Hiếu - Thở Cho Ba, Mỉm Cười Cho Má
Chứa đựng những phương pháp có thể thực hành cùng nhau, để hóa giải những khổ đau cũ, để có thể “vượt thắng giận hờn”.
Cơ hội để thực hành biết ơn sự có mặt của cha mẹ trong cuộc đời, để thành thật với cảm xúc của bản thân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhân vật có thể đưa đạo vào đời một cách rất chân thực, rất gần gũi thông qua các buổi chia sẻ, pháp thoại, pháp đàm,… Với lối dùng ngôn từ mộc mạc, giản dị, nhưng những giáo lý được gửi gắm trong bản thảo lại sâu sắc và đáng suy ngẫm vô cùng!
Như Sư ông từng dạy, “Tu là Hiếu”! Chỉ một câu ngắn gọn như thế, nhưng lại khiến người nghe, người đọc phải lắng lại rất lâu để tự quan sát chính nội tâm của mình, hòng tìm ra câu trả lời xác đáng nhất, tìm thấy con đường đi phù hợp nhất để bản thân mỗi người có thể thực hành một cách đúng đắn với chính mình và hài hòa với mọi người xung quanh.
Nhân mùa Vu Lan 2024, Công ty Cổ phần Văn hóa Công nghệ Tuệ Tri kết hợp cùng nhóm thực hiện Simple Books giới thiệu đến độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ, quyển sách “Hiếu – Thở cho Ba, mỉm cười cho Má”. Nội dung sách được cấu trúc thành nhiều phần nhỏ, chia sẻ về những sự thật buồn liên quan đến việc truyền thông đứt gãy tạo nên khoảng cách trong gia đình, khiến một số bạn trẻ mất phương hướng; một số nội dung dành cho cha mẹ, một số dành cho người làm con; và trên hết, đó là những gợi ý để mọi thành viên trong gia đình có thể thực tập cùng nhau, nhằm biến không khí trong gia đình trở nên hòa thuận, êm ấm. Quyển sách như một món quà nhắc nhở cho chúng ta biết bản thân mình đã, đang và được thụ hưởng sự tuyệt vời từ tình thương không bờ bến của cha mẹ. Có biết trân trọng hay không là tùy thuộc ở chính chúng ta!
Dựa trên tinh thần hiểu và thương, cùng lời nhắc nhở về giá trị sâu sắc của tình cha mẹ, cuốn sách “Hiếu – Thở cho Ba, mỉm cười cho Má” đưa ra những thực tế vốn đang tồn tại trong xã hội hiện đại này theo cách trung dung nhất; để trước những hiện thực xã hội đó, chúng ta sẽ tự hỏi mình có phải “đứa con khó dạy” không? Hay thậm chí, là vấn đề quá khứ của cha mẹ, nhưng lại có liên hệ trực tiếp đến chính chúng ta ở hiện tại này; và từ đó, ta suy ngẫm về cách để cùng cha mẹ hóa giải những khổ đau cũ, để có thể “vượt thắng giận hờn”.
Như trong đoản văn “Bông hồng cài áo” mà Sư ông đã viết, “tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành”; vấn đề là nếu chúng ta không hiểu sâu sắc được thì không có nhiều cơ hội để thụ hưởng sự ngon lành này. Hiểu sâu sắc là thấy được ta là sự kế thừa, thấy được “con có cha có mẹ” là một sự thật không ai có thể chối bỏ. Đó mới là hiểu đúng về ý nghĩa của “bông hoa màu hồng cài trên ngực áo” mỗi mùa Vu Lan.
Một giá trị sâu sắc và xuyên suốt quyển “Hiếu – Thở cho Ba, mỉm cười cho Má” nữa, đó là sự tương tác giữa cha mẹ và con cái. Nên, không chỉ nhắc nhở những người làm con hiểu đúng, hiểu sâu và thực hành việc tiếp nối một cách đẹp đẽ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn nói về việc người làm cha, làm mẹ nên thay đổi góc nhìn ra sao.
Nếu cha mẹ không hiểu xu thế phát triển của thế hệ các con thì làm sao có thể “thiết lập truyền thông trong gia đình” được? Và nếu không có truyền thông lành mạnh thì làm sao cha mẹ có thể cho con được “tình thương mang tên tuệ giác”? Cha mẹ cũng cần thực tập rất nhiều, để trở thành người bạn đồng hành của con, để cùng con có được “hiện pháp lạc trú”, để dạy cho cách “gạn lọc nhiễm ô” trong thói quen hằng ngày.
Bằng những ví dụ rất gần gũi trong mối quan hệ gia đình, giữa cha mẹ với con cái, người đọc có thể hiểu việc “học vô thường để có chánh kiến”, tức có cái nhìn đúng đắn nhằm tiếp cận dễ dàng và thực hành việc “đưa vô ngã vào đời”. Hai khái niệm “vô thường” và “vô ngã” không còn xa lạ nữa, cũng không còn được nhìn theo góc độ tôn giáo mà là những nội dung bất kỳ ai cũng có thể lĩnh hội để thay đổi dần cách nhìn, cách sống của mình, để cùng người thân có được “khoảnh khắc an lạc cùng nhau”.
Những độc giả hữu duyên sau khi đọc xong “Hiếu – Thở cho Ba, mỉm cười cho Má”, sẽ có thêm cơ sở để cởi mở hơn từ góc nhìn, để điều chỉnh lời nói thành ái ngữ, điều chỉnh hành động từ chưa lành mạnh sang dễ thương…, giúp người trẻ tin vào hạnh phúc gia đình, để họ không trở thành “những con ma đói tình thương” lang thang tìm một chỗ dựa.
Hy vọng bất kỳ ai hữu tình cầm trên tay quyển sách này cũng hiểu thật sâu sắc “thông điệp mùa Vu Lan”, cũng có thể “định lại và nhìn nhau” để trao tặng đóa hoa hồng tươi thắm cho mẹ, cho cha nhân ngày báo hiếu!