Trong ấn phẩm này, Đông A gửi đến bạn đọc các truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao từ ba tập truyện: Đôi lứa xứng đôi (Nhà xuất bản Đời Mới, 1941), Nửa đêm (Nhà xuất bản Cộng Lực, 1943), Cười (Nhà xuất bản Minh Đức, 1946); trong đó Đôi lứa xứng đôi là tập truyện ngắn đầu tay của Nam Cao và được xem như một hiện tượng văn học độc đáo lúc vừa ra mắt. Qua các truyện ngắn trong ba tập sách này, ngoài những điều đã biết về văn nghiệp Nam Cao, bạn đọc sẽ phần nào hình dung được nỗi giằng xé giữa việc viết để mưu sinh và viết để phụng sự lý tưởng nghệ thuật mà ông nhắc đến trong truyện ngắn nổi tiếng Đời thừa, cũng như hành trình sáng tác đầy gian truân và vô cùng nghiêm túc của nhà văn.
Ấn phẩm được bổ sung bộ minh họa mới của họa sĩ Đặng Xuân Hòa – một trong những tên tuổi nổi bật nhất của hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa đã tóm bắt được những tình tiết, chi tiết, cảm xúc “đắt giá” và thể hiện trong tranh bằng ngôn ngữ riêng. Minh họa của họa sĩ vừa thể hiện được cái tình, cái ý, những trăn trở suy tư của Nam Cao, lại vừa như cho người xem thấy rõ nỗi nhọc nhằn, sự nghiêm túc trong lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Văn chương và mỹ thuật gắn kết, đan bện vào nhau tạo nên một tổng thể hài hòa, thú vị.
Đôi lứa xứng đôi - Nửa đêm - Cười nằm trong tủ sách Văn chương & Mỹ thuật của Đông A.
Giới thiệu tác giả:
Nam Cao (1915 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri. Quê ông ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Sau khi thi đỗ Thành Chung, ông làm việc tại một trường tư thục ở Hà Nội, sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Năm 1943, Nam Cao tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức. Mùa thu năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc và làm việc cho một số tòa soạn báo. Năm 1951, trên đường đi công tác, Nam Cao cùng các đồng đội bị phục kích và hy sinh tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Là một trong những nhà văn hiện thực lớn nhất của Việt Nam thế kỷ XX, ngòi bút Nam Cao nổi bật với những tác phẩm viết về người nông dân và trí thức nghèo như Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa, Đôi mắt, Sống mòn, Giăng sáng… Ẩn sau những câu văn chua chát, bức bối, mô tả bộ mặt xã hội xấu xí và những kiếp người nhục nhằn không lối thoát, độc giả phần nào cảm nhận được nỗi trăn trở và lòng thương cảm, xót xa vô hạn của tác giả dành cho con người.
Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
Một số nhận xét:
“Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm. Đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn, khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết in như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt thêm ra làm gì.” - Nam Cao (nói với nhà văn Vũ Bằng)
“Mỗi sáng tác của anh đều là tiếng nói một thái độ của ngòi bút. Không ngủ gật hoặc ừ hữ che màn với cuộc sống bấy giờ, mà anh đã quăng vấn đề ra cho bạn đọc suy nghĩ. Những cái bất công bạo ngược mà anh cảm, anh đã viết nó lên.” - Nhà văn Tô Hoài
“Đặc điểm của Nam Cao theo tôi là ở sự giản dị chân phương. Cũng như người anh, văn anh không cầu kỳ, nhưng ‘đánh phát nào trúng phát ấy’, đi sâu vào tâm hồn người ta...” - Nhà văn Vũ Bằng
“…Ở Nam Cao - đời sống và đời văn là gắn bó với nhau như hai mặt một tờ giấy mỏng, soi bên này mà thấy cả bên kia. Soi vào văn ông để thấy đời; và soi vào đời để nhận thêm các giá trị từ những trang văn im lặng.” - Giáo sư Phong Lê