6 truyền thuyết không-thể-không-biết, nhờ lời kể dí dỏm của Agnieszka Frączek do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ, sẽ giúp thiếu nhi chúng mình khám phá thêm nét đẹp văn hóa Ba Lan, một xứ sở cách chừng 20 giờ bay song lại có mối dây kết nối vô hình với đất nước Việt Nam ta cơ đấy