Kinh Tế Học Dễ Xơi - Khi Kinh Tế Gia Bụng Đói Giải Thích Về Thế Giới
“Kinh tế học dễ xơi – Khi kinh tế gia bụng đói giải thích về thế giới” của GS Kinh tế Ha-Joon Chang là một tác phẩm độc đáo, thú vị, mới mẻ khi kết hợp giữa kinh tế học và ẩm thực để giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với những khái niệm kinh tế phức tạp thông qua các câu chuyện về các món ăn quen thuộc từ khắp nơi trên thế giới.
Trong cuốn sách này, Ha-Joon Chang thể hiện sự bất bình với triết lý thị trường tự do vốn đã chi phối kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Ông ví hệ tư tưởng này như một chế độ ăn nghèo nàn, thiếu cân bằng và không tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, thay vì những thuật ngữ khô khan và phức tạp, Chang sử dụng ngôn ngữ giản dị hài hước để giải thích các khái niệm kinh tế, làm cho chúng trở nên dễ hiểu và thú vị.
Cuốn sách gồm 5 phần, với 17 chương, mỗi chương được xây dựng xung quanh một món ăn cụ thể như tôm, dừa, sô cô la, đậu bắp, đến mì Ý…, từ đó Chang đưa ra các phân tích sâu sắc về những thách thức kinh tế hiện nay, từ bất bình đẳng xã hội, sự mất cân đối trong toàn cầu hóa, đến vai trò của chính phủ trong việc điều tiết kinh tế.
Chẳng hạn, câu chuyện về “sô cô la” được ông sử dụng để thảo luận về sự chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, trong khi “đậu bắp” được chọn làm ví dụ để nói về mối liên kết phức tạp giữa chủ nghĩa tư bản và tự do. Trong chương nói về “tôm”, Chang không chỉ đặt câu hỏi tại sao con người ăn tôm nhưng lại tránh ăn côn trùng, mà còn dẫn dắt người đọc vào câu chuyện về ngành công nghiệp lụa của Nhật Bản, từ xuất khẩu lụa đến việc trở thành một nền kinh tế công nghiệp công nghệ cao. Từ một món ăn tưởng như bình dị, tác giả đã khéo léo dẫn dắt để làm rõ vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược.
Chương về “mì Ý” và “mì Hàn Quốc” lại mở ra một câu chuyện khác, không chỉ về ẩm thực mà còn về thiết kế công nghiệp và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô ở Hàn Quốc. Với chương về trái “chanh xanh”, Chang lại sử dụng cách Hải quân Anh đối phó với bệnh scurvy để nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Những câu chuyện này không chỉ khiến người đọc hiểu rõ hơn về kinh tế mà còn khuyến khích họ suy nghĩ đa chiều và thách thức các quan điểm kinh tế truyền thống.
“Kinh tế học dễ xơi” là một cuốn sách đầy sáng tạo và khác biệt. Với cách tiếp cận gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, Ha-Joon Chang đã đưa kinh tế học đến gần hơn với độc giả đại chúng. Đây là một tác phẩm phù hợp cho bất kỳ ai muốn hiểu rõ hơn về kinh tế học qua lăng kính ẩm thực – một chủ đề vừa thân thuộc, vừa mở ra những góc nhìn mới mẻ về thế giới xung quanh.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Ha-Joon Chang (sinh năm 1963)
Nhà kinh tế học người Hàn Quốc, hiện là giáo sư kinh tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London và từng giảng dạy tại Đại học Cambridge từ năm 1990 đến 2021. Ông được trao các giải thưởng danh giá như Gunnar Myrdal (2003) và Wassily Leontief (2005).
Ha-Joon Chang còn là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Washington, từng là cố vấn danh tiếng cho một số ngân hàng lớn cùng nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Ngoài “Kinh tế học dễ xơi”, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác:
Lên gác rút thang
23 vấn đề họ không nói với bạn về chủ nghĩa tư bản
Cẩm nang kinh tế học.
TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY
- “Cũng giống như cách kết hợp các nguyên liệu khi nấu ăn, câu chuyện về đậu bắp trong chương này đan xen với các câu chuyện về quyền tự do kinh tế và các quyền tự do khác, cũng như sự phi tự do của chủ nghĩa tư bản: các nô lệ châu Phi và con cháu họ, người châu Mỹ bản địa, người châu Á bị lao động cưỡng bức bởi hợp đồng, các chủ đồn điền châu Âu cùng với người châu Âu tới Bắc Mỹ định cư. Câu chuyện này chứng minh rằng mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và tự do là rất phức tạp và mâu thuẫn (đôi khi hoàn toàn tương phản), không hề có tự do thuần túy những gì mà trường phái Tân Tự do vẫn nói. Chỉ khi hiểu rõ hơn về sự phức tạp của mối quan hệ này, chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu cần phải làm những gì để khiến chủ nghĩa tư bản trở nên nhân văn hơn.”
- “Chuối là loại trái cây có năng suất cao nhất thế giới. Nhưng năng suất đó đã dẫn đến những kết quả rất tiêu cực vì sử dụng sai cách. Ban đầu nó được các chủ đồn điền dùng để nuôi sống nô lệ ở châu Mỹ với chi phí tối thiểu. Sau đó, nó trở thành nguyên nhân của nạn bóc lột lao động, tha hóa chính trị và xâm lược quân sự nhắm vào nhiều nền kinh tế xung quanh và trong vùng biển Caribe.
MNC là vậy. Cũng giống như chuối, nhiều MNC có năng suất rất cao. Tuy nhiên, nếu vận dụng sai cách, nước chủ nhà sẽ trở thành một “nền kinh tế biệt lập”, nếu không muốn nói là một “nền cộng hòa chuối”. Chỉ khi có các chính sách công đảm bảo được sự chuyển giao tối đa về công nghệ, kỹ năng công nhân và phương thức quản lý thực tiễn thì nền kinh tế sở tại mới thực sự được hưởng lợi từ sự hiện diện của MNC.”
- “[…] các nhà kinh tế học giỏi (ý tôi không chỉ là các nhà kinh tế học hàn lâm mà còn là các nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động xã hội và những công dân có hiểu biết) cũng cần tích cực tưởng tượng, giống như nấu ăn vậy. Họ có thể loại bỏ các thành phần thiêng liêng (như thị trường tự do – xem chương về đậu bắp và thịt bò), tái sử dụng các thành phần hiện có (những gì các nhà dân chủ xã hội đã làm với nhà nước phúc lợi mà mục đích nó được sinh ra là để chống chủ nghĩa xã hội – xem chương về lúa mạch đen), và hồi sinh những thành phần bị lãng quên (như chúng ta có thể làm với hệ thống giải thưởng cho phát minh – xem chương về cà rốt). Họ vừa không bị ảnh hưởng bởi trào lưu nhất thời, vừa có thể hiểu tại sao những trào lưu đó lại tồn tại và có thể học được gì từ chúng (như ý tưởng về việc thất nghiệp hàng loạt trong tương lai hoặc nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp – xem chương về dâu tây và sô cô la). Hơn nữa, các nhà kinh tế học giỏi nhất, giống như các đầu bếp giỏi nhất, phải có khả năng kết hợp các lý thuyết khác nhau để có cái nhìn cân bằng hơn. Họ hiểu cả sức mạnh và hạn chế của thị trường (xem chương về chanh xanh và Coca-cola), đồng thời biết rằng các doanh nhân thành công nhất khi được nhà nước hỗ trợ và điều tiết phù hợp (xem chương về mì và gia vị). Họ nên sẵn sàng kết hợp các lý thuyết của chủ nghĩa cá nhân và các lý thuyết xã hội chủ nghĩa (hay rộng hơn là chủ nghĩa tập thể) – và bổ sung chúng bằng các lý thuyết về khả năng của con người – để có cái nhìn bao quát hơn về các vấn đề như bất bình đẳng (xem chương về gà), công việc chăm sóc (xem chương về ớt) và nhà nước phúc lợi (xem chương về lúa mạch đen).”