“Gã luôn đi trước chúng ta một bước”
Lời đề tựa rất thu hút và chứa đầy sự mời gọi đối với những độc giả ưa thích thể loại tiểu thuyết tâm lý tội phạm. Và cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Italia Donato Carrisi, “Kẻ nhắc tuồng” thực sự là một tác phẩm không thể nào bỏ qua.
Một bức thư mật gửi từ Trại giam tới Văn phòng Chánh biện lý J.B. Marin đề cập đến trường hợp khẩn cấp về một phạm nhân kì lạ mang số tù RK-357/9 là sự mở đầu dẫn dắt độc giả đến với những bí mật khủng khiếp diễn ra ở hơn 500 trang tiếp theo sau đó: những vụ mất tích liên tiếp của năm bé gái, từ việc biến mất một cách bí ẩn cho đến việc đứa trẻ bị bắt cóc ngay trước mũi cha mẹ chúng. Cuộc điều tra tưởng chừng rơi vào bế tắc thì cũng là lúc sáu cánh tay trái của các nạn nhân được tìm thấy trong khu rừng vắng. Sáu đứa trẻ, thay vì năm và tung tích của đứa trẻ bí ẩn hoàn toàn không có, không thông báo mất tích, không danh tính, thân phận. Nhóm điều tra lúc này buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nữ chuyên gia về các vụ mất tích - Mila Vasquez. Đó cũng là lúc vở tuồng bắt đầu, các diễn viên đã đứng đúng vào vị trí và sau lưng họ, kẻ nhắc tuồng luôn đứng đó, thì thầm lời thoại cho vở bi kịch chết chóc. Hắn thì thầm rót vào tai những con người đang bị lung lay nhằm khơi dậy trong họ thứ khoái cảm quyền lực khi được nắm trong tay sinh mệnh kẻ khác. Hắn còn giật dây được cả những hành động của đội điều tra. Tất cả những người này đều là nghệ sĩ trên sân khấu của kẻ nhắc tuồng.
Khi Mila Vasquez, một nữ cảnh sát chuyên về các vụ mất tích, nhập cuộc với nhóm điều tra cũng là lúc vở kịch hạ màn theo cách tốt đẹp nhất có thể. Nhưng chính bản thân cô lại phải hứng chịu đau đớn nhiều nhất khi phát hiện ra một sự thật khác còn đau lòng hơn: những cảm xúc đã bị chôn vùi cùng với quá khứ của cô nay lại được “đánh thức”, và có lẽ cô sẽ không cần phải tìm đến những cảm xúc ấy bằng cách tự làm tổn thương mình, theo nghĩa đen nữa.
Câu chuyện được kể chủ yếu qua cái nhìn của nhân vật chính Mila, nhưng người đọc sẽ có cái nhìn đa chiều về quá khứ của nỗi đau khi bản chất của từng nhân vật dần được hé lộ. Người mà chúng ta tưởng rằng tốt hóa ra lại trở nên điên loạn, kẻ chúng ta không ưa lại khiến ta cảm thông, thương xót. Đặc biệt có những nhân vật lại đứng giữa ranh giới của tốt - xấu, đáng ghét - đáng thương, lạnh lùng - tình cảm.
Tác giả
Donato Carrisi sinh năm 1973 ở Ý, tốt nghiệp ngành luật và tội phạm học trước khi trở thành nhà viết kịch bản phim truyền hình. Cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay Kẻ nhắc tuồng của ông đã gây được tiếng vang lớn với năm giải thưởng Văn học quốc tế, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, và đưa tác giả lên vị trí “nhà văn Italia được đọc nhiều nhất trên thế giới”.
Dịch giả
Hoàng Anh, tên thật là Vũ Hoàng Anh, là dịch giả hai thứ tiếng Anh, Pháp. Bén duyên với công việc dịch thuật từ năm 2009, cho đến nay anh đã ra mắt bạn đọc gần 40 dịch phẩm và nhận được sự đánh giá cao không chỉ bởi nội dung hấp dẫn của tác phẩm, mà còn bởi khả năng chuyển ngữ trung thực và vô cùng khéo léo của dịch giả.
Trích đoạn 1
Trước mặt hai người mở ra một trảng đất trống được chiếu sáng bởi các luồng đèn rọi. Đúng là một miệng núi lửa. Hương rừng đột ngột biến mất, chỉ còn thứ mùi chua nồng đặc trưng xộc thẳng vào mũi hai người. Goran ngẩng đầu, để cho mùi chua tràn vào mũi. Mùi phenol, ông tự nhủ.
Rồi ông nhìn thấy chúng.
Những cái hố nhỏ nằm theo một vòng tròn, cùng khoảng ba chục người đàn ông trong bộ áo liền quần màu trắng đang đào bới dưới ánh đèn halogen ma mị. Họ được trang bị xẻng nhỏ và cọ để có thể làm sạch bụi đất một cách nhẹ nhàng. Vài người săm soi đám cỏ, trong khi những người khác chụp ảnh và lập danh sách mọi thứ tìm thấy. Những thao tác của họ chính xác, thành thục như bị thôi miên trong sự im lặng trang nghiêm chỉ thi thoảng bị gián đoạn bởi những tiếng đèn flash.
Goran nhận ra hai đặc vụ Sarah Rosa và Klaus Boris. Chánh thanh tra Roche nhìn thấy ông và lập tức sải những bước dài tiến lại chào, nhưng chưa kịp mở miệng thì Goran đã hỏi độp luôn:
- Có bao nhiêu cả thảy?
- Năm. Dài năm mươi, rộng hai mươi, sâu năm mươi centimét... Theo ông, người ta chôn gì trong những cái hố như thế?
Một thứ gì đó trong mỗi cái hố. Cùng một thứ.
Nhà tội phạm học nhìn ông ta, chờ đợi.
Câu trả lời đến ngay lập tức:
- Một cánh tay trái.
Goran quay ra nhìn mấy người mặc đồ bảo hộ trắng đang lúi húi làm việc giữa cái nghĩa địa lộ thiên quái gở. Lòng đất chỉ cung cấp những mảnh thịt đã bị phân hủy, nhưng nguồn gốc của thứ tội ác ma quỷ này chắc hẳn phải xảy ra đâu đó trước thời điểm phi thực tế và lửng lơ này.
- Là chúng à? - Goran hỏi. Nhưng lần này ông đã biết quá rõ câu trả lời.
- Theo phân tích mẫu ADN, chủ nhân của các cánh tay là những bé gái da trắng, tuổi từ chín đến mười ba...
Những bé gái.
Trích đoạn 2
“Chúng ta gọi chúng là quái vật, vì chúng ta cảm thấy chúng quá xa lạ với mình, nên chúng ta muốn chúng khác biệt”, giáo sư Goran từng nói như thế trong bài giảng của mình. “Ngược lại, bọn chúng hoàn toàn không khác gì chúng ta. Nhưng ta cứ thích chối bỏ suy nghĩ rằng một kẻ đồng loại với mình lại có thể tàn bạo đến thế. Tựa như một sự miễn tội cho bản chất của con người chúng ta. Những nhà nhân loại học gọi đó là “sự giải thể nhân cách tội phạm”, và đó thường là trở ngại chính trong việc nhận dạng một tên giết người hàng loạt. Một con người thì luôn có các điểm yếu và còn có thể bị bắt. Còn một con quỷ thì không.”