“Ngôi nhà của Matryona” (Phạm Ngọc Thạch dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành) là tuyển tập các truyện ngắn và đoản văn nổi tiếng của Alexander Solzhenitsyn. Sách gồm 4 truyện ngắn, 2 đoản văn và Phụ lục (“Diễn từ Nobel”, “Bài phát biểu tại lễ trao giải Nobel”, “Diễn từ Templeton”, tiểu luận “Sống không dối trá!”), cuối sách có các mốc thời gian quan trọng và hình ảnh của nhà văn.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy từng viết rằng văn chương của Alexander Solzhenitsyn là: “‘lời nói về sự thật’ hấp dẫn bởi sự thật. Tác phẩm của ông, từ những truyện ngắn đầu tay đến những tiểu thuyết sau này thống nhất cao độ bởi một văn phong được các nhà nghiên cứu gọi là ‘cái nhìn đặc tả’ và ‘sự xé vụn thời gian’, rất xa với truyền thống văn xuôi Nga thế kỷ XIX và gắn với thủ pháp ‘đồng hiện’ của văn chương Mỹ. Sự cách tân đó hoà quyện chặt chẻ với những biểu tượng truyền thống của ngụ ngôn Nga như con hươu, cây sồi con bê… tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt” (“Từ điển văn học”, nhiều tác giả, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2004). Khi tuyên dương tài năng văn chương của nhà văn, Ban giám khảo Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Ngay cả hình thức phê phán mà Solzhenitsyn tìm kiếm cho tác phẩm của mình cũng minh chứng cho thông điệp của ông. Hình thức này đã được mệnh danh là tiểu thuyết đa thanh (polyphone novel) hay tiểu thuyết chiều ngang (hirizontal novel)… Đó là toàn bộ nhân tính hàm chứa trong một hạt dẻ, bởi hạt nhân của nó là tình yêu nhân loại. Giải thưởng Nobel Văn chương năm nay được trao cho người đã tuyên xứng chủ nghĩa nhân văn cao cả đó.”
Điều này được thể hiện rõ trong “Ngôi nhà của Matryona” – một trong những truyện ngắn được yêu thích nhất của Alexander Solzhenitsyn. Câu chuyện theo chân nhân vật Ignatich tới một ngôi làng hẻo lánh và ở trọ trong nhà của một bà lão góa bụa tên Matryona. Suốt thời gian ở đây, ông chứng kiến hai “mảng màu” tương phản nhau: lòng tốt, sự bao dung và tham lam, đố kị. Thông qua đó, Ignatich cảm thương cho số phận con người và đau xót khi thấy lòng mộ đạo liêm chính đang dần biến mất. Hoặc như trong truyện “Vì lợi ích công việc”, các sinh viên một trường trung cấp kĩ thuật đã dành nhiều thời gian để xây dựng tòa nhà mới cho mình. Nhưng vì những mưu tính vụ lợi, một viện nghiên cứu đã lấy nơi này, gây nên những nỗi thất vọng lớn cho sinh viên học của trường, và quan trọng hơn hết, truyện chất vấn về chủ đề sự thật - dối trá: “Chúng ta không phải là những nam tước thời Trung cổ để tô vẽ cho huy hiệu của mình lộng lẫy thêm. Danh dự của thành phố chúng ta là ở chỗ những người trẻ tuổi ấy đã hân hoan xây dựng, và chúng ta có nghĩa vụ phải hỗ trợ họ! Nếu lấy đi tòa nhà, thì suốt đời họ sẽ ăn sâu ý nghĩ rằng họ đã bị lừa dối. Mã đã lừa một lần – có nghĩa là sẽ lừa thêm lần khác!”
Tập truyện ngắn phơi bày một cách tinh tế những mặt tối của con người và xã hội Nga đầu và cuối thế kỷ XX. Tác giả không đưa ra bất kì phán xét gì nhưng bằng cách “kể chuyện”, tác giả cho thấy khi vì những toan tính nhỏ nhen và có điều kiện thuận lợi, con người có thể trở nên tàn nhẫn vô cùng. Thông qua tập truyện này, tác giả mong mỏi con người từ bỏ ác tâm, thay đổi và về với lối sống thiện lành.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn sách “Ngôi nhà của Matryona”.
Về tác giả
Alexander Solzhenitsyn sinh ngày 11/12/1918 ở thành phố Kislovodsk. Tuổi thơ của nhà văn tương lai trôi qua trong không khí khắc nghiệt của chiến tranh. Cậu bé Alexander sớm mồ côi cha nên đã phải chịu nhiều thiếu thốn, cực khổ từ khi còn thơ bé. Ngay từ rất sớm, Alexander ước mơ trở thành một nhà văn – tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Leo Tolstoy đã ảnh hưởng lớn tới ông. Khi trưởng thành, Alexander có ý muốn theo học văn chương, nhưng vì điều kiện gia đình lúc đó không cho phép, ông đành học Toán Lí tại Đại học Tổng hợp Rostov. Sau khi tốt nghiệp Rostov, ông học tại chức khoa Văn Đại học Triết học, Văn học và Lịch sử Moskva để được tiếp tục theo đuổi ước mơ thuở thiếu thời.
Vậy nhưng, ngày 2/9/1939, Thế Chiến thứ hai bùng nổ, Alexander Solzhenitsyn rời trường để nhập ngũ và phục vụ trong lực lượng pháo binh cho tới khi chiến tranh kết thúc. Vào tháng 2/1945, khi đang đóng tại Đông Phổ, ông bị bắt giam. Chàng sĩ quan trẻ Alexander lúc thư từ với người bạn đã chỉ trích Stalin. Bao nhiêu huân chương chiến công dắt trên người cũng không đủ cứu thoát ông.
Alexander Solzhenitsyn trải qua một khoảng thời gian ở “trại giam đặc biệt” của Cục An ninh, nơi là nguồn cảm hứng để ông viết tiểu thuyết “Tầng đầu”. Năm 1950, ông bị đưa đến trại cải tạo đặc biệt ở Ekibastuz (Kazakhstan), chính từ trải nghiệm ở đây truyện ngắn “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” ra đời. Năm 1953, ông được chuyển tới bệnh viện ung bướu Tashkent vì căn bệnh ung thư, khoảng thời gian này cho ông chất liệu để viết “Khu ung thư”, “Bàn tay phải”… Có thể thấy dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, Alexander Solzhenitsyn không ngừng quan sát và viết. Viết với ông tự nhiên như hít thở - liên tục và đều đặn. Nhưng điều ông viết ở thời điểm đó không được chính quyền chấp nhận, rất nhiều tác phẩm của ông bị cấm xuất bản, chỉ có thể tới tay độc giả qua con đường “xuất bản ngoài luồng” (không được in mà chỉ ở dạng viết tay hoặc đánh máy). Năm 1970, Alexander Solzhenitsyn được trao giải Nobel Văn chương “vì sức mạnh đạo đức mà ông đã nối tiếp truyền thống lâu đời của văn học Nga”.
Trích đoạn
“Không màng đến việc sắm sửa... Bà chẳng hơi đâu mua sắm đồ này đồ nọ để sau đó phải gìn giữ chúng còn hơn chính cuộc đời mình.
Không màng đến trang phục. Quần áo chỉ để làm đẹp cho những kẻ xấu xa ác đức.
Không được thông cảm và bị chồng ruồng bỏ, đã phải đem chôn sáu người con, nhưng không mất đi đức tính chan hòa, khác hẳn các em gái và chị em chồng, lạ đời, làm việc không công cho thiên hạ một cách ngốc nghếch – bà chẳng tích cóp được gì cho bản thân đến tận ngày nhắm mắt. Một con dê cái lông trắng dơ dáy, một con mèo què, mấy chậu cây...
Tất cả chúng tôi, những người đã sống bên bà và không hiểu được rằng bà mới là người đạo hạnh nhất, mà như cách ngôn thường nói, nếu không có những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được.”
(Trích “Ngôi nhà của Matryona”)
“Tự thân tác phẩm nghệ thuật đã mang trong mình một sự kiểm chứng: những khái niệm bịa đặt, gượng ép sẽ không chịu nổi thử thách trong cách thể hiện, chúng sẽ sụp đổ, èo uột, mờ nhạt, không thuyết phục được ai. Còn những tác phẩm đã đong đầy sự thật và thể hiện điều đó cho chúng ta một cách cô đọng, sinh động, thì sẽ chinh phục chúng ta, lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ, và sẽ không ai, không đời nào, thậm chí sau nhiều thế kỉ, có thể phủ nhận chúng.”
(Trích “Diễn từ Nobel”)