“Life is like a book. Some chapters are sad, some are happy and some are exciting, but if you never turn the page, you will never know what the next chapter has in store for you”.
Bạn luôn mải mê tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống thực tại? Con người ai cũng vậy, ai cũng thích chạy theo và tìm kiếm hạnh phúc mới lạ. Thế nhưng hạnh phúc không khó kiếm tìm, xa vời vợi như chúng ta nghĩ mà nó chỉ ở quanh ta mọi nơi, mọi lúc, có điều chúng ta chưa đánh thức giấc ngủ của hạnh phúc. Tất nhiên cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và trải đầy hoa hồng, thảm đỏ để chúng ta bước đi mỗi ngày. Đôi lúc nó là những quanh co, gấp khúc, gập ghềnh. Vì vậy, mới có hạnh phúc và khổ đau. Nếu cuộc đời của bạn toàn màu hồng thì chúng ta chẳng có gì phải suy nghĩ. Con người thường có khuynh hướng yêu cầu tất cả mọi thứ phải hoàn hảo nhưng điều này là không tưởng, không bao giờ xảy ra trong cuộc sống hiện tại.
Một bản nhạc có những nốt cao, nốt trầm, nếu chỉ toàn nốt cao hoặc nốt trầm thì bản nhạc đó không thể tồn tại được. Vì vậy, chúng ta hãy xem cảm giác buồn bực, cáu ghét, giận hờn, oán trách, chán nản kia… như là những “nốt trầm” góp phần làm nổi bật những “nốt cao” khác để bản nhạc cuộc đời bạn thêm tuyệt vời, sống động hơn.
Hạnh phúc không ở đâu xa mà luôn ở quanh chúng ta, hãy sống THẬT mỗi ngày để tận hưởng hương vị đó, bằng cách biết ơn, yêu thương, trao tặng sự chân thật. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà con người có nhận thức hay cảm nhận khác nhau về hạnh phúc và khổ đau. Với những người nghèo khổ, bất hạnh, không nhà cửa và nơi nương tựa thì hạnh phúc của họ chỉ đơn giản là có được bữa cơm, manh áo để sống qua ngày. Đó là hạnh phúc quý nhất đối với họ. Nếu được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của đời sống như: nhà cửa, công việc, tiền bạc, sức khỏe v.v… thì con người mới nghĩ đến hạnh phúc tâm hồn. Nếu đời sống quá thiếu thốn thì việc tạo ra hạnh phúc từ nơi tâm hồn không phải dễ dàng đối với họ.
Tuy nhiên, nếu tạo dựng một đời sống quá đầy đủ về vật chất thì dẫn đến sự hưởng thụ, sự bất toại nguyện do lòng tham muốn thúc đẩy, từ đó họ sẽ dần phải đối diện với khổ đau. Vậy hạnh phúc không phải ở nơi bạn có được bao nhiêu tiền mà là ở chỗ bạn hiểu được chính mình, hiểu về cuộc đời và vũ trụ. Sự hiểu đó sẽ làm cho bạn thăng hoa về thể chất, tâm hồn và trí tuệ.
Theo tuệ giác của nhà Phật để quán chiếu thì chúng ta thấy hạnh phúc như trên con người tưởng như là tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy dường như rất mong manh, dễ tan biến, vỡ nát như những giọt sương lúc ánh nắng ban mai xuất hiện, bởi vì bản chất cuộc đời là vô thường, duyên sinh vô ngã:
“Hãy nhìn như bọt nước
Hãy nhìn như cảnh huyễn
Quán nhìn đời như vậy
Thần chết không bắt gặp
(Theo kinh Pháp cú 170)
Hạnh phúc và khổ đau đến từ góc nhìn của bạn về cuộc sống này. Nếu bạn cho rằng thất bại sẽ khiến bạn khổ đau nhưng đối với người khác nó là niềm vui của kẻ chiến thắng. Thất bại hay chiến thắng, buồn hay vui, khổ đau hay hạnh phúc là hai mặt của cuộc sống. Theo nhà Phật gọi đó là thế giới nhị nguyên, thế giới của sự phân biệt, đối đãi mà sanh cố chấp, thù hằn tạo ra các cảm xúc đối lập trong cùng một con người.
Niềm vui và nỗi buồn là hai trạng thái khác nhau của cảm xúc nơi con người. Chúng ta không thể ghét bỏ, tức giận, ruồng bỏ mà hãy cùng làm bạn và chuyển hóa nó sang một dạng năng lượng tích cực để giúp bạn có cơ hội cọ xát với hạnh phúc đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại. Do đó, chuyển hóa các nỗi khổ, niềm đau trở thành năng lượng an vui, hạnh phúc là chủ đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Sống vui, sống tốt và sống đầy ý nghĩa được xem là nỗi khao khát mà bất cứ ai cũng cần đến.
Bạn cảm giác nỗi buồn trong lòng như đôi gánh nặng trĩu trên vai, vậy nỗi buồn đó đến từ đâu? Trước hết, các bạn phải mạnh mẽ, lắng lòng, suy ngẫm và chấp nhận rằng nỗi buồn đó đến từ nhận thức của bạn đối với sự việc.