Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới không phải là cuốn sách viết về những thiên tài hay thần đồng nhỏ tuổi nào đó, mà đây là cuốn sách xây dựng nên hình ảnh của những đứa trẻ đó – từ những con người rất bình thường. Với lối viết đơn giản, độc giả không chỉ biết qua về vị thế của nền giáo dục Mỹ mà còn có thể nhận ra nhiều yếu tố giúp tạo nên những đứa trẻ thông minh nhất thế giới.
Tác giả Amanda Ripley, một phóng viên từng đoạt nhiều giải thưởng lớn theo chân ba em học sinh Eric, Kim và Tom từ Mỹ sang du học tại ba nước: Hàn Quốc, Phần Lan và Ba Lan. Với tác giả, bà chọn ba mẫu như vậy vì ba quốc gia này đại diện cho ba mô hình giáo dục tiêu biểu của các quốc gia có kết quả PISA (chương trình đánh giá học sinh liên quốc gia – Programme for International Student Assessment – để xem xét “sự thông minh” của học sinh) cao hơn Hoa Kỳ. Ngoài nhận xét của Eric, Kim và Tom về cách học của bạn bè bản xứ, tác giả cũng phỏng vấn những nhân vật giữ vai trò chủ chốt trong ngành giáo dục tại địa phương.
Hàn Quốc với cách giáo dục là thời gian tại trường và trung tâm dạy kèm của học sinh nhiều gấp đôi thời gian các em ở nhà. Mô hình giáo dục của Hàn Quốc khá giống với nền giáo dục tại Việt Nam, với sự hiếu học vốn có trong văn hóa Á Đông. Trong khi đó thì Phần Lan lại có mô hình hoàn toàn ngược lại, học sinh có giờ học thuộc loại ít nhất thế giới nhưng trình độ vẫn thuộc hàng đầu. Và cuối cùng, Ba Lan, một quốc gia có kinh tế khá thấp, đầu tư ít về giáo dục nhưng nhanh chóng vượt lên trong những năm qua nay đã được đánh giá cao hơn Hoa Kỳ.
Đọc cuốn sách này, độc giả có thể nhận ra sự thành công về mặt học vấn đòi hỏi nhiều yếu tố. Bên cạnh những thông tin về nền giáo dục, học sinh và phụ huynh cũng có thể biết thêm nhiều điều thú vị về những cảm nhận rất riêng của các em thiếu niên về việc học, từ những chuyện thường ngày như các em thể hiện mình thế nào trước thầy cô và bạn bè, đến việc vì sao những em nghịch phá nhất vẫn có thể học để giữ điểm cao, hay sự nghèo khổ có thể trở thành sức mạnh để giúp trẻ quyết tâm học giỏi.
Cuốn sách có nhiều thông tin và số liệu cho những ai thích nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu thêm, cũng có những câu chuyện bên lề thú vị để lôi cuốn số độc giả học sinh nhỏ tuổi. Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới là cuốn sách mở ra một hướng nhìn hoàn toàn mới mẻ về nền giáo dục trong nước, mang đến những bài học vô cùng bổ ích cho sự nghiệp giáo dục.
Một số đánh giá:
“Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới đã mang tới cho tôi một cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu, trên cả tư cách phụ huynh cũng như một nhà giáo dục, hơn bất kỳ cuốn sách nào mà tôi từng đọc trước đây." – Doug Lemov, tác giả cuốn Teach like a Champion
“Nếu bạn quan tâm đến giáo dục, bạn nên đọc cuốn sách này. Bằng cách kể lại những gì ba đứa trẻ quả cảm đã học được từ phần còn lại của thế giới, cuốn sách cho thấy chúng ta có thể học được gì để cải thiện trường học trong nước.” – Walter Isaacson, tác giả cuốn Tiểu sử Steve Jobs và Benjamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ
“Cuốn sách đầy cảm hứng này ra đời rất đúng thời điểm và cho ta những hiểu biết mới về cách cải thiện hệ thống giáo dục.” – Publishers Weekly
“Một cái nhìn sâu sắc đáng kinh ngạc.” – The Economist
Một số đoạn trích hay trong sách:
“Chưa có quốc gia nào tìm ra cách giúp tất cả trẻ em đạt đến ngưỡng tiềm năng học tập cao nhất. Giống như các hệ thống chăm sóc y tế, hệ thống giáo dục cũng rất phức tạp và luôn cần thay đổi. Để cải thiện, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau; nhưng vấn đề là phải tìm ra những khác biệt quan trọng nhất.”
“Các quốc gia thành công nhất hoặc tiến bộ nhất dường như phù hợp với ba kiểu mẫu cơ bản: 1) mô hình không tưởng của Phần Lan, một hệ thống được xây dựng trên cơ sở niềm tin, trong đó trẻ em đạt được tư duy bậc cao mà không có sự cạnh tranh quá mức hoặc sự can thiệp của cha mẹ; 2) mô hình nồi áp suất của Hàn Quốc, nơi bọn trẻ bị ép học đến mức chính phủ phải đưa ra một lệnh giới nghiêm về học tập; và 3) mô hình lột xác của Ba Lan, một quốc gia đang đà đi lên, với tỷ lệ trẻ em nghèo tương đương Mỹ, nhưng lại đạt được mức tăng trưởng ấn tượng gần đây về những gì trẻ em biết.”
“Các siêu cường giáo dục tin vào sự quy củ. Mọi người ở các quốc gia này nhất trí về mục đích của trường học: Trường học tồn tại để giúp học sinh nắm vững các tài liệu học thuật phức tạp. Những thứ khác cũng quan trọng nhưng không quá lớn.”
Về tác giả
Amanda Ripley là phóng viên điều tra nghiên cứu của tạp chí Time, The Atlantic và nhiều tạp chí danh tiếng khác. Tác phẩm đầu tay The Unthinkable đã xuất bản trên 15 quốc gia và được dựng thành phim tài liệu. Các công trình của cô đã giúp Time hai lần giành Giải thưởng National Magazine Awards.