Hẹn Ngày Ta Gặp Nhau Ở Đỉnh Cao
“Cái gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn” - một trong những thông điệp được gửi gắm trong cuốn sách Hẹn ngày ta gặp nhau ở đỉnh cao. Thông qua 5 phần của Hẹn ngày ta gặp nhau ở đỉnh cao, người đọc sẽ được lắng nghe những câu chuyện rất đời thường và thấy bản thân mình trong mỗi nhân vật.
Nội dung cuốn sách Hẹn ngày ta gặp nhau ở đỉnh cao
Phần 1: Sự dũng cảm có thể đưa tôi đi xa hơn, khiến tôi kiên cường hơn.
Phần 2: Cuộc đời là một bộ thuật toán và một loạt sự lựa chọn.
Phần 3: Ngay lúc này đây, mãi mãi là thời khắc bạn trẻ trung nhất.
Phần 4: Cảm xúc có thể thấp nhưng lý tưởng phải cao.
Phần 5: Món quà thời gian tặng bạn chính là ý nghĩa của sự kiên trì.
Ở tuổi thiếu thời, ai trong chúng ta cũng muốn thành người lớn. Nhưng đến khi thực sự đã trưởng thành, nhiều người lại mong mãi mãi được là một đứa trẻ.
“Trẻ con nói chuyện yêu ghét, còn người lớn chỉ so sánh giá cả”. Càng lớn, con người càng đặt nặng vấn đề kinh tế. “Tiền” gần như chi phối mọi thứ trong cuộc sống, tiền cũng có thể làm thay đổi ước mơ và mục tiêu sống của cuộc đời. Một bộ máy làm việc cũng chạy theo dòng tiền, để rồi giá cả tăng lên nhưng chất lượng đi xuống, tiếng xấu nhiều hơn, khách hàng cũng đi mất.
Tiền có phải là tất cả không?
Nhưng tiền không phải tất cả, trên đời còn có nhiều thứ quan trọng hơn tiền. Tình thân, tình yêu, sức khỏe, hạnh phúc… những điều không thể đong đếm được bằng tiền.
“Bạn ở đâu thì hãy sống một cuộc sống như thế, nếu khát vọng của bạn đủ lớn, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn; nếu khát vọng của bạn không lớn, sống như một con cá muối cũng có làm sao đâu?”
Thực vậy, đừng bắt một con cá phải trèo cây, một con chim phải bơi lội. Nếu bạn hát hay, sân khấu với ngàn tiếng vỗ tay mới là điểm đến của bạn. Nếu bạn chỉ muốn một cuộc đời an ổn, không tranh giành, hãy sống như vậy, miễn là vui vẻ.
Đừng nhìn vào sự hơn - kém về tiền bạc, sống một cuộc sống không vô nghĩa mới thực sự là cuộc sống có giá trị. Nhưng thế nào mới gọi là cuộc sống ý nghĩa? Ở cuộc sống ấy, chúng ta không nhất định phải thật giàu có, không cần làm ông to bà lớn nhưng phải sống thật hạnh phúc, mỗi ngày thức dậy đều cảm thấy yêu đời, yêu người và tạo nên giá trị.
Tiền đề của sự thành công và hạnh phúc là trí tuệ.
Có dữ liệu - có thông tin - có kiến thức rồi đến tầng cao nhất là trí tuệ. Có trí tuệ để biết đúng sai, để phân tích logic, để hiểu được thiệt - hơn của sự lựa chọn. Và hơn hết, đừng học cách đổ lỗi, thay vào đó, hãy thích ứng.
Thời kỳ đại dịch bùng nổ, kinh tế trì trệ, thế giới “đóng cửa” một thời gian, quả thực ai cũng gặp khó. Nhưng nhiều người đã biết cách vượt lên từ những trở ngại, trong khi số khác chỉ biết thở dài lắc đầu.
Những thay đổi sau tuổi 30 - thời gian không chờ đợi một ai
Trước 30 tuổi, chúng ta luôn nghĩ mình còn trẻ, mọi thứ vẫn có thể từ từ. Nhưng sau 30 tuổi, nhiều người giật mình nhận ra “cuộc đời đã bước sang trang mới”, trang của độ tuổi trung niên.
Sau 30 tuổi mới thấy nhiều áp lực, áp lực thành công, áp lực trang lứa, áp lực kinh tế… Liệu những người thất bại có thể bắt đầu lại ở độ tuổi 30? Không bao giờ là muộn để bắt đầu. Ở năm 30 tuổi, bạn không còn sung sức như hồi trẻ nhưng khi nhiệt huyết vẫn còn, niềm đam mê vẫn có, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu. Làm những điều mình thích, yêu những điều mình làm, miễn là điều đó tích cực và có ý nghĩa. Để nếu sau này vô tình gặp lại bạn cũ, chúng ta đều vui vẻ, tự tin, mỉm cười chào nhau và gật đầu cho biết chúng ta rất hạnh phúc.
Không ai có thể đánh bại thời gian, càng không thể quay ngược thời gian. Nhưng điều chúng ta có thể làm là khiến bản thân trở nên tốt hơn và xứng đáng với thời gian. Chúng ta đi từng bước, dù chậm nhưng chắc chắn, mỗi ngày leo một bậc thang, đến một ngày sẽ leo lên tới đỉnh.
Ở đỉnh cao đó, chúng ta đều có thể gặp được những người ưu tú và đặc biệt là gặp được một phiên bản tốt hơn của chính bản thân. Vì vậy, qua cuốn sách Hẹn ngày ta gặp nhau ở đỉnh cao tác giả Lý Thượng Long muốn nhắn nhủ đến tất cả độc giả một lời khuyên chân thành: “Nếu cuối cùng đều phải nói lời tạm biệt, hãy nói lời tạm biệt với bản thân tồi tệ trong quá khứ của bạn đi!”
Vài nét về tác giả:
Lý Thượng Long là nhà văn, đạo diễn và biên kịch trẻ của Trung Quốc. Anh đã sáng lập Học viện Feichi và đồng sáng lập Khảo Trùng (công ty chuyên dạy học trực tuyến cho học sinh). Năm 2010, anh giành giải quán quân Bắc Kinh và giải ba toàn quốc trong cuộc thi tài năng Tiếng Anh "Star of Hope" của CCTV. Anh cũng là tác giả có sách bán chạy hàng đầu tại Trung Quốc.