Giải Mã Chuyện Đại Tiện
Giải mã chuyện đại tiện là cuốn sách có một không hai giúp bạn thay đổi lối sống sao cho thân thiện với “mông”, nghĩa là giải quyết dứt điểm tình trạng táo bón của bạn. Ngoài ra, với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sức khỏe đại tiện, tác giả Susan Wong còn giúp hóa giải nỗi sợ bị viêm nhiễm, khó tiêu, thậm chí là kiểm soát cân nặng… cũng như cho bạn những lời khuyên hữu ích về việc tìm kiếm, sử dụng những loại thực phẩm tốt cho đường ruột.
Đại tiện là một phần quan trọng của cuộc sống nên hãy cứ thẳng thắn và cởi mở. Chỉ cần đảm bảo làm đúng với những mẹo và thủ thuật trong cuốn sách này, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về vấn đề táo bón nữa.
Chia sẻ của tác giả Susan Wong trong lời giới thiệu
“Tôi của ngày hôm nay đã tiến một bước dài từ xuất phát điểm là một bé gái mà cứ hễ trong người “mất cân bằng” là mẹ lại cho uống thuốc dân gian (mẹ tôi khi đó là di dân Hồng Kông mới đến Mỹ). Những lúc ấy, bà sẽ dùng tiếng Quảng Đông mà bảo cho tôi hay là tôi đang bị jit hei (đọc là “yeet hay”), hay “nhiệt”, tức là “cơ thể bị viêm”. Cứ hễ thân nhiệt tôi tăng kèm viêm họng là bà sẽ đi nấu ngay canh bí đao vì cho rằng tôi “cần được chữa khỏi nóng trong người” (tức là cơn sốt).
Hồi đó tôi chẳng mấy để ý đến quan niệm và các bài thuốc dân gian của bà, nhưng đến lúc tôi bắt đầu có kinh thì bà bảo tôi không được gội đầu, nếu không mi mắt dưới sẽ thâm quầng. Tôi không sao nuốt nổi suy nghĩ đó.
Năm tôi 15 tuổi, bà ngoại đến ở cùng chúng tôi. Nhờ đó tôi được tìm hiểu kỹ hơn các bài thuốc cổ truyền Trung Hoa và hiểu ra quan niệm mê tín dị đoan của mẹ mình từ đâu mà có. Tôi nhớ đã nhìn thấy một chai rượu Cô-nhắc và một tách trà cúc mẫu đơn trên chiếc tủ đầu giường của bà ngoại. Lúc ấy, tôi biết rượu Cô-nhắc giúp bà thư giãn và dễ ngủ, nhưng không hiểu trà thì có tác dụng gì. Sau này, tôi mới biết thứ trà này có nhiều dược tính giúp xoa dịu ruột tương tự như cúc La Mã.
Bà ngoại tôi cứ hễ thấy trong người như sắp ốm là lại gọi cho con rể làm bác sĩ phẫu thuật tốt nghiệp Tây y để hỏi xin lời khuyên, nhưng nghe xong, bà lại lờ ngay đi rồi quay ra gọi cho nhà châm cứu người Tàu mình quen để hỏi tiếp, vì bà tin lời ông này hơn. Thậm chí bà còn có một hộp sắt đựng kim châm cứu riêng, mà mỗi lần đi gặp ông ta, bà đều mang theo. Là người từ “quê nhà” sang nên bà chuộng thuốc cổ truyền Trung Hoa hơn hẳn.
Dù chịu ảnh hưởng từ lối dùng Đông dược của mẹ và bà trong suốt giai đoạn hình thành tư duy ấy song sự thân thiết với các dì làm nghề điều dưỡng và nhà giáo dục đã khích lệ tôi lựa chọn sự nghiệp điều dưỡng. Đến tận bây giờ, trong đời sống của tôi vẫn có chỗ cho cả y học phương Tây và phương Đông. Trong thời gian tham gia đào tạo lâm sàng, tôi nhận ra mình rất thích làm việc với bệnh nhân cũng như sẵn sàng tìm mọi phương cách để giúp đỡ họ. Sự nghiệp điều dưỡng suốt 43 năm của tôi, kể từ khi chăm sóc nhi khoa đến chăm sóc người trưởng thành, rồi lọc máu, hỗ trợ phẫu thuật và cuối cùng, đầu quân cho phân khoa phẫu thuật đại trực tràng của Trung tâm Sinh lý Vùng chậu, chưa bao giờ nhàm chán. Trung tâm Sinh lý Vùng chậu là nơi tôi đã lưu lại trong 20 năm gần đây. Ở đây, tôi được làm việc với bệnh nhân bị rối loạn cơ sàn chậu thuộc đủ thành phần – già có, trẻ có, địa vị xã hội nào cũng có. Bệnh của họ cũng rất đa dạng, từ một loạt vấn đề do hậu phẫu đến ti tỉ tình trạng không liên quan đến phẫu thuật, nhưng tất cả đều có mối liên hệ với đại tiện.
Tại Trung tâm Sinh lý Vùng chậu, tôi phối hợp chặt chẽ với một đội ngũ chuyên gia gồm các nhà nghiên cứu dạ dày-ruột, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng, điều dưỡng viên, nhà vật lý trị liệu, cùng nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác. Với tôi, việc cộng tác với họ trong quá trình điều trị bệnh nhân – mà nhiều trong số đó thuộc các ca hết sức phức tạp – thật vô giá.
Chắc hẳn vì lòng ham học hỏi cùng khao khát mãnh liệt được dốc toàn sức giúp đỡ bệnh nhân (dù đôi khi phải làm ngoài giờ) mà tôi được đồng nghiệp phong cho danh hiệu “Đô đốc Hậu cần”!
Khi nghe con trai Julien nêu ý tưởng lập một kênh YouTube để đưa mẹ lên hàng “sao”, tôi đã nghĩ cháu chỉ đùa cho vui mà quên mất bản tính của cháu: hễ có ý tưởng là cháu sẽ đào xới mọi khía cạnh, đặt mục tiêu, phác đủ đường đi nước bước và lao vào thực hiện cho đến khi có thành quả mới thôi!
Khi Butt Talks TV ra đời và được mọi người ngày một quan tâm, một đại diện của nhà xuất bản Ulysses Press đã đề nghị tôi viết cuốn sách này. Thực lòng, nhận lời với họ và đối mặt với nhiệm vụ viết sách về sức khỏe đại tiện rồi tôi mới thấy quá tải và hơi đuối. Nhưng được bạn bè và người thân hỗ trợ, cùng với kho kinh nghiệm quý giá của bản thân, những cảm giác ấy nhanh chóng bị đẩy lùi. Thay vào đó, tôi nhận ra mình đang có một cơ hội tuyệt vời để chạm đến nhiều người vốn đang phải âm thầm chịu đựng khổ sở trong vấn đề đại tiện khó nói này.
Qua những trang sách này, bạn sẽ thấy cách tiếp cận quá trình đại tiện mà tôi vạch ra thật toàn diện và đa phần là hài hước. Tôi sẽ phác ra sơ lược mối quan hệ giữa khoa học, tâm lý học, chánh niệm, khía cạnh kinh tế của chế độ ăn và các phương pháp thực hành dinh dưỡng mang tính văn hóa – xã hội, đồng thời cho bạn nhiều mẹo thiết thực để cải thiện việc đại tiện.
Dù xa lộ thông tin ấy đã được trang bị sẵn vô vàn dữ kiện, con số và liệu pháp, song cũng như tôi và bạn đây, hẳn nhiều người vẫn hoang mang chưa biết xử trí ra sao với các vấn đề đại tiện của mình. Táo bón, đại tiện không tự chủ, hay một trong ti tỉ bệnh tật khác có thể đang quấy rầy bạn, hoặc người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn. Rất có thể bạn chỉ âm thầm chịu đựng mà không dám kể với ngay cả những người thân thiết nhất. Ăn và đại tiện gồm các quá trình đa nhân tố mà phần lớn công chúng cũng như những người có vấn đề về đại tiện thường hiểu nhầm.
Như nhà thơ nổi tiếng William Ernest Henley đã nói trong thi phẩm Invictus (tạm dịch: Bất khuất), quan trọng nhất là bạn phải làm chủ số phận của mình, phải điều khiển được tâm hồn mình. Bạn có thể tự nhồi vào đầu cả núi thông tin, nhưng chừng nào chưa chắt lọc được đúng thứ phù hợp với hoàn cảnh riêng và chưa hành động để tự cứu mình thì chừng đó bạn vẫn chỉ là người nhẫn nại chờ thời.
Những thông tin trong cuốn sách này có thể không giải quyết được mọi vấn đề đại tiện của bạn, vì mỗi chúng ta là một cá thể với những nhu cầu và hoàn cảnh khác hẳn nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn hướng dẫn và cung cấp cho bạn những phương kế thực tế để giúp bạn kiểm soát và hi vọng hóa giải được tình trạng đại tiện của mình thông qua kiến thức, việc điều chỉnh sinh hoạt, cùng những món ăn đơn giản thường nhật.
Tôi rất cảm kích vì có cơ hội được giúp đỡ bạn đọc, cùng rất nhiều bệnh nhân của mình, chế ngự “con quỷ” này và học cách kiểm soát sức khỏe của phân. Như tôi vẫn thường nói với bệnh nhân lẫn đồng nghiệp, “ai cũng phải ị, vậy hãy cùng đưa nó đến thiên đường phân”.
MỤC LỤC:
Giới thiệu
Phần 1
Chương 1: Hệ thống đường ống trong cơ thể bạn, từ ruột đến hậu môn
Chương 2: Hệ thống đường ống của bạn hoạt động tốt đến đâu?
Chương 3: Táo bón chẳng có gì vui!
Chương 4: Hiểu thứ bạn ăn
Chương 5: Bí kíp cho một quy trình đại tiện hoàn hảo
Chương 6: Sinh hoạt thế nào để đại tiện thành niềm vui?
Chương 7: Cảm nhận sức mạnh của đại tiện!
Phần 2
Chương 8: Công tác chuẩn bị cho một chế độ ăn lành mạnh
Chương 9: Các món ăn giúp giảm táo bón