Làm thế nào để giúp trẻ tự giác và có hứng thú trong học tập. Làm thế nào để con có động lực cố gắng. Làm thế nào để con tập trung. Làm thế nào giúp con yêu đọc sách…Có lẽ đây là những vấn đề trăn trở của rất nhiều cha mẹ có con bước vào tiểu học.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con sẽ tự giác học ngay, nhưng để có được điều đó trẻ cần trải qua một quá trình được cha mẹ chú trọng bồi đắp những năng lực tư duy nền tảng như khả năng tự suy nghĩ, tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề, kiên trì xây dựng những thói quen tốt như nếp sinh hoạt có quy tắc, thói quen đọc sách, và bền bỉ trong việc rèn luyện những kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng xây dựng mục tiêu ngay từ những năm đầu tiểu học. Bởi vì chỉ khi có được 3 trụ cột này, trẻ mới có đầy đủ kỹ năng tự học sau này.
Cuốn sách “Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học” đúng như tựa đề của nó sẽ giải đáp cho bố mẹ hầu hết những thắc mắc trên. Những điều được chia sẻ trong cuốn sách không chỉ giới hạn ở khía cạnh kỹ năng tự học, mà trên hết nó là cẩm nang giúp bố mẹ biết vạch ra tầm nhìn là những mục tiêu quan trọng nhất cần nuôi dưỡng cho con ở giai đoạn tiểu học.
Bên cạnh đó giai đoạn tiểu học còn là thời kì vàng để bố mẹ gieo cho con những bài học về cuộc sống, giúp con hình thành nên nhân cách, đồng thời cho con được tiếp cận với nhiều trải nghiệm phong phú và đa dạng để kích thích 5 giác quan, từ đó nuôi dưỡng hứng thú và sự tò mò với việc học. Trải nghiệm giống như những hạt giống tốt, khi môi trường xung quanh đủ thuận lợi hạt giống ấy sẽ nảy mầm vươn lên mạnh mẽ. Nếu thiếu trải nghiệm, động lực học tập của trẻ sẽ không thể tiến xa trong tương lai.
Một điều vô cùng quan trọng nữa mà cuốn sách đề cập đến chính là giúp bố mẹ có kỹ năng giao tiếp hiệu quả với con ở tuổi tiểu học. Nếu như trước kia con còn nhỏ bố mẹ thường đưa ra những yêu cầu để bắt con làm theo, thì bây giờ bố mẹ hãy học cách để trở thành coaching của con mình thông qua cách lắng nghe-khích lệ -ghi nhận, kỹ năng đặt câu hỏi với con. Chính nhờ cách giao tiếp này bố mẹ sẽ giúp con nuôi dưỡng năng lực tự suy nghĩ, nâng cao năng lực tư duy, tự chịu trách nhiệm với những gì mình cam kết. Đồng thời trẻ luôn cảm thấy mình được bố mẹ lắng nghe và tôn trọng. Chỉ khi bố mẹ thực sự kết nối từ nội tâm với con, chúng ta mới có thể giúp con thay đổi từ bên trong.
Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học gồm 10 chương
Chương 1: Cha mẹ bình tĩnh, bình tâm và bình an
Chương 2: Cách ứng xử của cha mẹ với con
Chương 3: Những bài học đạo đức bố mẹ cần dạy con
Chương 4: Những thói quen tốt cần rèn luyện
Chương 5: Những năng lực và trải nghiệm cần thiết giai đoạn tiểu học
Chương 6: Nuôi dưỡng năng lực tư duy
Chương 7: Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ
Chương 8: Kỹ năng quản lý thời gian
Chương 9: Kỹ năng xây dựng mục tiêu tạo động lực cố gắng
Chương 10: Nuôi dưỡng năng lực tự học
Thông tin tác giả:
TS Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
Tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản.
Đồng sáng lập, kiêm Giám đốc đào tạo của hệ thống giáo dục Tsubaki – theo triết lý giáo dục của Nhật Bản.
Là người đầu tiên đã đưa phương pháp đọc ehon của cha mẹ Nhật về Việt Nam.
Là tác giả những đầu sách hot dành cho cha mẹ “Kỷ luật mềm của trái tim”, “Kỷ luật mềm trong gia đình”, “Đọc ehon cho bé”.