Thay lời mở đầu
Đường xưa Thuận Quảng
Tiên kiết nhân tâm thuận.
Hậu thị đức hóa chiêu.
Đó là hai câu đầu trong bài ngũ ngôn của vị tham mưu trình chúa Sãi khi đề cử hai hổ tướng Thuận Nghĩa hầu và Chiêu Võ hầu lãnh đạo một chiến dịch an dân.
Khởi nghiệp từ Thuận Hóa, sách lược của chúa Tiên ban đầu là Thuận và Hóa, từ đó củng cố thế lực trên nền tảng Quảng Đức và phát triển theo chiều hướng Quảng Nam. Với quyết tâm tạo lập cõi Nam Hà thành một giang sơn vạn đại, các chúa kế nghiệp giữ đúng đường lối: thu phục nhân tâm, giáo hóa dân trí và mở mang bờ cõi.
“Đất Thuận Quảng này phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Thạch Bi Sơn bền vững, núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối, thật là một nơi trời để dành cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Lời chúa Tiên dặn dò chúa Sãi trước lúc lâm chung đã thể hiện rõ ý chí ấy. Hiểm trở là lợi thế để phòng ngự, bền vững là nền tảng để xây dựng. Vàng sắt dành cho công nghiệp và quốc phòng, cá muối cung cấp cho đời sống dân chúng.
Trên đường thiên lý Thuận Hóa - Quảng Nam, các đoàn lưu dân người Việt phải vượt qua nhiều chướng ngại thiên nhiên. Mỗi khi “dừng chân đứng lại” trên đỉnh cao trông vời họ lại thấy mở ra trước mắt một khung cảnh “trời-non-nước” bao la. Tiếng gọi của gió lành nắng ấm phương Nam đầy màu sắc rực rỡ và cuốn hút như nam châm.
Những vùng đất màu mỡ dần dần được thuần thục. Những con sông bốn mùa đầy nước ngọt, tấp nập thuyền bè xuôi ngược. Những vũng vịnh, cửa biển thật thuận tiện cho việc xây dựng các ngư trường và giao dịch với bên ngoài. Thế hệ sau nối tiếp công trình của thế hệ trước. Ước vọng của chúa Tiên: một cõi Nam Hà với cột mốc Thạch Bi Sơn đã thực hiện được. Vùng đất này đã hoàn thành nhiệm vụ Quảng Nam được định danh Phú Yên. Chặng tiếp theo, bên kia đỉnh Đại Lãnh ngất trời là Thái Khang (Bình Hòa) rồi Bình Thuận, là công huân của chúa Sãi và các hậu chúa nối ngôi...
Hơn nửa thế kỷ sau khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tiến vào Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn... Hùng Lộc hầu có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa tiến xa hơn thi hành sứ mệnh lịch sử Thuận Thành. Đồng Nai chỉ còn là gang tấc. Nối tiếp truyền thống phụ thân, Nguyễn Hữu Cảnh - con của Chiêu Võ hầu - mở đất Sài Gòn:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về...
Tầm mắt người dân “Thừa tuyên Quảng Nam” bây giờ rộng mở với một cõi Nam Hà không phải chỉ giới hạn từ Hoành Sơn đến Thạch Bi Sơn mà:
Rồng chầu ngoài Huế. Ngựa tế Đồng Nai...
Cùng với cả cõi Nam Hà, cả Xứ Đàng Trong... những người dân từng trải bao mùa mưa nắng trên đường xưa Thuận Quảng từ đây góp nhiều công sức, cả máu đào, tâm trí, mồ hôi cho đại cuộc của Tổ quốc từ Nam Quan tới Hà Tiên...
(2000)
Trích đoạn:
Trở về Hồ Gươm uống tách trà đậm, nghe nhiều chuyện đời thường. Tôi tự nghĩ bây giờ chắc Hà Nội không còn những đứa trẻ nhặt lá bang. Nhưng phần tôi, phải cố nhặt cho được, càng nhiều càng tốt những lá bang trên mọi nẻo đường quê hương để sưởi ấm những trang viết của mình. - Nhặt lá bàng –
Ôi cái hồn của Xứ Sở, cái ý nhị thâm trầm của một Vùng Đất… càng làm cho ta yêu quý hơn khi nơi đó có một Con Người, có một Tấm Lòng thông cảm cùng ta. Và mỗi ngày ở, mỗi đêm nằm ta sẽ nhận biết thêm một chút để hiểu hơn về chính ta cái thời thanh xuân thuở ấy… - Cảnh và người thuở ấy –
Tôi đã từ giã tuổi thơ trong một chiều thu mưa nhỏ, cho nên mỗi lần tái ngộ cơn mưa nhỏ chiều thu không khỏi nhớ mãi, xa xăm về quá khứ.
Cái hạnh phúc lớn nhất của thời trai trẻ là luôn luôn có cái đích trước mắt để hướng tới. Mùa xuân mở ra những dự định, mùa thu nhìn lại ngày tháng đã qua, điều chỉnh, thay đổi để mùa đông mang về thành tựu. Mỗi năm, một năm mới, mỗi ngày, một ngày mới. Bao giờ cũng là những hy vọng dâng tràn, tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua bao ngăn trở, thử thách để đạt điều mong muốn.
Tuổi già như đi vào ngõ cụt. Biết rằng mình đã ở cuối đường. Chẳng bao nhiêu bước nữa là vực sâu, là hố thẳm, là biển cả dữ dội sóng gào. Chúng ta phải dừng lại, buông tay, bất lực. Những tính toán muộn màng đành dang dở cả. Ai mà không hoảng sợ trên nhịp cầu sông Nại Hà, nơi thử thách xem ta đã tích tụ dành dụm được bao nhiêu âm đức!
Tuổi già vì vậy thường nhìn lại dĩ vãng. Có kẻ tô hồng quá khứ, bằng lòng trong sự nuối tiếc, hãnh diện, ôm ấp cái quá khứ ấy trong ngày tháng thong dong. Được vậy cũng là quý. Có người, như tôi, đếm lại thời gian đi qua trong sự tự phán xét và rất buồn khi hiểu rằng cuộc đời mình chồng chất liên tiếp những sai lầm.
Cỡ ngày này, tháng này... hồi mười mấy tuổi, rồi hai mươi mấy tuổi, băm mấy tuổi, bốn mấy, năm mấy chẳng hạn... Sự việc như vậy, như vậy... dẫn tới kết quả như vậy, như vậy... lẽ ra mình biết nhường nhịn hơn, chừng mực hơn, hay cương quyết hơn, thẳng thắn hơn, nói chung là biết ứng xử đúng hơn thì kết quả đã khác. Mình đã thành công hơn, toại nguyện hơn, là đứa con đứa em biết hiếu đễ, không mất người bạn này, không làm phiền lòng người kia, không để xảy ra điều đáng tiếc ấy, không có nỗi ân hận kéo dài, mỗi lần nhớ lại vẫn chưa thấy lạt phai.
Chữ thu và chữ tâm ghép lại thành chữ sầu. Người xưa đặt ra chữ này đã thấu hiểu nỗi lòng mùa thu chăng?
Những chiều mưa nhỏ đi qua áo...
Hình ảnh ấy đẹp nhưng vốn sẵn nỗi buồn giấu kín bên trong! Nếu không gay gắt chói chang như nắng mùa hè thì thà là như gió bão cuồng nộ mùa đông. Sao lại sầu? Nhưng yếu tính của nghệ thuật là nỗi buồn, chính vì vậy mùa thu đã đi vào thi ca nhiều hơn cả. Thi sĩ Tản Đà Cảm Thu. Tiễn Thu, thi sĩ Lưu Trọng Lư nghe cả Tiếng Thu. Đã có hàng trăm bài thơ thu buồn, tuy rằng tương đương cũng có hàng trăm buổi chiều mưa nhỏ đôi bạn yêu nhau tay trong tay đi bên nhau...
Lẽ ra phải có hàng trăm bài thơ thu vui.
(2010) - Những chiều mưa nhỏ -