Một cuốn sách mới về hướng nghiệp. Chúng ta có thực sự cần một cuốn sách nữa về nghề nghiệp không? Một thao tác tìm kiếm nhanh về sách liên quan tới lĩnh vực nghề nghiệp trên Amazon sẽ mang lại khoảng 100.000 kết quả. Những cuốn sách về tìm việc ư? Khoảng 40.000 đầu sách.
Nhưng Hướng nghiệp for dummies là một cuốn sách được tổ chức, sắp xếp tốt, chứa đựng nhiều sáng kiến cũng như thông tin mới và là một cuốn sách làm sáng rõ những vấn đề hỗn độn. Cuốn sách khai thác tối đa những thông tin không ngừng được mở rộng trong lĩnh vực hướng nghiệp đang ngày càng phát triển. Nó sẽ giúp bạn sắp xếp mọi khía cạnh trong sự nghiệp: từ việc phát hiện ra sức mạnh của bản thân đến cách thức để thành công trong công việc. Đó thực sự là một cuốn cẩm nang dẫn bạn đi từ đầu đến cuối con đường tìm kiếm và phát triển một nghề nghiệp.
Những người đi tìm việc phải cân nhắc ba câu hỏi: Tôi là ai? Tôi có thể làm việc ở đâu? Và làm thế nào để đến được đó? Rất nhiều cuốn sách về hướng nghiệp tập trung vào vấn đề thứ nhất và thứ ba, Hướng nghiệp for dummies không phải là ngoại lệ. Những chủ đề này được đề cập đến trong suốt cuốn sách.
Nhưng khi đề cập tới câu hỏi số 2, có một thông tin vô cùng tốt về việc “Có gì ở ngoài đó”. Đây là một chủ đề khó nhằn vì nó khá mênh mông và chưa được chuyên môn hóa nhiều. Đây chính là điểm để Hướng nghiệp for dummies tỏa sáng. Trong Phần 2: Danh mục nghề nghiệp, bạn sẽ được giới thiệu khoảng hơn 300 nghề thú vị, hấp dẫn.
Hai chương đặc biệt gây chú ý là Chương 6, “Nghề nghiệp trong nhóm STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học)” và Chương 7, “Nghề nghiệp trong nhóm STEM, con người hay chữ nghĩa”. Rất ít cuốn sách về lĩnh vực hướng nghiệp xử lý những vấn đề quan trọng này của tuyển dụng, và những hiểu lầm về nó, bao gồm cả hiểu lầm rằng các công việc trong nhóm STEM luôn sẵn có. Nhưng sau cùng, chẳng phải chúng ta vẫn nghe nói nhóm việc này luôn trong tình trạng thiếu nhân sự hay sao? Và rõ ràng Yahoo vẫn thường xuyên cho chúng ta biết rằng những công việc được trả lương cao nhất là trong nhóm STEM đấy thôi.
Sự thật là những công việc này đòi hỏi sự chuyên môn hóa cao, thường yêu cầu bằng cấp cao và không chỉ nằm gọn trong một chuyên ngành ngay cả khi nó được tóm lược trong một cụm từ viết tắt hấp dẫn là STEM. Công việc cho một cử nhân sinh vật học không giống với công việc cho một tiến sĩ vật lý hay một thạc sĩ toán học. Hai chương này sẽ làm sáng tỏ sự đa dạng của nghề nghiệp ở mỗi lĩnh vực, đồng thời bổ sung thêm điều mà tác giả gọi là “chỗ đứng phù hợp”: Những chuyên môn thú vị ít được biết tới biết đâu lại đáng được đầu tư. Những công việc như bác sĩ thực tập ung bướu, kỹ sư đóng gói hay các lập trình viên thực tế ảo có thể không phải là nghề đứng hạng nhất trong danh sách nghề nghiệp của Yahoo – nhưng những nghề này nên đứng ở vị trí đó. Và phần này không chỉ liệt kê danh sách cơ hội nghề nghiệp mà còn chỉ ra và đào sâu vào tư duy rằng chuyên ngành STEM cần phải phát triển để thành công, bao gồm cả một tư duy học thuật liên ngành và trí tuệ cảm xúc cao.
Cuối cùng thì Hướng nghiệp for dummies vượt xa phần lớn các cuốn sách về nghề nghiệp vốn chỉ cung cấp thông tin giúp người đọc thành công tại nơi làm việc khi có một vị trí nhất định. Cuốn sách này có lẽ là cuốn sách về nghề nghiệp duy nhất mà bạn cần nhằm hoàn thành việc tìm kiếm một công việc cho mình.
Mục lục:
Về tác giả
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
Phần 1: Định vị bạn trong thế giới công việc
Chương 1: Hiểu về thế giới công việc hiện tại và tương lai
Chương 2: Tìm ra những gì khiến bạn trở nên đặc biệt
Phần 2: Danh mục nghề nghiệp
Chương 3: Nhóm nghề nghiệp liên quan đến con người
Chương 4: Nhóm nghề nghiệp liên quan đến chữ nghĩa
Chương 5: Nhóm nghề nghiệp liên quan tới con người và chữ nghĩa
Chương 6: Nhóm việc sTEM
Chương 7: Nhóm việc STEM + con người hoặc chữ nghĩa
Chương 8: Công việc sử dụng đôi bàn tay
Chương 9: Các nghề tự do
Chương 10: Lựa chọn
Phần 3: Được đào tạo, học cách tự tin
Chương 11: Đào tạo chính quy
Chương 12: Đào tạo không bằng cấp
Chương 13: Vững chắc trong cảm xúc
Phần 4: Chốt được một công việc như ý nhanh hơn
Chương 14: Kỹ năng viết để có được một công việc như ý
Chương 15: Kiếm một “tay trong”
Chương 16: Cuộc phỏng vấn tuyển dụng thoải mái mà thành công
Chương 17: Một tuần (vất vả) để có công việc như ý
Chương 18: Thương lượng khôn ngoan
Phần 5: Thành công trong sự nghiệp
Chương 19: Trở thành nhân viên được yêu mến
Chương 20: Tự xây dựng thương hiệu
Chương 21: Kiểm soát những nỗi sợ không tên: thời gian và sự căng thẳng
Chương 22: Thay đổi ngành nghề
Chương 23: Tìm kiếm nền tảng của bạn
Chương 24: Điều gì đang đợi phía trước?
Phần 6: Danh sách mười điều
Chương 25: Mười cách tìm việc nhanh nhất
Chương 26: Mười lầm tưởng về sự nghiệp
Chương 27: Mười (+ 3) lời răn dạy
Index
Thông tin tác giả:
Marty Nemko đã huấn luyện về sự nghiệp cho hơn 5.400 khách hàng, với tỷ lệ khách hàng hài lòng lên tới 96%. Tờ San Francisco Bay Guadian đã vinh danh ông là Huấn luyện viên Sự nghiệp Giỏi nhất Khu vực vịnh San Francisco. Ông đã tham gia phỏng vấn trong hàng trăm số báo của New York Times và Los Angeles Times, và từng xuất hiện trong các chương trình như The Today Show và The Daily Show with Jon Stewart.
Trích đoạn sách:
Tìm ra những gì khiến bạn trở nên đặc biệt
Đôi khi, bạn chỉ muốn cảm thấy mình phù hợp. Nhưng khi lựa chọn một công việc, bạn có thể muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như: Mình có gì đặc biệt không? Công việc nào sẽ giúp mình được trả lương cao? Liệu tôi có được gọi đi làm không? Tóm lại, bạn sẽ hỏi một cách đơn giản nhất là: “Cuối cùng thì tôi là ai?” Chương này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.
“Cuối cùng thì tôi là ai?”
Những phần tiếp theo có thể giúp bạn xác định được khả năng, kỹ năng, mối quan tâm, giá trị và sở thích cốt lõi của mình.
Khả năng
Một cách để bạn khám phá ra khả năng cốt lõi của bản thân là hoàn thành các bước dưới đây.
1. Liệt kê thành tích của mình, từ lớn đến nhỏ, bắt đầu từ những việc hồi còn bé. Bước này có thể bao gồm cả việc gắn lại bánh xe cho chiếc xe đẩy hay khả năng tự học đọc, rồi cả việc có thể an ủi, dỗ dành một cô bạn đang khóc nhè khi còn học mẫu giáo.
Tiếp tục liệt kê cho tới hiện tại – lúc bạn đạt điểm A cho bài tiểu luận chẳng hạn, hoặc bạn đã đăng gì đó trên Instagram thu hút được rất nhiều lượt xem, hay việc bạn ứng cử vào vị trí chủ tịch câu lạc bộ, ứng dụng mà bạn đã phát triển, chuyến đi bạn đã tổ chức hay món đồ nào đó bạn đã thiết kế.
2. Bên cạnh mỗi thành tích, bạn hãy viết ra một hoặc hai khả năng chủ chốt đi kèm đã giúp bạn tạo ra được thành quả đó, như là: học nhanh, khả năng sửa các vật dụng bể, vỡ, gãy nhanh chóng hoặc là tìm lỗi trên các tập dữ liệu chẳng hạn.
3. Đánh một dấu sao bên cạnh những khả năng mà bạn muốn dùng nó cho nghề nghiệp của mình. Và bạn vừa xác định được những viên gạch quan trọng cho công cuộc lựa chọn nghề nghiệp của mình rồi đấy.
Kỹ năng
Từ khi vừa mới sinh ra, con người đã liên tục tiếp nhận các kỹ năng. Gần đây hơn, có thể bạn vừa học được cách điều hành một cuộc họp, cách thao tác hồi sức tim phổi, hay truy vấn dữ liệu bằng framework Hadoop chẳng hạn. Trong phần này, tôi sẽ giúp bạn xác định một hay nhiều kỹ năng mà bạn muốn sử dụng cho công việc của mình.
Việc bạn chưa có một kỹ năng đặc biệt nào đó là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn có thiên hướng và mong muốn nào đó, bạn có thể phát triển được một kỹ năng. Ví dụ, nhiều người sợ việc phát biểu trước đám đông lại trở nên rất giỏi việc đó. Tôi có đưa ra một kế hoạch giúp từng bước phát triển các kỹ năng nói trước đám đông ở Chương 20.
Ghi nhớ: Có kỹ năng tốt ở một việc gì đó không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ muốn dùng kỹ năng đó cho sự nghiệp của mình. Giả dụ bạn rất giỏi chào hàng nhưng bạn lại không thích trở thành nhân viên bán hàng. Không vấn đề gì! Chỉ việc cho nó ra khỏi danh sách của bạn là được. Bạn chỉ nên đưa vào danh sách những kỹ năng mà bạn thật sự muốn dùng trong công việc.
Những kỹ năng này sẽ rơi vào một trong năm danh mục sau:
» Kết nối: Giỏi việc động viên hoặc an ủi, thuyết phục, xoa dịu hay chỉ dạy cho người khác, hoặc giả như bạn là một người dễ lập đội với người khác.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bản thân là một người mang tính cách “quần chúng” đi nữa, chưa chắc bạn đã giỏi tất cả những việc kể trên. Vì vậy, để biết kỹ năng kết nối nào là điểm mạnh của bạn, hãy liệt kê vài thành quả mà bạn đã tạo ra từ ảnh hưởng của mình lên người khác. Bạn có thấy điểm nào chung không?
» Ngôn ngữ: Một vài người rất giỏi viết, đọc những tài liệu phức tạp, nói chuyện với một hay một nhóm người, cũng có vài người may mắn giỏi tất cả những kỹ năng này.
Hãy nhớ rằng hiện tại bạn không nhất thiết phải thành thạo bất cứ kỹ năng nào trong số này. Nếu bạn thấy rằng mình có tiềm năng và có động lực để làm những việc này thì hãy cho chúng vào danh sách.
Vậy, có kỹ năng nào liên quan tới ngôn ngữ mà bạn muốn dùng cho công việc của mình không?
» Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM): Những kỹ năng có giá trị nhất trong các loại ngành nghề này là toán học cao cấp, lập trình phần mềm và có kiến thức sâu về lĩnh vực khoa học nào đó – cấu trúc gen thực vật, hóa học thực phẩm hay vật lý học laser chẳng hạn. Bạn có giỏi (hoặc cảm thấy mình có thể cố gắng đạt được) một hoặc một vài kỹ năng trong số đó không?
» Thực hành (Hands-on): Bao gồm cả những kỹ năng thiên về nghệ thuật – như chỉnh sửa khung mẫu một website để khiến nó trở nên hấp dẫn, độc đáo hơn, và những việc chuyên môn hóa như cài đặt hay sửa chữa robot công nghiệp.
Một vài người giỏi các kỹ năng này trong những việc có quy mô nhỏ hơn như đồ trang sức, thợ đúc khuôn hay sửa iPhone. Có người lại giỏi những việc ở quy mô lớn như hệ thống sưởi, sửa chữa xe tải hay đóng đồ nội thất…
Bạn thì sao? Bạn có thấy mình có kỹ năng thực hành đặc biệt nào có thể sử dụng cho công việc không? Nếu có thì là kỹ năng gì? Hay bạn cũng giống tôi: Khi cái gì đó hỏng hóc, ý nghĩ đầu tiên là gọi thợ đến sửa?
» Kinh doanh: Bạn nghĩ mình có thể xác định được những nhu cầu chưa được thỏa mãn và đáp ứng những nhu cầu đó, đồng thời kiếm được một khoản lợi nhuận nhất định từ việc này không? Bạn cũng cần biết cách mua rẻ, bán đắt và nghệ thuật thuyết phục để khiến nhà cung cấp bán rẻ, người mua trả hậu hĩnh, và tất cả những điều này vẫn nằm trong khuôn khổ đạo đức của bạn. Nếu câu trả lời là Có thì bạn có xác định kinh doanh như một kỹ năng mà bạn muốn sử dụng trong sự nghiệp của mình không?
Ghi nhớ: Bạn không cần phải tự mình làm chủ mới có thể kinh doanh. Các tổ chức lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều chào đón những người có thể nhận biết một món lợi mới và khiến nó thực sự sinh lời.