Hỗ Trợ Cuộc Sống - Montessori Vượt Ra Ngoài Lớp Học
Phương pháp Montessori trong ấn phẩm Hỗ trợ cuộc sống - Montessori vượt ra ngoài lớp học giúp trẻ em:
▪ Phát triển thể chất và tâm trí ở mức độ tốt nhất
▪ Hòa nhập vào thiên nhiên và xã hội mà không vướng những rào cản, định kiến
▪ Lan tỏa trí tuệ cũng như tình yêu thương ra cộng đồng một cách tích cực, hiệu quả
Song không chỉ có vậy, cuốn sách này được ghi chú là dành cho độ tuổi từ 0-90+, nó thực sự hướng đến những người lớn không ngại học hỏi và mong muốn được góp sức trên con đường giáo dục, thậm chí hướng đến những người già mắc một số chứng bệnh như suy giảm trí nhớ, mất khả năng tự chăm sóc bản thân v.v. Nhìn chung, đối tượng của cuốn sách rất rộng, bởi vậy tác giả Susan Mayclin Stephenson có chủ ý khi chia nội dung thành những phần nhỏ và cụ thể, dựa theo từng địa điểm mà bà đã đến làm việc, tổ chức – hướng dẫn thực hiện phương pháp Montessori “nguyên bản”: từ Peru tới California, từ Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ tới Nga, Maroc, Thái Lan, London v.v. Bằng những hoạt động chia sẻ tinh thần Montessori, phương pháp sư phạm Montessori, Susan chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng chúng ta có thể lĩnh hội và áp dụng những nguyên lý giáo dục này ở rất nhiều nơi (không biên giới), dù nơi đó là một tiểu bang đông đúc, phát triển bậc nhất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, là thủ đô giàu tính lịch sử - văn hóa của nước Anh hay là một quốc gia xa xôi nằm kín trong lục địa tại vùng Himalaya (Nam Á), hoặc một khu vực tự trị còn nhiều khó khăn, trở ngại:
“Các ngôi làng tọa lạc ở những khu vực rất khó đi, bị cô lập về địa lí, ở rất cao (có thể lên đến 4.267m). Các em phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt, không có đường đi thuận tiện, không có điện, nước, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại, điện thoại hay Internet, chế độ chăm sóc y tế hay trường học.”
Bà Susan trình bày ý tưởng về “Montessori vượt ra ngoài lớp học” với phạm vi liên tục rộng mở từ cả ranh giới vật lí đến khía cạnh tinh thần và tầm nhìn, khiến chúng ta hầu như đều cảm thấy kinh ngạc. Điều cốt lõi giúp tác giả gặt hái được nhiều thành quả trên thực tế như vậy chính là nhờ cội rễ nguyên-bản, chứ không phải nhờ những học cụ đắt đỏ hay những không gian được bố trí cầu kì:
“Nếu người lớn không được đào tạo bài bản và không phù hợp với chuyên ngành này thì dù có một bộ học cụ Montessori chất lượng cao nhất cũng không có Montessori nguyên bản. Nhưng khi một người được đào tạo bài bản, phù hợp với chuyên ngành này, việc tạo ra Montessori nguyên bản mà không có học cụ là hoàn toàn khả thi”.
Sự nguyên bản nói trên, nếu chúng ta hiểu đúng, thì không hề “cứng nhắc” mà lại linh hoạt, cực kì sáng tạo. Căn cứ vào điều kiện của môi trường, hoàn cảnh, hay sâu sắc hơn là yếu tố văn hóa (tính bản địa), các giáo viên, chuyên gia Montessori sẽ chủ động đề xuất những hoạt động phù hợp, chẳng hạn:
“Tôi chia sẻ trải nghiệm của mình khi dạy một lớp trẻ em cùng độ tuổi ở Lima, Peru mà không có học cụ Montessori. Sau đó, tôi đề xuất việc mở rộng chủ đề trong các bài tập để tích hợp những ví dụ về văn hóa địa phương của Maroc. Aicha và tôi nói về giá trị của đời sống thực tiễn cũng như của việc cho trẻ tham gia nhiều hơn vào hoạt động chăm sóc ngôi trường, lớp học và môi trường ngoài trời.”
Vì lẽ đó, cuốn sách Hỗ trợ cuộc sống - Montessori vượt ra ngoài lớp học của bà quả thực khác biệt so với hàng loạt ấn phẩm về phương pháp Montessori. Tác phẩm được yêu mến, thậm chí được nhiều độc giả coi như “cẩm nang” để thực hành các nguyên lí do bác sĩ Maria Montessori đề ra sao cho đúng hướng, bền lâu. Bản thân Susan Mayclin Stephenson cũng miệt mài, nỗ lực dành hàng chục năm trời (tạm tính tới nay: 50 năm làm việc ở hơn 30 quốc gia) kiểm chứng tác dụng của phương pháp sư phạm này đối với trẻ em, người lớn, người già, và nâng lên hơn nữa là với cộng đồng, lãnh thổ.
Đọc và nghiền ngẫm từng phần trong sách (được trình bày như một dạng ghi chép, nhật kí), chúng ta có thể thấy “ánh sáng” cho ngay cả các em bé khiếm thị (phần Chữ nổi không biên giới). Con người thật ở đây là Kyila – một cô gái khiếm thị sống ở Tây Tạng – sau khi tiếp cận phương pháp Montessori thì chẳng những đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống: tự mặc đồ, tự dọn giường, tự ăn và tắm, học cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh... mà còn mở được một trường mầm non hòa nhập đầu tiên tại Trung Quốc mang tên Những đứa trẻ Kyikyi. Phương châm của ngôi trường này là: “Hãy trao quyền cho người khiếm thị trước khi họ trở nên tàn phế”.
Qua trang sách, chúng ta cũng chứng kiến cơ hội được nâng cao chất lượng cuộc sống của những trẻ khuyết tật thể chất nặng, dù chỉ từng chút, từng chút một, như em Pavel ở nước Nga xa xôi – Pavel ra đời với dị tật nứt đốt sống và chưa bao giờ học đi, chưa bao giờ sử dụng bàn tay, hay nói. Thế rồi Pavel được đưa tới căn phòng Montessori lần đầu tiên: “Pavel quan sát cẩn thận khi người lớn chỉ cho em các bước dùng khăn lau mặt bàn, cuối cùng, em đã cố gắng nhấc bàn tay của mình lên và với tới học cụ. Đây là nỗ lực đầu tiên của em khi sử dụng cả bàn tay để thực hiện một công việc mang tính lặp lại và thực tế”. Đáng kinh ngạc thay, chàng trai này vừa tiến bộ trên phương diện hoạt động thể chất vừa có bước tiến đối với tư duy: “Pavel vẫn còn đang phát triển ngày một nhiều hơn khả năng kiểm soát đôi bàn tay, em đã học cách sử dụng nhiều học cụ, truyền đạt suy nghĩ của mình và dùng máy tính để mày mò, nghiên cứu. Em học cách nghiên cứu trên Internet và dù di chuyển rất hạn chế, em đã tiến bộ vượt trội trong nhiều môn học thuật”.
Ngoài ra, có một điều đặc biệt rằng dù hết sức tập trung vào trẻ em, vào thanh thiếu niên – thế hệ kiến tạo tương lai song tác giả Susan cũng không quên lớp người già. Từ góc nhìn thực tế và nhân hậu của mình, Susan tái khẳng định phương pháp Montessori có thể hỗ trợ người cao tuổi: “Mục tiêu của chương trình Montessori là hỗ trợ những người già và người đang sống với chứng đãng trí bằng cách tạo ra môi trường được chuẩn bị, chứa đầy những công cụ hỗ trợ trí nhớ, cho phép các cá nhân chăm sóc bản thân, người khác và cộng đồng của họ...”
Khi chính thức giới thiệu cuốn sách Hỗ trợ cuộc sống - Montessori vượt ra ngoài lớp học ở Việt Nam, chúng tôi tin rằng đây là một tác phẩm truyền cảm hứng bền lâu giúp quý độc giả nảy sinh nhiều suy ngẫm, là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị thôi thúc những thực hành Montessori hướng tới trẻ em, trẻ khuyết tật và cả người cao tuổi.
Về tác giả Susan Mayclin Stephenson:
MỘT TƯỢNG ĐÀI CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG LỚN NHẤT TRONG CỘNG ĐỒNG GIÁO DỤC MONTESSORI ĐƯƠNG ĐẠI
Trong hành trình 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, Susan Stephenson đã sống ở 5 châu lục, đi đến hơn 70 quốc gia, hoạt động giảng dạy, cố vấn tại hơn 35 nước. Tác giả từng cố vấn cho nhiều trường Montessori, trại mồ côi, trường cho người tị nạn - có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cả những trường không có học cụ Montessori.
Bên cạnh đó, Susan là khách mời cố vấn chính phủ cho các chương trình giáo dục quốc gia của Thái Lan, Mông Cổ, Peru, Colombia, Nga và Romania.
Tác giả viết hơn 13 cuốn sách được đánh giá là “bộ sách Montessori nhập môn hay nhất”. Sách của Susan được dịch ra hơn 14 thứ tiếng, và làm sách giáo khoa trong những môn học về sự phát triển con người tại các trường trung học Montessori trên toàn thế giới.