Khóc thầm - Cha con nghĩa nặng
Hồ Biểu Chánh
(01/10/1885-04/09/1958)
Tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh
Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930.
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới…
Ông đã để lại cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ với hơn một trăm quyển tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo… Với lối viết bình dị, ngôn ngữ gần với lời nói thường ngày, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh luôn được nhiều thế hệ người dân Nam bộ đón nhận bằng một tình cảm đặc biệt và trân trọng.
Tác phẩm này gồm hai truyện như sau: Khóc thầm - Cha con nghĩa nặng
Trích đoạn Khóc thầm:
*Thu Hà gần chồng có mấy bữa thì thấy tánh ý chồng trái hẳn với tánh ý của cô. Hôm nay ngồi đàm luận việc công ích với nhau, lại thêm thấy khí phách của chồng không giống khí phách của cậu Tú tài đến nhà cô hồi tháng trước. Tuy cô buồn nhưng mà có Công Cẩn ở nhà, tối ngày cô theo nói chuyện chơi với em, nên sự buồn của cô còn có khuây lãng được chút đỉnh. Cách ít bữa sau, tới khai trường Công Cẩn đi học rồi, Thu Hà không còn người thân thiết mà hủ hỉ nữa, tự nhiên phải nói chuyện với chồng. Cô gần gũi chồng chừng nào, cô buồn duyên tủi phận chừng nấy. Vợ thì nắm chặt lòng thành thiệt, chồng thì chuốt ngót tiếng phỉnh phờ, vợ thì ăn một đọi nói một lời, chồng thì nói một đường tính một ngả. Vợ chồng dường ấy, làm sao mà gọi là loan phụng hòa minh.
Cô Thu Hà lấy làm bực bội trong lòng, nhưng mà cô không biết tỏ với ai được. Đã biết trong nhà có cha mẹ, mà nếu mình than thở với cha mẹ, thì làm cha mẹ buồn bực như mình nữa chớ không ích gì. Mà mình than thở làm chi? Mình than thở rồi sửa tánh ý chồng mình lại được hay sao mà than thở? Ôi thôi! mà hồng nhan bạc mạng, căn số vô duyên thì chịu, than thở làm chi.
* Cách ít ngày có trát tòa đòi Vĩnh Thái hầu, đặng tòa xử vụ tên Mau. Đến bữa đi hầu, Thu Hà đòi đi theo. Vĩnh Thái sợ vợ nghe những điều cáo gian trong đơn của chàng, rồi bất bình mà nói bậy giữa tòa thì mình có tội, nên chàng năn nỉ với vợ, xin vợ ở nhà, chàng lại hứa bướng rằng thế nào chàng cũng xin cho thằng Mau khỏi ở tù.
Thu Hà tuy khinh bỉ chồng, song không có lòng làm nhục chồng. Ban đầu cô muốn đi theo lên tòa đặng lóng tai nghe coi như chồng không thiệt tình, chồng còn khai gian mà hại thằng Mau, thì cô sẽ đối nại mà cứu nó. Mà rồi cô nghĩ hễ nín không được, cô nói ra thì còn gì chồng, dầu tòa không buộc chồng về tội đánh thằng Mau có thương tích và tội cáo gian cho nó đi nữa, thì chồng cũng mất thể diện với thiên hạ, cô là vợ mà cô khai tội ác của chồng trước mặt công chúng thì ai coi cô ra gì. Bởi cô nghĩ như vậy nên cô không đòi đi theo nữa.
Vĩnh Thái đi hầu đến trưa chàng mới về. Thu Hà nghe tiếng xe hơi vô sân, cô bước ra có ý muốn biết coi tòa có tha thằng Mau hay không. Vĩnh Thái thấy vợ thì cười ngỏn ngoẻn và nói rằng:
- Tôi xin hết sức mà không được. Tòa kêu án nó bốn tháng tù.
Thu Hà chau mày đáp rằng:
- Nó vô tội mà lập mưu hại được nó như vậy, coi mình độc ác là dường nào
- Tôi xin không được, tại tòa kêu án nó, chớ phải tại tôi hay sao?
- Dầu bữa nay mình có xin cho nó đi nữa, mình cũng không chuộc cái tội ác của mình được. Tôi sợ e mình không khỏi cái quả báo này đâu.
- Hứ, quả báo cái gì? Nó khinh khi tôi thì nó phải ở tù. Có vậy nó mới tởn.
- Nó dại nó nói bậy, thì mình đã đánh nó gần chết rồi, chưa vừa hay sao?
- Tôi không hiểu tại sao mà mình binh thằng Mau quá.
- Phải. Tôi binh thằng Mau. Tôi binh nó là vì nó vô tội. Duy có hạng nguời giả dối độc ác như mình đó thì mới không biết thương ai hết, cứ kiếm chuyện mà chặt đầu lột da người ta, biết hôn?
Vĩnh Thái rùn vai bỏ đi thay áo. Thu Hà ngó theo chồng, cô giận lung lắm.
Đến xế hai vợ chồng ông Hai Sửu dắt nhau ra kiếm Thu Hà mà khóc kể nỗi oan của con. Thu Hà đã động lòng mà lại bối rối, cô không biết liệu phương nào mà làm cho hai vợ chồng ông Hai Sửu bớt buồn, cô mới mở tủ lấy một trăm đồng bạc mà đưa cho và nói rằng:
- Việc đã lỡ rồi. Thôi, hai ông bà đừng có buồn, ở bốn tháng tù cũng không chết đâu mà sợ. Ai ngay ai gian có trời đất làm chứng cho. Vì nó ở với ba tôi nên nó mang hại đó. Vậy tôi cho ông bà một trăm đồng bạc mà thường bốn tháng tù đó.
Hai vợ chồng ông Hai Sửu lấy bạc đi về, mà cũng không hết khóc.
Trích đoạn Cha con nghĩa nặng:
* Trên trời vừng trăng tỏ rạng, trước sân sáng oắc như ban ngày. Trần Văn Sửu thấy thằng Tý ngồi chồm hổm dựa xó hè, gục mặt xuống đất. Anh ta bước lại hỏi: “Làm giống gì mà ngồi đó, con?”. Thằng Tý ngồi trơ trơ không trả lời. Anh ta kéo tay nó đứng dậy thì thấy mặt nó nước mắt chảy ướt dầm. Anh ta bèn hỏi nó rằng: “Sao con khóc vậy con? Con có đau bụng đau dạ gì hôn?”. Thằng Tý lắc đầu lia lịa, mà cũng không chịu nói tại sao nó khóc. Anh ta dắt nó trở vô nhà, biểu nó lên ván nằm ngủ, rồi anh ta cũng leo lên nằm một bên đó.
* Chừng Thị Lựu có nghén con Quyên, chị ta sanh sứa đòi cất nhà riêng mà ở. Trần Văn Sửu không bạc mà cất một cái nhà lá nhỏ ba căn, ở phía bên kia cầu, rồi vợ chồng dọn về mà ở.
Hương thị Tào thương con rể, muốn chúng nó ở chung hủ hỉ cho vui, mà Thị Lựu không biết nghĩ, đành bỏ cha mà ra tư ra riêng, làm cho Hương thị Tào phiền trong lòng, bởi vậy vợ chồng Trần Văn Sửu dọn về nhà mới, Hương thị Tào chẳng hề khi nào thèm bước chân tới cửa.
Trần Văn Sửu tánh thiệt thà hiền hậu, cứ lo củi lục làm ăn, không tranh hơn thua với ai hết. Còn Thị Lựu tánh bồng chành, bốc chách, cứ ăn no dạo xóm tối ngày, không lo giúp đỡ cho chồng mà cũng ít lo việc trong bếp. Đã vậy mà chị ta còn hỗn ẩu với chồng nữa, hễ chồng có nói động tới thì mắng chửi tưng bừng.
Vợ chồng tánh nết khác nhau như vậy mà ở với nhau được, ấy là vì Trần Văn Sửu mỗi việc mỗi nhịn luôn luôn, nhịn cho đến những việc vợ quấy mà cũng không dám nói. Thị Lựu thấy vậy lại càng thêm lừng, ở trong nhà muốn làm việc gì tự ý, đêm như ngày muốn đi đâu cũng tự do, nhứt là trong bốn năm sau đây, chị ta hay trang điểm, hay se sua, nhà thì nghèo mà không biết chị ta làm thế nào có quần áo mới mặc hoài, lại sắm tới vòng đồng, dây chuyền nữa.
Khi đẻ thằng Sung ra rồi, Trần Văn Sửu than với vợ không biết làm sao mướn ruộng cho được mà làm. Thị Lựu hứ một tiếng rồi nói rằng: “Khó dữ hôn! Anh Hương hào Hội hóa đất cho bà Hương quản Tồn cả ngàn công, như muốn làm thì ta nói với ảnh để cho ít chục công mà làm, chớ khó gì”. Trần Văn Sửu nghe vợ nói như vậy thì mừng nên xúi vợ đi hỏi đất liền. Thiệt quả Thị Lựu đi một buổi thì mướn được cho chồng ba chục công đất.
Từ đó đến sau, Trần Văn Sửu mới có ruộng mà làm, mỗi năm té chừng một trăm giạ lúa, vừa đủ cho vợ con ăn mà thôi, nên trong mấy tháng gặt rồi, phải đi làm thuê làm mướn, hoặc đắp đất, hoặc lợp nhà, hoặc chèo ghe, hoặc vác lúa mới có tiền mà mua sắm áo quần, xây xài với thiên hạ.
Mấy người chơn chất, từ miệt Giồng Ké xuống tới Phú Tiên ai thấy gia đạo của Trần Văn Sửu như vậy thì cũng cho là vô phước. Mà Trần Văn Sửu cứ an ổn lo làm ăn như thường, chẳng hề buồn rầu về nỗi vợ con mà cũng chẳng hề than phiền về sự cực khổ.
Biết thủ phận thì khỏi mệt trí, biết nhịn nhục thì được an thân. Ngặt vì người khôn ngoan dầu muốn cho lắm cũng khó làm được, bởi vậy cang thường hay tan rã, gia đình mới khuynh nguy.