Nhiều tác giả
Hồ Ngọc Đoan Khương, Trần Lê Hoa Tranh, Phương Dung, Diễm Trang, Thanh Vy, Hạnh Jiu, Kim Loan, Phương Thúy, Ngọc Huyền, Nguyễn Hồng Anh, Đoàn Khuyên, Hoàng Mai, Vũ Thị Thanh Tâm, Hạ Nguyên, Ngô Phương Từ.
Người “suýt” trẻ nghĩ về người trẻ
Mà người trẻ là ai vậy?
Là những ai nhỏ hơn các đấng bậc trung niên và đã qua tuổi thanh thiếu niên.
Là những ai đang tự hào đoan chắc mình là nhân vật chính trong mấy câu triết lý nhan nhản trên mạng kiểu “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa” hay “Không điên cuồng sao gọi là thanh xuân?”.
Là những ai sáng vẫn ngủ nướng ngon lành nếu không phải đến lớp hoặc chỗ làm, trưa thèm bánh tráng trộn, trà sữa, tối thở dài vì thảm trạng FA (forever alone) và tối hôm sau lại khóc ướt gối vì thất tình hoặc vì được nhiều người vây bủa quá.
Là những ai kè kè chiếc điện thoại dù thượng vàng hạ cám gì thì nhất định không được ngốc xít mà phải thông minh và vô Facebook được.
Là những ai hừng hực khí thế xông pha vào tất thảy mọi sự trên đời.
Và, là những ai nghĩ mình trẻ
(như tôi chẳng hạn, ha ha!).
Hay là thử phác thảo chân dung người trẻ thời 4.0 bằng một tập sách?... Để chúng tôi hình dung, mô tả, nhận xét… về người trẻ Việt trong thời đại ăm ắp công nghệ và những biến động toàn cầu này liệu có khách quan không, có đầy đủ không? Chắc chắn là không. Nhưng tin rằng bức tranh người trẻ do chúng tôi họa nên có một dấu ấn riêng, trước hết vì nó được khởi nguồn từ chất liệu rất thật: tuổi trẻ của chính chúng tôi, say sưa kể câu chuyện của mình, lấy chính bản ngã của mình - từ chuyện ăn-đọc-họclàm-chơi đến chuyện ý thức, sức khỏe, đức tin, yêu đương, sai lầm... - để đong đếm, đánh giá về người trẻ đương đại.
Sài Gòn, 28/03/2019
Diễm Trang
- Người trẻ cứ sai vì cuộc đời cho phép, cứ trả giá vì ngã rồi tự khắc lớn khôn thêm.
- Nếu chúng ta quan niệm văn hóa dân gian như một không gian văn hóa truyền thống, phi chính thống, linh hoạt và tương thích với từng thời đại, thì sẽ không có gì là xộc xệch nếu chúng ta xếp mạng xã hội hay môi trường internet đương đại vào khung văn hóa dân gian cả
- Đoạn tuyệt với lịch sử, với truyền thống sẽ tạo nên những công dân bơ vơ, mất ý thức về bản sắc - điều tạo nên căn cước của mỗi chúng ta trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa
- Các độc giả hãy tận hưởng một kỷ nguyên thông tin đa sắc màu, hòa mình vào thế giới sống động ấy một cách khôn ngoan, không tự biến mình thành “con trâu” để bị xỏ mũi.
- Đã xưa rồi cái thời muốn đi ăn, đi uống cà phê phải hỏi dò tìm quán, đi mua quần áo phải tới tận tiệm để thử đồ, đi chơi phải lên kế hoạch hàng mấy tháng trời hay có khi từ… năm trước. Bây giờ, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối mạng, bạn muốn gì cũng có và đi đâu cũng tới chỉ trong vòng một nốt nhạc.
- Mỗi nơi các bạn đến, những trải nghiệm, những kiến thức và kinh nghiệm mà các bạn có được, thông qua mạng xã hội đã giúp cho mọi người gần nhau hơn, có thêm nhiều chọn lựa hơn cho những dự định và những mơ ước của chính mình.
- Nylon và câu chuyện môi trường muôn thưở. Dẫu biết rằng muốn làm nên sự khác biệt có lúc cần phải quyết liệt và cực đoan, nhưng mình không phải là nhà hoạt động môi trường, mà chỉ lựa chọn điều chỉnh hành vi của bản thân sao cho thân thiện hơn với môi trường qua từng ngày.
- Chúng ta có nhiều cách trưởng thành, du học là một trong những cách trưởng thành. Du học là chuyến đi lớn của cuộc đời, là cơ hội để các em trải nghiệm, vấp ngã, bước ra khỏi vùng an toàn và trưởng thành.
- Trước đây, khi giáo dục còn mang tính ao làng, cái lớn nhất người du học đạt được là kiến thức. Nhưng bây giờ, cái quý nhất của một du học sinh là học được cách để làm mọi việc tốt nhất.
Để mở cánh cửa này, người trẻ cần hai chìa khóa là ngoại ngữ và khả năng tự học tốt
- Hãy tận dụng triệt để mọi cơ hội và phát huy nội lực của mình. Khi đó, ngoại cảnh lý tưởng sẽ mở ra trước mắt.
Cơ hội dành cho tất cả, hãy chắc chắn là mình muốn và xách ba lô lên thôi!
- Thực lòng, tôi thích phép thử và sai đó, hơn là bất kỳ sự lửng lơ nào. Dù sao thì khi ta sai, ta sẽ biết cách đối xử với tương lai bằng điều đúng đắn hơn.
Đau khổ ư? Thì có gì đáng sợ? Ta chẳng phải đang có tuổi trẻ để chống đỡ lại rồi đó sao?
- Tính dục là chuyện tự nhiên của con người từ khi đến tuổi dậy thì. Tôi đã đọc ở đâu đó sự xếp hạng các hành vi tính dục. Các nhà khoa học nói nhu cầu về tình dục trong con người cũng tự nhiên và cần thiết giống như các nhu cầu ăn, uống, ngủ nghỉ… Bởi vì nó tự nhiên, nó cần được diễn ra một cách tự nhiên giữa những người đã có ý thức đầy đủ về cơ thể, về nhu cầu, về tâm lý.
- Những cô độc, hoang mang, khổ nhục của nạn nhân một vụ quấy rối tình dục hay lạm dụng tình dục hệt như một hố sâu thăm thẳm chực chờ nuốt chửng nạn nhân.
- Ở thời đại mà cách mạng công nghiệp đã bước sang 4.0, con cái không làm theo lời cha mẹ - như chuyện hôn nhân - chưa hẳn đã là bất hiếu.
- Hạnh phúc thật sự chỉ đến từ cảm giác an bình và hài lòng, tạo ra bởi nuôi dưỡng lòng vị tha, bình yên, từ tâm, xóa bỏ ngu muội, ích kỷ và tham lam.
- Yêu thương con cái không có nghĩa là áp đặt cho chúng một đích đến mà chúng không mong muốn.
Hãy để cho con cái của mình được quyền lựa chọn và biết chịu trách nhiệm với những lựa chọn ấy.
- Để trở thành một người thực sự trưởng thành, người ta phải va đập với bao sóng gió bão bùng của cuộc đời.
- Có người nhận ra, có người không nhận ra, rằng chúng ta mặc cảm ít nhiều với chính gương mặt mình đã được chỉnh sửa. Cái đẹp đó là ảnh ảo, cái tôi đó chỉ trưng ra được trong thế giới ảo. Còn ta? Ta vẫn là cái đứa “đẹp vừa” này thôi mà…
- Tôi thà sống cuộc đời mưa nắng hơn những êm đềm mà thiếu vắng cảm xúc cho nhau..
- Phải luôn cảnh giác làm rõ tư duy chính mình, phân tích, đánh giá, lắng nghe những ý kiến khác, xem xét lại chính kiến... bởi nhận định của ta không phải lúc nào cũng đúng.
- Trong môi trường giáo dục hiện nay, học sinh Việt Nam gần như không có cơ hội để luyện tập thói quen tư duy phản biện.