Mười Hai Tầng Trời
“Huệ là người Kinh viết về núi mà hơn cả người núi đang viết về chính họ vậy”. Nhận xét đó thêm một lần nữa sẽ được khẳng định trong lòng độc giả khi đọc đến tập truyện ngắn Mười hai tầng trời của nữ nhà văn Chu Thị Minh Huệ.
Tuyển chọn 15 truyện ngắn mới nhất đặc sắc của "cô con dâu họ Vương", Mười hai tầng trời đưa bạn đọc lên vùng cao nguyên đá Hà Giang với những sợi lanh dẻo dai, chảo rượu, nồi mèn mén thơm nồng cùng những con người miền núi chân chất, giản dị. Nhưng sau vẻ êm đềm, yên bình của phong cảnh, có ai ngờ là những phận người đầy sóng gió, bão táp. Đó là những "Thân mồ côi", "Kiếp đào phai" không có quyền quyết định hạnh phúc cá nhân, lấy chồng phải theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đó là những người vợ mất chồng, nhưng không được quyền chọn lựa cuộc sống sau này, họ chỉ như những chiếc "thìa gỗ nhà đám" ai thích vứt đâu thì vứt. Điều đau đớn hơn là ngay cả đến con mình, họ cũng không được quyền nuôi con. Sự thiếu thốn về đời sống vật chất và hạn chế về tinh thần cộng với sự trói buộc vô hình của vô vàn hủ tục, khiến đời sống người dân tộc Mông trở nên tăm tối, họ không thề ngờ được độ "Sâu lắm lòng người", dễ dàng trở thành "Người tạo nghiệp" để trượt dài "Trên triền dốc" ở con đường "Đường làm người".
Tác giả từng chia sẻ: “Vì sinh sống ở một tỉnh miền núi, nơi hầu hết là người dân tộc thiểu số nên đề tài người miền núi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi là thứ không thể thiếu trong sáng tác của tôi. Tôi thích chọn hình ảnh người phụ nữ Mông vì với họ, những hạn chế, bất lực và hy vọng đã làm nên số phận của chính họ." Bằng sự hòa mình vào đời sống dân tộc, và sự chỉn chu của ngòi bút, Chu Thị Minh Huệ đã tái hiện được cuộc sống của người Mông đầy sắc nét đến mức có người phải thốt lên rằng “Huệ thực sự là người Mông viết về người Mông!”.
Mỗi trang viết, một phận người. Mười hai tầng trời đầy ắp những phận người, nghèo đói, cô đơn, mong manh, khiếp đảm trước những sức mạnh vô hình của các hủ tục. Đọc để thương, để cảm và biết đâu đó, trên hành trình phía trước, bạn có thể cùng chung tay để cùng đồng bào đánh tan được những nỗi sợ hãi muôn đời đó.
Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.
Tác giả
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ
Chu Thị Minh Huệ
Sinh năm 1981
Quê quán: xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang
Các tác phẩm đã xuất bản
- Dốc Chín Khoanh - tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 2006
- Bông dẻ đẫm sương - tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2013
- Đường lên Hạnh Phúc - tập truyện dài thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2015
- Chủ đất - tiểu thuyết, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2016
Một số trích đoạn hay:
“Cái thìa gỗ qua mồm bao nhiêu người. Trẻ già, lớn bé, trai gái đều cầm thìa gỗ cho vào bụng để còn vào đám khóc… Thìa gỗ mấy ngày chẳng cần rửa. Đêm cũng không cần dọn phản ăn… Mình cũng phải ăn, cũng cầm đến cái thìa gỗ mà đút vào mồm. Lợm giọng quá! Từ bé vẫn ăn bằng thìa gỗ, vậy mà hôm nay lại có cảm giác này…”.
(Thìa gỗ nhà đám)
Hai vợ chồng Quyền ngồi thẫn thờ bên bếp lửa. Nhìn Phán mà không biết xử sự thế nào. Phán thì thầm: “Từ nay cô chú có đủ đầy con cái mà làm ăn với nhau, còn tôi, từ giờ phải lủi thủi rồi”. Kể cả có nói đến như thế, thì trong lòng Quyền thế nào Phán cũng không đoán định nổi. Trước khi mở lời Phán đã xin tấm lòng, nhưng để biết Quyền có mở lòng không cũng khó. Phán đành đứng dậy, xuống thang, sau lưng bếp lửa vẫn đượm, nước đã được thay ấm mới từ nãy. Xuống hết thang, Phán rút trong túi cái vòng vía đã lấy lại từ tay thằng Chiêm, lại đeo vào tay mình. Giờ thì nó quá rộng so với cổ tay chỉ còn hai dóng xương. Ra đến bờ ruộng, Phán dừng lại, quay nhìn ngôi nhà Quyền, ánh lửa vẫn bập bùng lại nhìn chỗ con gà nhép bới năm nào. Phán không dám về nhà đối diện với hai đứa, lại vòng lên chỗ cung cúng, tháo chiếc vòng vía ra, đào một cái hố ngay dưới cung cúng để chôn nó xuống và ngồi nhìn thần núi Đán Khao.
(Sâu lắm lòng người)