Lời giới thiệu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cho cuốn sách: “Rachel Neumann đã hiệu đính hơn 20 cuốn sách của tôi trong mười năm qua. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng của cô về những điều tôi giảng dạy, thông điệp của tôi, văn phong cũng như ngôn từ, đã được truyền đạt rõ ràng, đúng đắn và trung thực đến hàng ngàn độc giả. Tôi chân thành cảm ơn cô Neumann về sự đóng góp tận tâm và tài năng của cô. Trong thời gian hiệu đính, cô Neumann đã học một bài học cực kỳ quan trọng là không để bị kẹt bởi hình tướng của giáo lý, trái lại phải để cho con tim mở rộng hướng dẫn và tìm hiểu. Trong cuốn sách này, cô Neumann đã lưu ý độc giả rằng chánh niệm tỉnh giác là người thầy xứng đáng nhất của mình.
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật kể chuyện một người muốn vượt qua một con sông nước chảy xiết. Anh ta thu nhặt những cành cây gãy và bó lại thành một chiếc bè để qua sông. Khi qua tới bờ bên kia, anh ta nghĩ rằng mình đã mất bao nhiêu công sức để làm nên chiếc bè này. Nghĩ thế anh ta vác chiếc bè lên vai mà đi. Đức Phật hỏi: “Vác chiếc bè lên vai mà đi như thế có phải là một hành động thông minh hay không?” Như Lai đã dùng bài học về chiếc bè này rất nhiều lần để nhắc nhở rằng chánh pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ là tà pháp.
Hồi ký của cô Neumann đã ghi lại không dè dặt những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày của mình. Sách cũng đã ghi lại khả năng tìm lại bình an khi đối diện sự già và chết của tác giả. Rất nhiều người sợ già. Có người sợ già hơn sợ chết. Nhưng tôi cho rằng tuổi già là tuổi an nhàn. Về già chúng ta trầm tĩnh hơn, đi đứng khoan thai hơn, vui sống hơn. Chúng ta không hấp tấp, chúng ta thong thả thì giờ, thưởng thức từng giây phút của cuộc sống. Tuổi già cũng là tuổi mà chúng ta thực tập đối diện cái chết một cách can đảm. Khi thực tập nhận diện nỗi sợ chết, ta ý thức là ta đang còn sống, ta còn có nhiều điều để trân quý, nhiều cơ hội để vui hưởng. Và ta sẽ biết cách làm cho kẻ khác được hạnh phúc. Ta sẽ có khả năng thưởng thức chiều tà, sương mai, trăng thanh, gió mát. Đức Khổng Tử dạy rằng: “Không biết lo cho sự sống thì làm sao biết lo cho sự chết”. Nếu quán chiếu sâu sắc cái chết, ta sẽ chứng nghiệm lý bất sanh bất diệt của ta, của mọi người, mọi loài, và từ đó ta sống một cuộc đời thực sự đáng sống.
Chính trong giây phút này, biết bao tế bào đã chết trong tôi và trong bạn. Chúng ta không có thì giờ để làm đám ma cho chúng. Đồng thời cũng có biết bao tế bào đang sinh ra và chúng ta không có thì giờ chúc mừng sinh nhật của chúng. Sự chết gắn liền với sự sống. Có sinh đồng thời có tử. Cuốn sách này cống hiến một tuệ giác để sống cho trọn vẹn cuộc sống. Giữa vô vàn bận rộn đảo điên, chúng ta vẫn còn có biết bao cơ hội để vui hưởng giây phút hiện tại.”
MỤC LỤC
PHẦN I: CÓ MẶT
1.Thực tập chánh niệm với tâm hoài nghi
2. Giả bộ cho đến khi thành thật
3. “Một nhà sư đáng kinh sợ”
4. Mẹ có rảnh không?
5. Lắng nghe sâu
6. Ngồi yên và dừng lại
7. Đây là lý do vì sao mình có mặt ở đây
8. Tuổi già
9. Đỉnh cao của nếp sống dấn thân
10. Ngày mai không phải là câu trả lời
PHẦN II: DẤN THÂN
11. Chèo thẳng tới
12. Đau nhức và thực tập
13. Được phép khóc
14. Tại sao mẹ biết?
15. Lo và thở
16. Qua cầu
17. Đi tắm biển
18. Bị kẹt trên xe buýt số 9
19. Ai sắp chết thì giơ tay lên
20. Tiếp cận người chết
21. Năm phép quán tưởng
22. Ý nghĩa đích thực của nghiệp
23. Nuôi con để con lớn lên hạnh phúc
PHẦN III: NỐI KẾT
24. Tôi, bản ngã của tôi và tiếp hiện
25. Những kén tằm nhiều màu
26. Đừng có làm phiền tôi
27. Một chút tâm từ
28. Chỗ đứng trong thế giới
29. Nói chuyện để hòa giải
30. Người ngoài cuộc
31. Cuộc sống sẽ tuyệt vời nếu không bao giờ lầm lỡ
32. Giảm bớt người xa lạ
33. Gọi là kẹo dẻo hay là gì cũng được
34. Muốn được tất cả
35. Thay đổi chút ít vào giờ chót
Lời cuối: Một triệu khoảnh khắc hiện tại
Thực tập
…
TRÍCH ĐOẠN SÁCH
Ngồi yên và dừng lại
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực tập tỉnh giác dễ và không mất công, cũng như ngâm đậu vào nước. “Không cần đẩy nước vào hạt đậu,” Thầy nói với tôi như vậy. “Chỉ cần bỏ đậu vào nước và nước sẽ từ từ ngấm vào đậu. Qua đêm hạt đậu sẽ nở và mềm ra. Ta cũng như hạt đậu và tỉnh giác giống như nước. Phép thực tập là nhẹ nhàng đem tâm về với thân. Mọi căng thẳng sẽ từ từ tan biến, tỉnh giác sẽ tăng trưởng và sự vật sẽ rõ ràng.” Khó mà cảm nhận được mình như một hạt đậu trong nước khi đang bận việc! Mặc dù tôi không ưa phải chậm lại, dù chỉ trong chốc lát, nhưng tôi đã khám phá ra rằng dừng lại giúp ích rất nhiều. Tôi không nói dừng lại trong một trạng thái siêu hình xa xăm mà chỉ là để cho cơ thể dừng lại. Nếu đang đi thì dừng lại có nghĩa là ngừng bước, đứng yên hay ngồi xuống. Nếu đang nói thì dừng lại có nghĩa là ngừng nói. Nếu đang làm việc thì dừng lại có nghĩa là ngừng tay và không tỏ ra là đang bận rộn. Nếu dọn dẹp, nấu nướng thì ngồi xuống mà không có sách báo, bài vở hay tranh ảnh trên tay.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ tôi theo mẹ đến thăm một người bạn của mẹ tôi bên Berkeley. Đến nơi chúng tôi gõ cửa nhưng không ai trả lời. Thấy cánh cửa hé mở, chúng tôi bước vào. Người bạn của mẹ tôi đang ngồi xếp bằng và nhắm mắt. Chúng tôi chờ một lát thì người ấy mở mắt chào và mỉm cười: “Tôi đang ngồi thiền”. Tôi thắc mắc suốt cả buổi hôm đó. Trên xe về nhà, tôi hỏi mẹ tôi: “Ngồi thiền là sao ạ? Có phải vì đang ngồi thiền mà bác ấy không nghe chúng ta gõ cửa không?” “Bác ấy có nghe nhưng tiếng gõ cửa lúc đó là ở đâu rất xa.” Câu trả lời này của mẹ tôi càng làm cho tôi băn khoăn. Bác ấy có mặt đó trong khi ngồi thiền hay là tâm trí bác ấy đang ở một nơi nào khác? Tại sao bác ấy ngồi như thế? Nếu có con ruồi đậu trên mũi, liệu bác ấy có biết không? Liệu bác ấy có quơ tay đuổi nó đi hay không? Dù gì đi nữa, việc bác ấy ngồi như thế đối với tôi là khó hiểu, kỳ quặc và tôi không muốn dính dáng tới chuyện ngồi thiền.
Tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi tôi làm việc cho Thầy. Tôi được cho biết tại sở làm, theo quy lệ, mỗi buổi sáng chúng tôi ngồi thiền 15 phút. Ngồi yên mà không có gì để đọc là một khoảng thời gian dài bất tận. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng ngồi thử, vả chăng tôi đang mang thai mệt nhọc, ngồi và nhắm mắt thẳng lưng như thế cũng được vài phút nghỉ ngơi.
Cả mười năm nay tôi bắt đầu buổi sáng làm việc như sau. Tôi và các đồng nghiệp ngồi thành vòng tròn và nhắm mắt. Một người sẽ thỉnh lên một tiếng chuông. Thỉnh chuông nghĩa là mời chuông. Không ai nói “đánh” chuông mà chỉ nói “thỉnh” chuông.
Chúng tôi ngồi nhắm mắt. Chúng tôi chỉ ngồi. Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại, tiếng ho, hay tiếng sột soạt. Tôi nghe những tiếng động ấy không phải từ đâu xa, mà chỉ là tiếng động đơn thuần của tiếng ho, tiếng sột soạt. Tôi muốn coi những buổi ngồi thiền này như được chợp mắt trong chốc lát bởi vì tôi hay bị mệt vào buổi sáng. Tuy nhiên tôi phải ngồi thẳng lưng. Trước kia tôi đã không mấy thích cách ngồi thiền như thế này và tự hỏi tại sao mình không nằm xuống cho khỏe. Nhưng ngồi thiền đã giúp tôi tinh tấn thực tập. Mỗi khi có một ý nghĩ dấy lên trong tôi thì ngồi thiền nhắc tôi để cho ý nghĩ đi qua như một cành khô trôi sông.
[…]
Tôi không thể ngồi yên 15 phút mỗi buổi sáng nếu đó không phải là một phần công việc của tôi trong sở. Các con tôi không ngồi yên được vài phút trước bữa ăn nếu đó không là một phần sinh hoạt của gia đình. Tất cả các hoạt động hằng ngày như đánh răng hay tập thể dục là do thói quen năm này sang năm khác mà không cần mỗi lúc phải quyết định cho từng việc.
Bây giờ mỗi khi mở cửa xe, tôi trở về với hơi thở có ý thức không phải là vì tôi có chuyện gì bực mình hay tôi muốn thực sự có chánh niệm mà chỉ vì sau đó tôi lái xe thoải mái hơn. Về nhà khi mở cửa tôi cũng thở hơi thở có ý thức. Thực tập trong những trường hợp bình thường như thế giúp tôi nhớ để trở về với phút giây hiện tại trong những trường hợp khẩn trương hơn như khi con tôi giật tay áo tôi hay hét vào mặt tôi. Trong siêu thị hay đi ngoài đường, thỉnh thoảng tôi ngừng lại, thở và tưởng tượng có một em bé vỗ vai tôi và hỏi: “Mẹ có đó hay không?”
Không cần phải là một Phật tử hay là tín đồ của bất cứ đạo nào để ngồi thiền. Có rất nhiều Phật tử khắp thế giới không bao giờ ngồi thiền. Nhưng phải tìm cách chấm dứt hành động loay hoay và nói năng lảm nhảm. Dừng lại sẽ mang lại kết quả nhưng điều kiện cần thiết là dừng lại. Dẫu cho đang ngồi, đang đứng hay đang nằm, khi dừng lại là tạo điều kiện cho thân ta ghi nhận phút giây hiện tại. Có nhiều cách để tăng cường chú tâm khi dừng lại: đếm hơi thở, rà soát cơ thể hay đọc thầm một bài thi kệ ngắn. Tuy nhiên, thường thì dừng lại mà có ý thức là đủ. Dừng lại còn tạo cơ hội cho trí não bớt lăng xăng vì bị tràn ngập bởi chữ nghĩa. Trong trường hợp ấy tôi dùng bài thi kệ đơn giản của Thầy.
Thở vào, tôi biết tôi thở vào
Thở ra, tôi biết tôi thở ra.
Thân và tâm tôi hợp nhất một cách dễ dàng chỉ với hai dòng chữ đơn giản ấy. Giây phút hiện tại trước hết là hơi thở. Ý thức toàn thể vũ trụ được thể hiện chỉ qua một hơi thở vào ra.