Trong cuộc đời, ai cũng có cho mình một mảnh đất thiêng liêng. Và những cậu con trai phố Pál cũng thế, các cậu có một mảnh đất dịu hiền mang tên Khu đất trống. Nơi ấy trong con mắt người lớn chỉ là miếng đất khô cằn, gồ ghề nằm trong thủ đô, bị thu hẹp bởi hai ngôi nhà cao lớn, nhưng với các cậu đó là “một vùng vô tận, là niềm tự do mà buổi sáng là đồng cỏ châu Mỹ, buổi chiều là bình nguyên Hung trong mưa, là biển mùa đông, là cực Bắc”. Ở nơi đó có trò bắn bi, chơi bóng, đánh trận giả; có pháo đài, hào lũy; có chủ tịch, đại tướng, thượng úy và độc nhất một “chú lính trơn”. Trong cái thế giới mà trẻ thơ nấn ná trên ngưỡng cửa trở thành người lớn ấy, các cậu con trai phố Pál đã chiến đấu với tất cả trí thông minh, lòng dũng cảm, vị tha và ngay thẳng để bảo vệ Khu đất trống khỏi bị xâm chiếm; biến trò chơi con trẻ thành bài học để trưởng thành.
Với nội dung trong sáng, dung dị nhưng giàu ý nghĩa và tính hiện thực, Những cậu con trai phố Pál, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Hungary Molnár Ferenc, đã được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà. Tác phẩm được chuyển thể nhiều lần lên sân khấu kịch, màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng; được đưa vào chương trình học phổ thông và trở thành tựa sách thiếu nhi kinh điển ở nhiều nước như Nhật Bản, Italy, Israel... Tại Việt Nam, Những cậu con trai phố Pál được xuất bản lần đầu năm 1984, qua bản dịch trong sáng và trìu mến của dịch giả Vũ Ngọc Cân – người mang nặng tình cảm với đất nước Hungary. Sau gần bốn thập kỷ, nay một lần nữa Đông A đưa tác phẩm này trở lại với những độc giả đang và đã từng là trẻ thơ, bằng bản dịch đã gắn liền với các thế hệ và nhiều minh họa đẹp, gần gũi với thiếu nhi.
Thông tin tác giả: Molnár Ferenc là một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Hungary gốc Do Thái – Đức. Từ khi còn trẻ, ông đã viết cho nhiều tờ báo danh tiếng rồi tiếp tục dấn thân làm phóng viên chiến trường trong Thế chiến I. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu sắc kèm chút châm biếm, ông nhanh chóng chinh phục được độc giả, không những vậy, ông còn thể hiện sự đa tài ở nhiều lĩnh vực như kịch nghệ, văn chương. Vào cuối những năm 1930, chạy trốn khỏi sự hằn thù Do Thái của phát xít Đức, ông sang Pháp, Thụy Sỹ rồi định cư tại Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, mặc dù không chỉ một lần đối mặt với trầm cảm, ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, gửi gắm sự thấu cảm sâu sắc nơi ngòi bút. Các tác phẩm của ông được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết Những cậu con trai phố Pál (A Pál utcai fiúk, 1907), vở kịch Chàng Liliom (Liliom, 1909) và truyện ngắn Những kẻ ăn cắp than (Széntolvajok, 1918). Năm 1952, ông từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư.
Thông tin dịch giả: PGS.TS Vũ Ngọc Cân sinh tại Hà Nam, bút danh Vũ Thanh Xuân. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (Hungary) ngành Ngữ văn Hung – Pháp, rồi trở thành giảng viên tiếng Hung, ngôn ngữ học, Việt ngữ học và lịch sử văn minh thế giới tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Từ đó, ông gắn bó với nghề giáo ở cả Việt Nam lẫn Hungary. Song song đó, ông còn là một dịch giả thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm tiếng Hung sang tiếng Việt và ngược lại. Các dịch phẩm tiêu biểu của ông như: Những cậu con trai phố Pál (1984, 2010), Cái chết của ông bác sỹ (1987), Dạ, thưa thầy (2010), Ba nhà thơ vĩ đại của Hungary (2010), 65 bài thơ tuyển đại thi hào Hungary Arany János (2017)…