Nhà Có Một Cậu Trai Đang Lớn
Mục tiêu cuối cùng của cha mẹ – con cái và của việc nuôi dạy con cái là “sự tự lập của con”, tức là dù không có cha mẹ, con cũng có thể tự sống được. Lý do mà mẹ coi con là số một, nuôi dạy con đầy nhiệt tâm, trân trọng con từ khi còn nhỏ chính là vì thời điểm này. Do đó, mẹ mới dốc hết tình yêu, thời gian, công sức và tiền bạc để nỗ lực, để con có thể rời cha mẹ, tự đứng trên đôi chân mình và sống thật hạnh phúc.
Trong cuốn sách này, các bậc cha mẹ sẽ thấy mình và con trai ở trong đó. Sẽ đọc và gật gù hoặc phá lên cười rằng ôi, đúng thế, con trai mình cũng y như thế.
Với các tình huống thực tế hài hước và đôi lúc có phần dở khóc dở cười, các cậu trai đang lớn của chúng ta khiến cha mẹ bối rối và không biết làm sao. Nhưng trong cuốn sách này, bạn còn được cung cấp những lời tư vấn thiết thực của chuyên gia để cha mẹ hiểu tại sao con mình lại biểu hiện như thế, từ đó ứng xử và thấu hiểu con hơn.
Cuốn sách này dành cho:
- Cha mẹ có con trai đang ở tuổi dậy thì
- Các chuyên gia tâm lý học đường và chuyên gia tâm lý vị thành niên
- Các bạn thiếu niên đang ở độ tuổi trẻ vị thành niên
Cha mẹ hãy đồng hành cùng con khôn lớn và trưởng thành nhé!
Về tác giả Yasuhiro Kozaki
- Ông là phó giáo sư khoa Giáo dục, Đại học Giáo dục Osaka. Cựu giáo viên mầm non. Sinh năm 1968 tại tỉnh Hyogo. Mười hai năm là giáo viên mầm non tại Trường Mầm mon thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo. Trong thời gian này, ông đã từng ba lần nghỉ làm để nuôi dạy ba người con trai.
- Ông tham gia chương trình trực tuyến Nuôi con vùn vụt của đài NHK, ngoài, ra còn xuất hiện nhiều trên ti vi và báo chí. Mỗi năm, ông tổ chức hơn 60 bài giảng tràn ngập tiếng cười về nuôi dạy con, được yêu thích tại khu vực Kansai. Ông đồng thời còn là cố vấn cho Tổ chức Fathering Japan.
Trích đoạn sách hay
Trích đoạn 1
Đến tầm 10 tuổi, các cậu con trai lúc nào cũng tự do, phóng khoáng, hầu hết chúng giống như động vật hoang dã. Nguyên lý hành động của con rất đơn giản, đó là “nghĩ sao làm vậy”. Con không thể suy nghĩ kỹ hay quan sát xung quanh. Chắc hẳn đây toàn là những điều mà các mẹ không thể hiểu được.
Thế nhưng, con trai chính xác là như vậy. Nhìn chung, con hoàn toàn sẽ chẳng tiến bộ chút nào, hoặc nói vui là càng ngày càng vớ vẩn. Dù không biết phải làm sao với con, chúng vẫn rất đáng yêu, không thể nào ghét được.
Các mẹ có hiểu hành động và suy nghĩ của con trai mình giai đoạn này không? Có thể các mẹ vẫn không hiểu và đồng cảm được, nhưng với kinh nghiệm của mình, chắc các mẹ cũng nhìn thấu được phần nào.
Trích đoạn 2
Tuy thế, những cậu con trai vốn nói mọi thứ với mẹ lại dần không kể gì nữa. Khi mẹ hỏi: “Dạo này ở trường thế nào?”, con cũng chỉ đáp gọn lỏn: “Chẳng có gì”. Thế là hết...
Hay khi mẹ hỏi thăm tình hình hoạt động tại câu lạc bộ mà con trai yêu thích như: “Dạo này con có cố gắng ở câu lạc bộ không đấy?” thì cũng chỉ được đáp lại là: “Bình thường”. Và thế là cuộc hội thoại kết thúc...
Nói năng thế này thì tức quá, đúng không các mẹ? Các cậu con trai ở lứa tuổi dậy thì thật sự rất hay dùng mấy câu đại loại như “Chẳng có gì” hay “Bình thường”. Đôi khi, con còn phớt lờ bố mẹ luôn, trả lời lại là tốt lắm rồi. Nếu nghĩ thật kỹ, các mẹ có thể thấy hai cách trả lời này mặc dù cũng có thể gọi là có đáp lại, song hoàn toàn không có nội dung, cũng không chứa suy nghĩ hay ý kiến cá nhân nào. Tóm lại, hình thức thì giống một câu trả lời, nhưng về bản chất lại là “phủ nhận hoàn toàn”. Không hề tồn tại một chút ý định muốn trả lời.