HOÀNG HÔN CUỐI - Trần Hoài Sơn
Một câu chuyện đời, như cách tác giả trình bày bằng những con chữ thản nhiên, nhưng đầy xa xót, như chuỗi đomino lỗi một nhịp mà đổ rạp cả hàng. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Hoàng hôn cuối - mới vào những trang đầu đã khiến người đọc chuẩn bị tâm thế để bước vào một câu chuyện dài, mà Địa ngục có mười tám tầng, và nàng mới bước xuống tầng thứ nhất.
Tầng thứ nhất, hay lần lượt từng tầng cho đến tầng mười tám, đều dường như quanh quất đâu đây những số phận của hiện thực cuộc sống. Dường như họ không có lối thoát. Dường như họ bị bỏ rơi, như chuỗi hạt nhân gian bị đứt tung, văng đâu đó, cô đơn quạnh quẽ… Đây là câu chuyện của thực tế. Những người phụ nữ bị bán qua biên giới, bị ép làm gái mại dâm, bị ngược đãi. Chọn cốt truyện này, tác giả đã mạnh dạn phơi bày những ẩn sự phía sau xã hội Việt Nam hiện đại, trong hành trình xây dựng phát triển. Nơi có chỉ số hạnh phúc cao. Nhưng cũng là nơi có những số phận éo le, do cuộc đời xô đẩy vào những vùng khuất tối; không tự vượt thoát, hay không muốn vượt thoát; do thói quen, hay do sự trì níu của thói quen? Có thể thấy tính cách thụ động của nhân vật qua những miêu tả của tác giả: “Không cầu xin. Không dông dài. Hỏi gì đáp nấy. Dù tâm có đau đớn cách mấy nàng cũng ý thức được hoàn cảnh của mình. Nàng đã bị lừa bán vào động quỷ rồi…”
Và tác giả đặt nhân vật nàng giữa những luồng vô năng vô định cõi hỗn mang, đẹp mà u tối, bền gan nhưng thụ động, hiểu biết nhưng đưa chân. Tác giả, với khả năng nhận thức giáo lý Nhà Phật, đã lý giải nhân sinh theo cách của mình: “Nàng - cũng như bao kiếp người, như một câu hỏi muôn thuở mãi vẫn chưa có câu trả lời trong Phật Giáo: “Nếu tự tại tạo tác ra chúng sinh, thì ai tạo tác ra tự tại? Nếu tự tại tự tạo tác lấy mình, thì không phải, cũng như vạn vật không thể tự tạo tác lấy mình được. Nếu có kẻ khác tạo tác ra mình thì không gọi được là tự tại nữa. Nếu là tự tại tạo tác ra vạn vật, thì tạo tác vạn vật ở chỗ nào?”.
Đứng trước số phận, kỳ thực, ai cũng phải cúi mình, bất lực trước vô thường…” Nhân vật nàng bị bán qua biên giới để làm gái bán hoa. Với những cảnh luống xảy ra trên đất người. Với những nhân vật đồng lúc trình diện bản chất hình hài, mỗi người mỗi số phận. Nhưng đều thuộc hạng bần cùng dưới đáy xã hội. Dù vẻ ngoài của họ được đeo bọc vàng bạc, xa hoa. Hay những trăn trở, hy vọng, đau khổ, mơ hồ, chấp nhận… của những cô gái bán hoa rẻ tiền bị trói chặt bằng những thủ đoạn của chủ chứa. Nhưng nàng cũng có được hạnh phúc đích thực. Khi một người đàn ông của định mệnh đã nói câu: Anh muốn dẫn em về ra mắt gia đình anh. Hạnh phúc là điều luôn sáng rỡ, có thật. Chỉ có nàng là không thể đón nhận hạnh phúc đời thường.
Câu chuyện dài được kết thúc bằng hình ảnh nhân vật được giác ngộ, được dẫn dắt hướng tới cõi Niết Bàn: “Trong ánh le lói cuối cùng của buổi hoàng hôn, nàng nghe tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng rồi rơi rớt xuống ánh chiều hôm ấy, sau đó tan loãng vào cõi tĩnh tịch hư không. Vạn vật dường như cũng cộng hưởng cùng từng hồi chuông chùa mà lắng đọng một dáng vẻ an nhiên và trầm mặc. Trong cái bao la của đất trời, trước sự vĩnh hằng của vũ trụ, cuộc đời, phải chăng chỉ như một hơi thở rất nhẹ và mong manh, chỉ một thoáng qua là biến mất, tịch không vết tích? Chuông chùa, lại như lời nhắn nhủ của Đức Phật từ bi và thông tuệ: “Tất cả những gì theo duyên khởi cũng đều theo duyên diệt”
Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng chuỗi thiên thơ, như mô tả lại cảm xúc của chính tác giả với nhân vật của mình: Buổi vô thủy bụi trần rũ sạch Nghiệp âu là, đâu trách chi ai Kiên cường hướng đến ngày mai Nguyện xin núp bóng Phật đài chở che. Dùng thể loại ngôn tình ngược luyến (tình tiết khiến người đọc rơi lệ, vì nhân vật chịu khổ vì tình, hoặc bị người khác chèn ép ngược đãi không ngóc nổi đầu, mang tâm bệnh…), cây bút trẻ Trần Hoài Sơn lần đầu tiên trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, tự tin câu chữ, quyết liệt ý tưởng, bằng những chương những trường đoạn như những bức tranh phức hợp đan xen; dẫn người đọc đi trên lối đi hẹp, nhưng đầy hỗn mang cõi sống. - Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Lời bình từ nhà văn Sơn Paris “Tôi bị cuốn vào nhịp thở của từng đoạn, từng khúc, tới nỗi đắm đuối, tới nỗi ngụp sâu trong cơn đau, trong tủi hờn, trong ánh hoàng hôn đầy xót xa của “Nàng”… Lâu lắm rồi mới có một cây bút trẻ tái hiện chân thực và nghệ thuật đến thế về cuộc đời của nhân vật. Giọng văn rất lạ và mùi thơ thì tinh tế! Tôi không biết anh ấy đã sống cùng tinh thần và cảm xúc của “Nàng” bằng cách nào, nhưng chắc chắn rằng, bất cứ ai đọc “Hoàng hôn cuối” cũng sẽ bị “ám ảnh” như tôi… Một sự ám ảnh phiêu lưu, tưởng mơ hồ mà lại đau đáu nơi lồng ngực…”
- Nhà văn Sơn Paris-