Đi Tìm Nhân Vật
Là một tác phẩm hư cấu với những sự việc diễn biến trong một thời gian và ở một không gian hoàn toàn không xác định. Tác phẩm mở đầu bằng ý đồ của một nhân vật muốn thu góp từ các nhân chứng những sự việc liên quan tới một vụ án mạng vừa xẩy ra.
Hành vi cụ thể với giới hạn rõ ràng đó, dưới ngòi bút Tạ Duy Anh, đã mở ra một vùng trời mênh mông, đưa người đọc tiếp cận với hàng loạt vấn đề sinh tử của con người, kể cả vấn đề gai góc nhất là ý nghĩa của sự sống. Cuộc truy tầm thủ phạm đâm chết một thằng bé đánh giầy vô danh vất vưởng bên hè phố trở thành cuộc truy tầm thủ phạm bóp chết cuộc sống của cả một dân tộc – thậm chí là truy tầm thủ phạm bóp chết cuộc sống của con người trong cái thời đại vẫn được biểu dương là thời đại của ánh sáng trí tuệ hiện nay.
Tạ Duy Anh không gợi nhắc qua lý lẽ mà bằng những sự việc, cảnh ngộ, tai ương, tâm trạng… gắn liền với từng con người lọc lựa từ cuộc sống bi thảm đượm đầy chua cay và cũng không thiếu tính hài hước của xã hội Việt Nam suốt thế kỷ qua. Tác giả dẫn người đọc bước vào một cuộc sống ngột ngạt, nhầy nhụa và nhố nhăng, trong đó con người luôn bị buộc phải đứng trước lựa chọn duy nhất: Bán linh hồn để giữ thể xác hoặc ngược lại.
Bản năng ham sống đã đẩy con người tới thế sẵn sàng chối bỏ chính linh hồn mình và từ đó mọi nhơ nhuốc, mọi sa đoạ đã trở thành những hình ảnh huy hoàng được tô vẽ bằng các màu sắc rực rỡ nhất do thuộc tính dối trá, gian ác và đê tiện vẫn tiềm ẩn nơi mỗi con người. Quá trình vong thân vì sợ hãi, vì ngu dốt đã biến con người từ nạn nhân của tha nhân và thời thế thành nạn nhân của chính mình .
Bởi vì “lừa dối trở thành phương tiện đạt mục đích và được sự cổ vũ của dốt nát” để cuối cùng tạo ra một khối liên minh – lừa dối và dốt nát – với uy thế của một thiết chế quyền lực chi phối con người theo cái hướng bưng bít sự thực và lập tức đưa lên giàn hoả thiêu mọi kẻ hoài nghi thứ chân lý mà liên minh này đã ban phát. Kết quả tất yếu của thực tế này là một cuộc sống, trong đó “cái thiện bị nhân danh và trở thành thảm hại trước cái ác”.
Khi cuộc sống đó tiếp tục theo năm tháng đủ để tạo nên những thói quen, hình thành một nếp sống thì con người không chỉ còn là diễn viên trong màn kịch che giấu chân tướng mà đã hóa thân thành một bày lũ cuồng tín những cái thiện bị nhân danh để tự trở nên một loại Satan lần đầu có mặt bằng xương bằng thịt rõ ràng – vì từ thuở nào Satan vẫn chỉ đơn thuần là một ý niệm.
Thế giới tiểu thuyết Tạ Duy Anh không chỉ có sự sa đoạ dục tình dưới bộ áo giả dối của Tartuffe, không chỉ có những quật quã cá nhân dưới đáy vực đạo lý suy đồi của Raskolnikov hay Karamazov, không chỉ có thái độ khước từ bướng bỉnh phảng phất nét hồn nhiên của nhân vật thần thoại Protee mà chính là những vết hằn nhức nhối ghi lại tình trạng đổ vỡ toàn diện vô phương cứu vãn của cuộc sống. Đó là cái thế giới mà trong đó con người phải tuân hành tuyệt đối những đòi hỏi đoạn tuyệt với chính mình, phải thực sự biến thành một loại bột sẵn sàng chịu nhào nặn cho phù hợp với một khuôn mẫu do các cơ chế quyền lực đúc sẵn. Đó là cái thế giới không tồn tại tình ruột thịt, không chấp nhận cảm nghĩ hay ước vọng riêng tư và tình yêu không còn đất sống dưới sự khống chế của hận thù, chém giết – vì dường như không lúc nào người ta không thể tụ họp để cùng đem một kẻ nào đó ra “ăn sống nuốt tươi”.