Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ sớm dừng lại. Dịch bệnh đã gây ra những tác động khủng khiếp tới nền kinh tế thế giới, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ và vô số người bị mất việc.
Trong cuốn “Kinh tế hậu Covid”, tác giả Jason Schenker sẽ cung cấp cho bạn các chiến lược để ổn định công việc và đạt được thành công ngay cả khi phải đối mặt với khủng hoảng. Nó chứa đựng những lời khuyên giúp bạn vượt qua giai đoạn suy thoái hiện tại, thấy trước những dấu hiệu của đợt suy thoái tiếp theo, đồng thời tận dụng cơ hội vươn lên trở thành người dẫn đầu trong lúc những người khác vẫn đang phải loay hoay tìm cách ứng phó. Cuốn sách giúp bạn biến nghịch cảnh thành cơ hội, nắm bắt tâm lý thị trường sau đại dịch.
Về tác giả:
Jason Schenker hiện là Chủ tịch của Prestige Economics và The Futurist Institute. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia dự báo tài chính và tương lai học hàng đầu nhất trên thế giới. Bloomberg xếp hạng Schenker là nhà dự báo hàng đầu trong bốn mươi ba hạng mục, trong đó đứng đầu thế giới về độ chính xác trong hai mươi lăm hạng mục, bao gồm dự báo của ông về đồng Euro, Bảng Anh, Rúp Nga, Nhân dân tệ Trung Quốc, giá dầu thô, giá khí đốt tự nhiên, giá vàng, giá kim loại công nghiệp, giá hàng hóa nông nghiệp và việc làm tại Mỹ.
Schenker được Investopedia xếp hạng trong tốp 100 cố vấn tài chính có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2018. Công trình của ông đã được đăng trên Wall Street Journal, New York Times và Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Ông đã xuất hiện trên CNBC, CNN, ABC, NBC, MSNBC, Fox, Fox Business, BNN, Bloomberg Germany và BBC. Schenker là người dẫn chương trình khách mời của Bloomberg Television và cộng tác viên cho tờ Bloomberg Opinion.
Trích dẫn hay trong cuốn sách:
- Năm 2001, tôi hoàn thành chương trình sau đại học đúng vào thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế. Hồi đó tôi vẫn chưa phải là một nhà kinh tế học, nhưng công việc của tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế lúc đó.
Tôi từng nghĩ rằng nếu biết trước về cuộc suy thoái sắp xảy ra thì hẳn tôi đã hành động khác đi. Những lựa chọn về công việc, học hành và làm thêm đáng ra phải phản ánh sự hiểu biết của tôi về cuộc suy thoái sắp tới. Nhưng đáng tiếc, đời lại không như là mơ.
Nhưng chính nhờ giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2001 mà tôi đã quyết tâm trở thành một nhà kinh tế học, như vậy có thể dự báo trước cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo - và điều đó sẽ giúp tôi không bị ảnh hưởng.
- Có một cây anh đào với những cành cây trĩu nặng đầy quả chín mọng ngon lành. Mọi người bắt đầu trở nên tham lam. Họ ngắt những quả anh đào trên cây bằng tay không một cách điên cuồng cho đến khi không còn quả ở những cành thấp nữa. Rồi họ mua dụng cụ hái quả anh đào và bắt đầu hái những quả ở cành cao hơn. Họ làm tốt đến mức bắt đầu trở nên phô trương và thay thế những dụng cụ hái anh đào thông thường bằng những dụng cụ được mạ vàng, bởi tại sao lại không chứ? Thời thế đang thuận lợi mà! Thế là mọi người chuyển sang hái anh đào bằng những dụng cụ hoang phí, đắt tiền và sẽ sớm chẳng còn lại trái anh đào nào.
Sau đó, lòng tham trở thành nỗi sợ. Mọi người hoảng loạn, rời bỏ cây anh đào, bán những dụng cụ hái quả và lẩn trốn.
Đó chính là sự suy thoái.
- Một số người nghĩ rằng họ chẳng thể làm gì khi suy thoái kinh tế ập đến. Hoặc là họ may mắn và làm tốt công việc, hoặc là họ không may mắn và phải chấp nhận hoàn cảnh, nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng đều nằm ngoài tầm tay họ.
Tuy nhiên, đây mới là điều nực cười. Nếu bạn hỏi những người này, “Một doanh nghiệp có thể làm gì khi sắp xảy ra suy thoái?” thì họ có thể kể ra rất nhiều việc như thu nhỏ hoạt động, đổi tên thương hiệu, thay đổi địa điểm kinh doanh...
Vậy câu hỏi tôi dành cho bạn là: nếu một doanh nghiệp có những sự lựa chọn, vậy tại sao bạn lại không? Sự thật là bạn có quyền lựa chọn - và những lựa chọn ấy về cơ bản cũng tương tự như những lựa chọn của một công ty. Hãy coi bản thân như một doanh nghiệp... Vậy nên, những công cụ tương tự mà các doanh nghiệp sử dụng để hiểu rõ tình hình cũng là những công cụ mà bạn có thể sử dụng.
- Một cách để chống lại rủi ro suy thoái kinh tế là tập trung vào con đường học vấn. Và quá trình giáo dục không chỉ dừng lại trong trường học.
Hãy tham gia một khóa đào tạo liên tục. Nếu lãnh đạo nơi bạn làm việc thực hiện một khóa đào tạo nội bộ hay cung cấp ngân sách phục vụ các loại hình đào tạo khác, hãy tham gia các khóa học đó. Học thêm một ngôn ngữ. Tham gia vào một khóa dạy làm đồ thủ công. Học bất cứ thứ gì có thể còn hơn là không học gì cả.