Kim Chỉ Nam Dành Cho Bạn Trẻ - Đại Học Không Lạc Hướng (2022)
Một người bình thường liệu có thể có một cuộc đời ngoạn mục? Câu trả lời tất nhiên là có! Vậy, một sinh viên tại một trường đại học hạng hai liệu có thể nắm trong tay mình một cuộc đời hạng nhất? Câu trả lời cũng hoàn toàn tương tự! Cuốn sách “Đại học không lạc hướng” của tác giả Lý Thượng Long đem đến một cái nhìn mới lạ về “lộ trình trưởng thành ngoạn mục” của bất cứ sinh viên ở bất cứ trường học nào, dù là trường hạng nhất, hay hạng hai.
Biến mình thành một thanh niên SLASH, tại sao không?
Thanh niên “slash” là từ dùng để chỉ những người trẻ làm nhiều nghề nghiệp hay một con người làm việc tự do, kiếm tiền bằng những kỹ năng khác nhau. Vậy, vì sao bạn nên trở thành một thanh niên slash?
Trong Đại học không lạc hướng, tác giả Lý Thượng Long đã thảo luận về vấn đề này thông qua việc phân tích hình ảnh của một chiếc kệ và nghề nghiệp chính là chân của chiếc kệ đó. Kệ ba chân vững chãi, kệ hai chân chao đảo còn kệ một chân thì sẽ không thể đứng vững. Vì vậy, trong thời buổi mà vạn vật không ngừng biến đổi, con người cũng cần học hỏi thêm các kỹ năng mới mẻ, thành thạo nhiều công việc khác nhau để có thể thích ứng và phát triển.
Tất nhiên, cũng có nhiều kiểu thanh niên slash khác nhau mà tiêu biểu nhất là 4 kiểu được Lý Thượng Long đề cập và phân tích kỹ trong cuốn sách. Đi kèm với đó, bạn đọc cũng nhận được những lời khuyên thiết thực, hữu ích, có 1-0-2 mà bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ.
Sách Đại Học Không Lạc Hướng
Trở nên tài giỏi trong một lĩnh vực chỉ với thời gian 1 năm
Một năm có thể thay đổi hoàn toàn một con người không? Lý Thượng Long trả lời: “Có thể, hơn nữa, một năm có thể hoàn toàn thay đổi con người một cách dễ chịu và nhẹ nhàng”. Tuy nhiên, vì sao chỉ cần 1 năm để thay đổi thôi, mà nhiều người đến cả 5 năm, 10 năm vẫn mãi chẳng thể bỏ đi 1 tật xấu, hay, trau dồi thêm một thói quen tốt mới?
Câu trả lời ở đây, nằm ở hai chữ “kiên trì”. Có người nói, kiên trì một ngày thì dễ, kiên trì một tuần cũng không khó, khó là kiên trì một năm. Tuy nhiên không hẳn vậy, ở Đại học không lạc hướng, tác giả đã xem xét cả về mặt quán tính của con người mà đưa ra nhận định: Kì thực kiên trì không quá khó, chỉ cần con người kiên trì được mười mấy ngày, quán tính sẽ giúp người đó hình thành thói quen, phần còn lại, giao cho thời gian. Vậy thì bạn hoàn toàn có thể kiên trì trong vòng 1 năm để thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình, và điều ấy sẽ còn thoải mái hơn nữa với những kĩ năng được tác giả Lý Thượng Long chia sẻ.
Sách Đại Học Không Lạc Hướng
Tinh lực - Điểm khác biệt mấu chốt của một người hiệu quả
Chúng ta đôi lúc không thể hiểu được tại sao mỗi ngày cùng có 24 giờ đồng hồ, có những người làm được hết việc này đến việc khác mà vẫn tràn đầy sức sống, còn có những người không làm gì nhưng hết sức bơ phờ, mệt mỏi. Đó là vì những người hiệu quả, vô tình hay hữu ý, biết cách quản lý tinh lực của mình, số còn lại, thì không. Vậy, tinh lực là gì?
Tác giả Lý Thượng Long đã nêu ra: tinh lực gồm có 4 phần, thể lực, tình cảm, tư tưởng và ý chí, được phân bổ từ thấp đến cao, cái này ảnh hưởng tới cái kia. Tinh lực là thứ chính yếu tác động đến hiệu quả, hiệu suất làm việc và học tập của mỗi con người. Vì vậy, nếu bạn học quản lý thời gian để trở nên hiệu quả hơn thì trước cả đó, bạn cần học quản lý tinh lực của mình. Ở cuốn sách Đại học không lạc hướng, bạn sẽ không những tìm được cách quản lý tinh lực mà còn học được cách duy trì, sử dụng và nâng tinh lực một cách có khoa học nhất.
Video phát hành
Cuối cùng, quan trọng nhất, hãy trả lời cho mình câu hỏi: “Nếu mai là ngày cuối cùng của bạn, có điều gì bạn hối hận vì chưa làm không?”. Nếu không, chúc mừng bạn. Còn nếu có, hãy cảm thấy may mắn vì câu hỏi vừa rồi bắt đầu bằng chữ “nếu”, và hãy thay đổi ngay trước khi quá muộn. Là một sinh viên đại học, rất nhiều người phải đối diện với “lạc lối”, “hoang mang”, “mất phương hướng”, nhưng cũng như một con thuyền ra khơi, nếu cứ mãi hoang mang không định hướng, con thuyền chỉ lênh đênh ngoài biển cả, không đích đến cũng không bến đỗ quay về. Vì vậy, ngay từ những năm tháng đại học, hãy đặt và trả lời những câu hỏi cho bản thân, để có một Đại học không lạc hướng rồi đến một Cuộc đời không lạc hướng, bạn nhé. Hãy để cuốn sách Đại học không lạc hướng và cuốn sách gối đầu giường của bạn cũng như coi tác giả Lý Thượng Long như một người đồng hành trên con đường tìm ra hướng đi của chính bản thân, bạn sẽ thấy không hối hận đâu.