Độc Thoại Chuyện Chia Tay - Vui Cái Thú Thất Tình
Về Tác Giả:
Rosie Wilby
"Sinh năm 1970, Rosie Wilby là nghệ sĩ hài người Anh, đồng thời cũng là diễn giả, nhà sáng tạo chương trình phát thanh, cây viết báo chí kiêm tác giả sách. Dấn thân vào bộ môn nghệ thuật hài độc thoại, Rosie đã gặt hái nhiều thành tựu và giải thưởng, đóng góp cho các chương trình trên đài phát thanh quốc gia nước Anh.
Rosie cho ra mắt cuốn sách đầu tiên năm 2017, được đề cử Giải thưởng Văn học Diva và Giải thưởng Sáng tác đầu tay Polari. Kế đó, chương trình phát thanh Độc thoại chuyện chia tay (The Breakup Monolougues) lọt vào danh sách tranh giải của Giải thưởng Chương trình phát thanh Anh Quốc đã mở đường cho tựa sách thứ hai cùng tên năm 2021.
Dù trên sân khấu hay trang giấy, chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của Rosie vẫn là tâm lí học về tình yêu, tình dục, các mối quan hệ và xu hướng tính dục. Với phong cách dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc, cô chia sẻ trải nghiệm sống và yêu dưới góc nhìn khoa học. Hai sáng tác thành công của Rosie gồm Độc thoại chuyện chia tay và Cái chết của chung thuỷ? (Is Monogamy Dead?). "
NỘI DUNG CUỐN SÁCH
Bi kịch + Thời gian = Hài kịch
Pha trộn giữa hài hước và khoa học, quân sư tình yêu bất đắc dĩ Rosie Wilby thành thực khai báo với quý bạn đọc về hành trình tìm hiểu tâm lí học của những vụ thất tình. Một nhiệm vụ mà chính khổ chủ cũng… cực chẳng đã.
Năm 2011, nghệ sĩ hài độc thoại người Anh Rosie Wilby bị người yêu “đá” qua thư điện tử. May mà cô bồ viết sai chính tả bởi cuộc tình dù đúng dù sai, ai sai chính tả chắc chắn sai. Tuy cũng được an ủi phần nào, nhưng nỗi đau bất ngờ đến sửng sốt vẫn khiến Rosie không tài nào thoát khỏi dòng suy tư ám ảnh về chuyện chia tay. Trò chuyện với đông đảo bạn bè đồng tính cùng dị tính, đồng nghiệp, chuyên gia về thất tình, Rosie gom nhặt được nhiều quan điểm, tri thức độc đáo và hữu ích về trải nghiệm tình yêu, tình bạn trong một xã hội còn nhiều định kiến giới.
Độc thoại chuyện chia tay ra đời từ đó như lời tự thú của một kẻ “yêu đương chung thuỷ hàng loạt”. Sau chuỗi ngày trăn trở yêu rồi lại bỏ, bỏ rồi lại yêu, liệu cuối cùng con nghiện thất tình có hoàn lương?
TRÍCH DẪN HAY
“Sao mà có thể hẹn hò với người không hề muốn đi hẹn hò cơ chứ?”
Một nghiên cứu ở Đại học Bang Ohio thực hiện trên 57,000 khách thể trưởng thành từ năm 1972 tới năm 2012 cho thấy những đứa con một có khả năng li hôn cao hơn. Theo đó, cứ có thêm một anh chị em thì tỉ lệ li hôn giảm xuống 2%. Đồng tác giả của nghiên cứu, Lisa Marie Bobby cho rằng điều này xảy ra do họ “có kinh nghiệm chung sống với người khác”.
Một mối tình vẫn có thể được coi là thành công kể cả khi nó kết thúc. Nó có thể tiếp tục phát triển theo kiểu khác hoặc không. Dù sao chăng nữa, nó cũng đã mang đến niềm vui và ý nghĩa khi nở rộ, hệt như hoa nở từng mùa rồi lụi tàn tự nhiên.
Trong cuốn sách đồng tác giả với Tiến sĩ Claudia Gold Sức mạnh của bất hoà (The Power of Discord), ông viết, “Hiểu nhầm là thiết yếu để khai mở sự cải tổ có thể mang đến năng lượng thay đổi và phát triển. Khi chuyển từ hiểu nhầm sang hiểu đúng về nhau, hai con người sẽ xây dựng kết nối.”
Không giống thất tình, văn hoá chúng ta không có sẵn kịch bản để bày tỏ nỗi đau khi mất đi tình bạn. Chẳng có những bản nhạc trữ tình buốt nhói con tim, nhung nhớ bạn thân cũ. Buồn đời nhất là ta mất đi người mình thường dựa vào những lúc khó khăn mà tan nát thay, người ấy lại chính là ngọn nguồn của nỗi đau.
Tôi tự hỏi vì sao mình xuống tâm trạng. Hệ thống tưởng thưởng trong não bộ kích hoạt không chỉ khi ta nhận được phần thưởng mà bắt đầu từ lúc mong đợi. Nên nếu ta tin rằng mình sắp bước vào mối tình mới đẹp đẽ, ngọt ngào mà nó lại không xảy ra, kha khá thụ thể dopamine bị cản trở sẽ tìm đường giải phóng. Công thức quen thuộc rằng thời gian cần để quên một người tỉ lệ với thời gian của mối quan hệ không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế.