Lời Tựa Một Tình Yêu
Lời tựa một tình yêu là một tác phẩm cảm động, chân thực, sâu sắc viết về tình yêu thủy chung son sắt của người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng. Kể từ lúc ngỏ lời cho đến lúc hội ngộ, hạnh phúc trong lễ cưới sau ngày đất nước toàn thắng là 15 năm xa cách, đầy giông tố, thử thách và hy sinh. Họ bị giam cầm, đày đọa qua hàng chục nhà tù, riêng ông Lê Hồng Tư bị cầm tù 15 năm, trong đó trọn 13 năm ở Côn Đảo với án tử hình. Và hiện tại, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau và tiếp tục làm đẹp cho đời.
Công bố Lời tựa một tình yêu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật mong muốn “Bản tình ca nồng thắm gắn liền với lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ, của những con người thủy chung son sắt trong tình yêu, sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất vẹn toàn của Tổ quốc... sẽ thổi bùng lên niềm tin, ngọn lửa bất diệt mà những người trẻ hôm nay lấy đó để soi rọi, tin yêu, sống và cống hiến”.
Trong lời tựa mở đầu cuốn sách, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và là thủ trưởng trực tiếp từng nhiều lần cử tác giả vào mặt trận, chiến trường và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã viết: “Ấn tượng mạnh nhất khi đọc Lời tựa một tình yêu là sự xúc động, tin cậy, ám ảnh và ngưỡng mộ. Bản tính cẩn trọng, khách quan của một nhà báo và phẩm chất văn chương trong sự dung tưởng phong phú của một nhà văn hoà quyện trong tác phẩm với 12 chương và hơn 200 trang sách. Hoàn cảnh điển hình, tình tiết điển hình, phẩm chất và tính cách điển hình của nhân vật được kết cấu, khắc họa tinh tế bởi một giọng văn giản dị, trầm tĩnh, chan chứa lòng tin yêu cuộc sống đã khiến Lời tựa một tình yêu có sức cuốn hút và lay động mạnh mẽ lòng người. Nếu xem đây là lời tựa, thì với tôi, cũng như tên tác giả chọn đặt cho tác phẩm của mình, đây là lời tựa cho một tình yêu - tình yêu đất nước, tình yêu lý tưởng, tình yêu đôi lứa của hai chiến sĩ cộng sản với niềm tin mãnh liệt ở tương lai đã vượt qua sự xa cách đằng đẵng của cả thời gian và không gian, vượt qua những năm tháng giam cầm tra tấn của kẻ thù, vượt qua sắt thép, hiểm nguy và vượt qua cả cái chết để đến với nhau trong một mối tình thuỷ chung, trong sáng như một huyền thoại”.
Những bức ảnh tư liệu giá trị trong thời gian hoạt động cách mạng của ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu (1953-1975) và ảnh bà Nguyễn Thị Châu chụp với tác giả Trần Mai Hạnh trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng (tháng 5/1975) ngay tại cửa phòng giam số 4, bốt Nguyễn Tri Phương, nơi bà Châu bị địch bắt giam, tra tấn lần cuối tới trưa ngày 29/4/1975 mới được trả tự do, in trong phần phụ lục, đã tôn thêm tầm tư tưởng, giá trị thuyết phục và sức lay động của tác phẩm.
Trích đoạn:
“Ngày mai con lại đi bán cá với má...”
Má! Dừng lại một chút đã, nghe má! Vừa tới ngang ngôi trường nhỏ, cô bé đã níu áo, nằn nì mẹ đứng lại. Bà mẹ chần chừ một chút rồi đặt gánh cá xuống vệ đường. Cô bé rón rén đến bên cửa sổ, kiễng chân nhìn vào tấm bảng đen trên lớp, nhẩm đánh vần theo nhịp thước của ông giáo già.
Nhà nghèo, mới bảy tuổi đã phải tần tảo theo mẹ đi bán cá ở chợ Biên Hòa, quyển vở, cái bút với cô là một cái gì rất xa xôi - xa xôi tới mức chưa bao giờ cô dám mơ ước tới.
Bà mẹ nhìn con mà ứa nước mắt.
- Châu! Đi thôi con. Trưa rồi!
Không biết đã bao lần, bà lại phải dằn lòng gọi con như vậy. Cô bé tất tả chạy theo mẹ, vừa chạy vừa ngoái lại ngôi trường với vẻ tiếc rẻ của trẻ con cùng chút ít đăm chiêu vượt xa lứa tuổi.
Năm năm sau, vào một buổi tối, cô thưa với mẹ, lời lẽ chững chạc như một người lớn:
- Thưa má, con đã học xong bậc tiểu học.
Con xin phép má được lên Sài Gòn thi vào trường Gia Long.
Bà mẹ kinh hãi: Trời, nó mới mười hai tuổi đầu, chưa cắp sách tới lớp lấy một ngày mà
dám cả gan thi vào trường nữ trung học lớn và danh tiếng nhất Sài Gòn.
Cô bé vẫn đứng nghiêm trang trước mặt mẹ, mắt mở to chờ đợi. Bà mẹ hết nhìn con lại nhìn
những quyển vở xếp ngay ngắn ở góc bàn. Đêm nào nó cũng học. Mà con bé thật ngoan, chiều ở chợ về buông gánh là chúi đầu lo toan mọi chuyện. Nhiều bữa việc nhà xong đã khuya, nó vẫn ngồi vào bàn chăm chú đọc đọc, viết viết. Từ ngày thằng Hai con ông cậu ruột về ở bày vẽ thêm, xem ra nó học tấn tới lắm. Nhưng làm sao mà nó thi nổi vào trường Gia Long...
Cuối cùng chiều lòng con gái, bà theo lên Sài Gòn.
Sài Gòn với hai má con, cái gì cũng xa lạ.
Đêm hôm đó hai má con ôm nhau nằm trong một quán trọ tồi tàn, không sao chợp mắt vì lo
lắng và cũng vì lạ chỗ. Nằm sâu trong bóng tối bên này đường, nhìn sang ánh sáng khu biệt thự lộng lẫy, sang trọng bên kia, Châu bỗng thấy sợ hãi. Châu thấy Châu và má cũng chẳng khác gì những người sống chui rúc dưới gầm cầu, ống cống hay những người thất nghiệp lang thang đi ăn xin trên các lề đường mà Châu gặp ngày hôm nay... Tất cả đều lạc loài và xa lạ với thế giới của những phố xá, biệt thự và những cảnh ăn chơi hưởng thụ này. Mơ ước được vào học trường Gia Long không còn làm Châu háo hức nhiều nữa.