Kẻ dị biệt tại trường học phép thuật là một trong những series ăn khách nhất tại xứ sở Mặt Trời mọc. Tính tới năm 2019, bộ truyện đã phát hành tổng cộng 30 tập, tẩu tán được hơn 10 triệu cuốn sách chỉ tính riêng tại Nhật theo bảng xếp hạng doanh số light novel do Oricon công bố. Không dừng lại ở đó, series này đã được Mad House – một trong những studio nổi tiếng và chắc tay nhất – chuyển thể thành anime vào năm 2014, gây sốt không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Anime mùa thứ hai cũng đã chính thức được công bố và sẽ lên sóng vào cuối năm 2020. Phiên bản manga của bộ truyện này cũng rất thành công về doanh số bán. Cả phiên bản manga lẫn phiên bản light novel gốc đều đã được rất nhiều các nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền, dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, series đình đám này còn được chuyển thể thành video game.
Kẻ dị biệt tại trường học phép thuật lấy bối cảnh thế giới tương lai, khi mà phép thuật không còn là sản phẩm của trí tưởng tượng, truyền thuyết hay cổ tích nữa mà đã trở thành công nghệ có thật. Phép thuật được giảng dạy phổ biến tại các trường cấp ba và đại học, trong đó trường Trung học Đệ Nhất là trường cấp ba danh giá nhất trong số chín trường cấp ba trực thuộc Đại học Phép thuật Quốc gia. Tại ngôi trường này, có hai anh em cùng huyết thống là Tatsuya và Miyuki đang chuẩn bị bước những bước chân đầu tiên vào cuộc sống trung học tươi đẹp của mình.
Trong tập 6 này sẽ diễn ra “cuộc thi viết luận văn phép thuật dành cho học sinh trung học phổ thông toàn quốc”, hay còn gọi là “Khảo thí Luận văn”. Các đội sẽ thuyết trình và “biểu diễn” thành quả nghiên cứu hàng ngày của mình bằng thiết bị phép thuật. Đây chính là sân khấu tuyệt vời nhất để phô diễn kiến thức, kỹ năng, và cả những công nghệ phép thuật tiên tiến nhất.
“Kẻ dị biệt” Shiba Tatsuya cũng tham gia dưới danh nghĩa thành viên hỗ trợ cho Suzune – đại diện của trường Đệ Nhất. Cùng lúc đó, vài tổ chức đã bắt đầu bí mật hoạt động. Bọn chúng nhắm vào chính “thành quả”, năng lực và trí thông minh hiếm có của Tatsuya. Cuộc thi viết luận đang bị cuốn vào một âm mưu.
VỀ TÁC GIẢ
Sato Tsutomu
Sato Tsutomu sinh năm 19XX tại một miền quê hẻo lánh của Nhật Bản. Anh từng xem thể loại khoa học viễn tưởng về vũ trụ là lương thực để sống qua thời niên thiếu. Thời thanh niên Sato Tsutomu chuyển sang đam mê thể loại giả tưởng và tiểu thuyết truyền kỳ. Sau khi tốt nghiệp, anh bán linh hồn cho thế giới hiện thực trong vai trò một chiến binh công sở (dù chỉ là lính lác). Năm 2011, anh trở lại thế giới giả tưởng trên cương vị một nhà văn cho tuổi teen ra mắt muộn màng.
Minh họa: Ishida Kana
Ishida Kana sinh năm 19XX. Đây là lần đầu cô làm công việc vẽ minh họa. Công việc chính của cô là họa sĩ phim hoạt hình. Những tác phẩm điển hình trước đây của Ishida Kana là CODE GEASS: Lelouch of the Rebellion, Mobile Suit Gundam Unicorn (giám sát hình ảnh), Ore no Imoto ga Konnani Kawaii Wake ga Nai (đạo diễn hình ảnh)…
TRÍCH ĐOẠN
“Ý kiến của tớ về việc chúng ta nên chú trọng hơn vào thuật thức và lý luận cơ sở giống như Cardinal Code vẫn không hề thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là tớ không có hứng thú với các ứng dụng của kỹ thuật.”
“Có ai định xem nhẹ lý luận cơ sở đâu. Lý luận cơ sở là thứ cần được kiểm chứng chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro khi hiện thực hóa. Nó có giá trị hơn nghiên cứu lý luận chỉ để thỏa mãn mục đích nghiên cứu nhiều.”
“Kiểm chứng và nghiên cứu khác nhau chứ. Nghiên cứu là sáng tạo. Chỉ kiểm chứng không thôi sẽ thì không tiến lên được đâu.”
“Lý luận mà không có tác dụng gì cho con người thì chẳng có giá trị gì cả. Cái chúng ta cần là những lý luận có thể hiện thực hóa được cơ.”
“Cho dù bây giờ chưa hữu dụng, những nghiên cứu về lý luận cơ sở vẫn có thể sẽ đem lại kết quả lớn trong tương lai .”
“Một thành tựu lớn ‘có thể xảy ra’ trong tương lai không thể phủ nhận sự thật là những bước tiến mà chúng đang mang lại trong hiện tại quá nhỏ. Tương lai là thứ được tạo thành từ việc tích cóp những gì có trong hiện tại.”