“Người nhạy cảm trong thế giới vô cảm” là những chia sẻ của Ilse Sand - một nhà tâm lý học, đồng thời cũng là một mục sư - về những người thuộc nhóm cực kỳ nhạy cảm. Chúng ta đang bị định hình trong một khung văn hóa coi trọng những đặc trưng tính cách và hành vi rất khác với mình. Chính vì thế mà người nhạy cảm ít có khả năng trân trọng bản thân, họ thường phải cố gắng cả đời để tỏ ra “đầy sức sống”, hoạt bát và điều đó không hề dễ chịu chút nào.
Người nhạy cảm không chỉ là những người nhút nhát trong giao tiếp hay sống nội tâm mà còn là những người nhạy cảm với một số những yếu tố mùi hương, tiếng ồn và cả bầu không khí nữa. Bạn có thể không thuộc nhóm người nhạy cảm, nhưng Ilse Sand còn viết “Người nhạy cảm trong thế giới vô cảm” để dành cho những ai cảm thấy mệt mỏi trong việc gò bó mình vào một quy chuẩn, phải đấu tranh quá nhiều để đạt được kỳ vọng mà xã hội áp đặt hay có một khía cạnh nào trong con người khiến bạn tự ti. Cuốn sách là những nghiên cứu và đúc kết mà bất cứ ai cũng nên tham khảo.
Người thuộc nhóm nhạy cảm có những hạn chế cũng như những khả năng to lớn. Họ có thể giam mình trong vòng luẩn quẩn của sự tự ti, dễ đạt tới mức độ giới hạn khi có những biến cố bất ngờ, khó nói lời từ chối,... Nhưng đồng thời họ còn có những giá trị mà rất riêng như khả năng suy nghĩ sâu để đưa ra những chiêm nghiệm cá nhân, một trí tưởng tượng phong phú với hệ thần kinh tinh nhạy. Chưa kể họ còn giàu lòng trắc ẩn, tử tế và chu đáo. Nếu có thể kiểm soát bản thân và khắc phục hạn chế, những người nhạy cảm sẽ có khả năng xây dựng những mối quan hệ chất lượng cao, dễ dàng phát huy giá trị của mình trong những lĩnh vực như nghệ thuật, chăm sóc khách hàng hay lĩnh vực y tế.
Với Ilse Sand, nhóm người nhạy cảm không cần phải cố gắng để trở thành một ai đó khác chỉ để phù hợp với quy chuẩn của xã hội. Họ hãy cứ bình tĩnh tìm hiểu chính mình, vì “khi những người nhạy cảm cao tìm thấy bản thân trong những môi trường nuôi dưỡng được con người mình, họ sẽ phát triển mạnh mẽ”.
Quyển sách chính là nơi người nhạy cảm tìm thấy chính mình, trao gửi tâm tư, cũng là một tác phẩm để tất cả mọi người mở rộng góc nhìn và tạo động lực để phát triển bản thân.
MỤC LỤC
1. Đặc điểm của những sinh vật có độ nhạy cảm cao
Hai loại tính cách trong cùng một bản thể
Chúng ta tiếp thu nhiều thông tin hơn và đào sâu suy nghĩ về chúng
Nhạy cảm khi thâu nạp thông tin mang tính cảm quan
Dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác
Sự tận tâm
Đời sống nội tâm phong phú
Một tâm hồn với bản năng tò mò
Một giải pháp khác biệt
Chậm rãi và sáng suốt
Những người nhạy cảm thích kiếm tìm cảm giác mạnh
Hướng nội và hướng ngoại
Ưu và nhược điểm của loại hình học
2. Tiêu chuẩn cao và lòng tự tôn thấp
Châm ngôn cá nhân
Tiêu chuẩn cao
Lòng tự tôn hay sự tự tin
Tại sao những người nhạy cảm cao thường thiếu niềm tin vào giá trị của bản thân
Lòng tự tôn thấp và tiêu chuẩn cao duy trì lẫn nhau như thế nào
Hãy thử với việc nói “không”
Nỗi sợ bị bỏ rơi
Nắm lấy cơ hội
3. Cách tổ chức cuộc sống tùy theo tính cách bản thân
Kiến tạo không gian
Khi khách nán lại
Khi bạn phải nói không với điều mình thích
Một số lời khuyên và ý tưởng đối phó với quá tải cảm xúc
Một số lời khuyên về giấc ngủ
Lợi ích của nước, tập thể dục và tiếp xúc cơ thể
Thể hiện bản thân ngăn chặn cảm giác quá tải
Khi bạn bị quá tải từ bên trong
Kể cho người khác nghe về sự nhạy cảm của bạn
4. Làm cách nào để tận dụng và thể hiện khả năng thấu hiểu người khác
Những người nhạy cảm cao thích những tương tác chất lượng cao
Nghỉ giải lao
Đảm bảo bạn là một phần của cuộc đối thoại, chứ không phải độc thoại
Tìm ra những phản hồi mà bạn muốn gửi đi hoặc nhận lại
Cách làm đi sâu và giảm nhẹ một cuộc trò chuyện
Giúp buổi nói chuyện sinh động hơn
Mang cuộc trò chuyện trở lại bình thường
Tương tác theo bốn cấp độ
Mô hình trên hữu ích thế nào đối với những tâm hồn nhạy cảm?
5. Cách đối mặt với cơn giận của chính bạn và người khác
Những người nhạy cảm cao thường có giải pháp khác nhau khi đối mặt với cơn giận
Tận dụng khả năng của bản thân để đồng cảm và đào sâu suy ngẫm
Khi đồng cảm với sự tức giận là không khôn ngoan
Khi bạn không cho người khác biết điều mình không thích
Khi cơn giận bảo vệ chúng ta khỏi sự bất lực và đau buồn
Tránh thuyết giảng đạo đức
Từ “nên” thành “mong muốn” - từ tức giận đến buồn phiền
6. Tội lỗi và xấu hổ
Cảm giác tội lỗi thích đáng
Cảm giác tội lỗi dư thừa
Đối mặt với cảm giác tội lỗi
Cảm giác xấu hổ
Nếu bạn xấu hổ về sự nhạy cảm của mình
7. Các tình huống trong cuộc sống
Những khó khăn trong các mối quan hệ
Làm một người cha, người mẹ nhạy cảm cao
8. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Dễ bị lo âu và trầm cảm
Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên
Kiệt sức và trầm cảm
Sự kết nối giữa cảm xúc và suy nghĩ - mô hình nhận thức
Đôi lúc ta cần sáng suốt chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Đặc trưng của nhạy cảm cao sẽ giống chứng rối loạn lo âu trong mắt những người khác
Các vấn đề khác có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh nhạy cảm
9. Phát triển và lớn mạnh
Những người nhạy cảm cao và liệu pháp tâm lý trị liệu
Yêu thương bản thân - ủng hộ bản thân
Động lòng trắc ẩn với chính mình
Hòa giải
Niềm vui khi trở thành chính mình
10. Nghiên cứu đặc điểm nhạy cảm cao
Phản ứng mạnh mẽ với cảm quan đầu vào
Một khớp nối mới
Bản tính và giáo dục
Kết quả kiểm tra
PHẦN KẾT
Món quà dành cho những người nhạy cảm
Một số ý tưởng cho những người nhạy cảm cao
Các hoạt động cho đi
Các hoạt động khi bạn bị quá tải cảm xúc
Trắc nghiệm về bản thân: Bạn nhạy cảm đến mức nào?
Danh mục tài liệu tham khảo
Lời cảm ơn
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
SỰ TẬN TÂM
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hay bị ức chế (nhạy cảm) vào độ tuổi lên bốn sẽ ít có khả năng gian lận, phá vỡ các quy tắc hoặc có những hành động ích kỷ ngay cả khi chúng ư chắc chắn rằng không có ai đang theo dõi mình. Hơn nữa, chúng thường đưa ra những câu trả lời hợp tình hợp lý khi phải đối mặt với các tình huống khó nhằn về đạo đức (Kochanska và Thompson 1998)
Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao rất tận tâm và có xu hướng gánh trách nhiệm với cả thế giới. Từ khi còn nhỏ, nhiều người trong số chúng ta thường “đánh hơi” được sự bất an hiển hiện xung quanh và tìm cách xoa dịu chúng.
'Khi tôi cảm nhận được sự bất hạnh của mẹ, tôi luôn cố tránh thành nỗi phiền toái của bà. Tôi đã nghĩ rất nhiều xem nên làm gì để giúp cuộc sống của mẹ tốt hơn. Một ngày nọ tôi quyết định mỉm cười với tất cả những người tôi gặp. Tôi tưởng tượng người khác sẽ thấy ngưỡng mộ mẹ tôi vì mẹ nuôi dạy con rất giỏi '. - Hanne, 57 tuổi
Khi bạn phát hiện ra sự bất an hoặc căng thẳng xung quanh mình, bạn thường nảy sinh thôi thúc đứng ra chịu trách nhiệm về nó và lập tức nỗ lực thay đổi mọi thứ cho tốt hơn.
Bạn có thể lắng nghe những bức xúc của mọi người liên quan, đưa ra những nhận xét tích cực và cố tìm ra giải pháp. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và cần phải rời khỏi nhóm để về nhà trong khi những người khác nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sau cuộc xung đột và tiếp tục với sự hân hoan.
Việc bước ra và chịu trách nhiệm với một chuyện gì đó là ý tưởng hay hoặc dở còn phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ bạn rất khó giữ cho mình không bị ảnh hưởng bởi cảm giác khó chịu khi chuyện đó xảy đến và điều này sẽ khuấy loạn bộ não của bạn.
Không ai có thể gánh chịu trách nhiệm cho cả thế giới. Ngoài ra, khi bạn nhận trách nhiệm về một điều gì đó, bạn thực sự đang lấy đi trách nhiệm từ một người khác. Trong một vài tình huống nhất định, điều tốt nhất nên làm là để người trong cuộc chịu trách nhiệm và học hỏi từ những sai lầm của họ.
“Sau khi tôi học được cách không nên luôn luôn nhận trách nhiệm thay cho người khác, tôi thấy mình trữ được nhiều năng lượng hơn để sống trong thế giới này.” - Egon, 62 tuổi
Những người nhạy cảm luôn rất cố gắng không làm người khác phải chịu đau đớn hoặc khó chịu. Do đó, chúng ta đổ rất nhiều nỗ lực vào cách giao tiếp với những người khác. Những người có tâm trí mạnh mẽ hơn dường như ít cân nhắc hơn về những gì họ sẽ nói hoặc làm. Điều này có thể gây ngạc nhiên với người có tính nhạy cảm cao.
Tôi thường nghe nhiều những người nhạy cảm cao kể lại rằng họ đã bị sốc thế nào trước những nhận xét thiếu suy nghĩ hay dễ gây tổn thương. Dường như mọi người luôn mong đợi những người xung quanh suy nghĩ thấu đáo và để tâm đến sự tương tác giữa người với người như mình. Nhưng những người khác lại không làm như vậy. Chính vì vậy, ta nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho điều này hơn để bản thân bị sốc hết lần này đến lần khác.
Một khi bạn đặt quá nhiều tâm tư vào mọi thứ như cách những người có tính nhạy cảm cao vẫn làm, phản ứng của bạn sẽ chậm hơn và khó tương tác tự nhiên với người khác. Bạn có lẽ đã từng chịu thua trong nhiều cuộc tranh cãi, và mãi tới tận hôm sau mới nhận ra mình nên nói và hành xử như thế nào cho đúng.
Tôi thấy cần nhấn mạnh một điều quan trọng rằng những người sở hữu tính nhạy cảm cao không phải lúc nào cũng chu đáo, cẩn thận và thấu cảm. Khi chúng ta nhạy cảm quá mức hoặc choáng váng trong quá nhiều luồng cảm xúc, chúng ta dễ trở nên rất thiếu suy nghĩ và đôi khi rất khó gần.
MỘT TÂM HỒN VỚI BẢN NĂNG TÒ MÒ.
Nhiều người nhạy cảm cao tin rằng con người chỉ là một phần của một tổng thể lớn hơn. Thông thường, một người có tính nhạy cảm cao sẽ có sự kính trọng sâu sắc đối với thiên nhiên và cảm nhận được mối liên hệ với các loài động thực vật. Một số người quyết định đào sâu khám phá về những niềm tin và thể chế tôn giáo khác nhau như nhà thờ, trung tâm phát triển bản thân hoặc những cộng đồng tâm linh. Nhưng hầu hết sẽ tạo ra đức tín của riêng mình hoặc chắt lọc ra những gì họ cảm thấy phù hợp với bản thân mình từ nhiều nơi khác nhau.
Mối quan hệ của chúng ta với Chúa, đấng toàn năng, thiên thần hộ mệnh hay bất cứ thứ gì chúng ta muốn gọi tên thường là mối quan hệ rất riêng tư. Chúng ta thiết lập mối liên hệ của riêng mình với đấng thiêng liêng mà không cần đến một linh mục, nhà lãnh đạo tôn giáo hay bậc thầy tâm linh dẫn đường chỉ lối. Trò chuyện với một thứ siêu nhiên tuyệt vời hơn hẳn bản thân mình là một điều khá tự nhiên đối với hầu hết những người nhạy cảm, nhưng chúng ta không cảm thấy sự thôi thúc phải đề cập điều đó với những người khác.