Nàng Mireille
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Quê hương Frédéric Mistral ở xứ sở Provence, thuộc miền Nam nước Pháp, vùng đất đậm đà khí hậu Địa Trung Hải. Mistral sinh năm 1830 tại ngôi làng Maillane, trong vùng thung lũng sông Rhône. Trong ký ức thanh xuân của Mistral, “ngôi làng Maillane thật xinh đẹp, thật kỳ diệu”, và ông khẳng định “sẽ không bao giờ quên được Maillane”.
Năm 1851, thơ Mistral được in trong một hợp tuyển của văn hào Saint-René Taillandier, nhưng như thế chưa đủ làm điềm báo hiệu cho một tài năng thơ ca sáng giá sắp sửa ra đời. Phải đến đầu năm 1859, khi tác phẩm trường ca Nàng Mireille của Mistral được ấn hành và giới thiệu rộng rãi trước công chúng, không còn nghi ngờ gì nữa, đã có thêm một tên tuổi mới làm rạng rỡ thi đàn nước Pháp. Những tác phẩm ra đời sau đó như thi phẩm Calendau (1867), tập thơ Lis Isclo d’or (Đảo vàng, 1876), truyện thơ Nerto (1884), trường ca Lou pouèmo dóu Rose (Bài ca sông Rhône, 1897) đều được giới chuyên môn đánh giá cao.
Ông được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1861 cho tác phẩm Nàng Mireille. Ở tuổi 74, Mistral vinh dự được trao giải Nobel Văn chương danh giá. Toàn bộ tiền thưởng được Mistral sử dụng vào việc thành lập Bảo tàng Arlaten, nơi tôn vinh kho tàng văn hóa dân gian Provence. Nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của Frédéric Mistral, ngôn ngữ và văn hóa Provence đã vượt ra ngoài biên giới tự nhiên của mình, tỏa sáng ra các vùng ngoại vi và thu hút mối quan tâm của công chúng thế giới.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM:
Tác phẩm Nàng Mireille được Frédéric Mistral sáng tác dưới dạng trường ca, tên gốc là Mirèio theo ngôn ngữ Occitan. Câu chuyện có chủ đề tương đối quen thuộc: bi kịch tình yêu. Chuyện kể về mối tình đầu của nàng Mireille và chàng thợ đan Vincent. Nàng là con gái của một ông chủ nông trang giàu có, trong khi chàng chỉ là một kẻ khốn khổ si tình. Cả hai phải lòng nhau, khát khao yêu đương bất chấp gia cảnh hai nhà không được môn đăng hộ đối. Khi tình yêu bị cha mẹ ngăn cấm, nàng Mireille đã chọn lựa nghe theo tiếng con tim mách bảo.
Mô típ bi kịch tình yêu không còn xa lạ trong văn học phương Đông lẫn phương Tây. Dù vậy, Nàng Mireille vẫn mang đến sức hút khó cưỡng cho những ai yêu thích văn chương lãng mạn. Những đoạn tình tự của đôi trẻ yêu nhau trong vườn dâu có thể xếp vào hàng tuyệt tác. Người thi sĩ đã lột tả tài tình nét ngây thơ của cô gái xuân thì mới yêu, và khoái cảm mãnh liệt của chàng trai trẻ trúng phải tiếng sét ái tình.
Nhà thơ Mistral đã dày công phác họa cả một bức tranh khung cảnh Provence trù phú làm phông nền cho câu chuyện diễm tình của đôi trẻ Mireille – Vincent. Những nông trang lúa mì rộng lớn vang vang tiếng liềm tiếng hái vào mùa thu hoạch. Những đêm khuya thanh vắng, sương đọng trên lá, ánh trăng soi tỏ một miền. Những mục đồng nằm nghỉ dưới gốc cây sồi bên cạnh đàn cừu cái trầm ngâm tư lự. Những loài cây cỏ thân thuộc của xứ sở Provence, nào bạch dương, nào sếu, nào đậu kim, thiên thảo. Tất cả cảnh vật đều được mô tả sống động như thực.
Trong trường ca Nàng Mireille, tác giả phô diễn bút pháp hết sức linh hoạt. Có đoạn trữ tình nhẹ nhàng sâu lắng, phảng phất Romeo và Juliet của Shakespeare. Có khúc đậm chất sử thi như trong các tác phẩm anh hùng ca của Homère. Lại có đoạn huyền hoặc thần bí tưởng như đang lạc vào Thần khúc của Dante. Mistral khéo léo lồng ghép vào tác phẩm của mình các chất liệu, hình tượng đến từ chuyện kể dân gian Provence, thần thoại Hy Lạp và cả Kinh Thánh Ki-tô giáo, rồi nhào nặn tất cả bằng trí tưởng tượng đáng nể, để viết ra một áng thơ trác tuyệt, trở thành kinh điển trong kho tàng văn học Provence.
Với mong muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam tác phẩm Provence nổi tiếng bậc nhất này, Đông A cho ra đời ấn bản Nàng Mireille nằm trong tủ sách Trăm năm Nobel, do dịch giả Nguyễn Thị Thúy An chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp. Ấn bản tiếng Việt Nàng Mireille cố gắng giữ được phần nào sức gợi trong văn chương Mistral, và nỗ lực tìm kiếm điểm giao giữa hai ngôn ngữ, để độc giả có thể vượt qua rào cản văn hóa và trải lòng mình cùng câu chuyện tình yêu bi thiết. Cuốn sách sử dụng minh họa của họa sĩ Frédéric Montenard, theo ấn bản của Dorbon-Ainé Editeur, Paris.