Đạo Sư Uống Rượu
Đi theo bậc thầy là mạch máu của con đường Kim Cương thừa. Do bậc đạo sư có thể làm bất kỳ điều gì cần thiết để đánh thức chúng ta nên mối quan hệ này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những niềm tin và kỳ vọng đã bám rễ rất sâu bên trong mình. Trong cuốn sách “Đạo sư uống rượu”, tác giả Dzongsar Jamyang Khyentse sẽ chỉ ra những khía cạnh bị hiểu lầm nhiều nhất về mối quan hệ giữa bậc thầy và đệ tử, đồng thời đưa ra những lời khuyên thực tiễn để chúng ta có thể tận dụng được tốt nhất cơ hội quý giá này nhằm đạt đến giác ngộ. Thông qua những câu chuyện và ví dụ kinh điển, ngài sẽ cho chúng ta thấy làm thế nào chúng ta có thể bước trên con đường với đôi mắt mở to, cũng như trang bị cho chúng ta những kỹ năng tư duy để chúng ta có thể phân tích bậc đạo sư trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Kim cương thừa là một cuộc phiêu lưu
Các bạn đã từng nghe về chiếc chuông xoay của người Tây Tạng chưa? Chúng chưa từng tồn tại ở Tây Tạng cho đến khi xuất hiện một nhà phát minh láu lỉnh, người thực sự biết cách gói ghém mọi thứ nhờ một cảm thức phù-Tạng và tạo ra chiếc chuông này. Bây giờ bạn thấy chúng ở khắp nơi, cứ như thể chúng là một phần của văn hóa Tây Tạng. Thậm chí cả người Tạng sống tại Dharamsala và Kathmandu cũng đã chấp nhận những chiếc chuông xoay này như một phần văn hóa của họ. Câu chuyện giống hệt như chuyện về những chiếc bánh quy may mắn của người Trung Quốc, nó hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc chút nào. Chúng được phát minh tại nước Mỹ, dựa trên công thức của người Nhật, và bây giờ chúng được bán cứ như thể chúng là tinh hoa của ẩm thực Trung Quốc, thậm chí ngay tại những nhà hàng Trung Quốc chính hiệu. Đây chính là thứ rủi ro mà chúng ta dễ gặp phải, nếu chúng ta không cẩn thận. Một ngày đẹp trời, một đạo Phật không chính thống, được truyền thông đẹp đẽ, đóng gói hấp dẫn sẽ được phát miễn phí như là đồ thật. Vì thế, nghiên cứu kỹ lưỡng một vấn đề thật vô cùng quan trọng: nghiên cứu kỹ lưỡng giáo pháp, nghiên cứu kỹ lưỡng đạo sư, và nghiên cứu kỹ lưỡng học trò. Đó là lý do tác giả viết cuốn sách này.
Cuốn sách này dành cho những ai có thiên hướng với Kim Cương thừa một cách tự nhiên – như Milarepa và ngài Tịch Thiên, những người không hài lòng với logic và sự hợp lý thông thường, cùng những ai không sẵn sàng chấp nhận thế giới đã biết như nó là. Nó dành cho những ai không có thời gian đọc những cuốn sách hướng dẫn, những ai không tin vào bản đồ và những ai có sự cả gan đặt trọn niềm tin vào một người khác. Nó dành cho những ai không tìm một tấm lưới an toàn, những người thà để cho người ta giật mạnh tấm thảm dưới chân họ còn hơn là tìm kiếm cảm giác an toàn và định hướng. Nó dành cho những ai muốn được thử thách. Cuốn sách này dành cho những ai bắt đầu nhiệt thành với việc thực hành Phật giáo Mật điển, và rồi khám phá ra, phần lớn là thất vọng, rằng để đi theo con đường Phật giáo Kim Cương thừa, họ phải dựa vào một đạo sư là người dẫn đường.
Quyết định đi theo một người khác – không phải là một vị Chúa, không phải một cỗ máy, không phải tự nhiên, không phải là một hệ thống chính phủ, không phải mặt trời, hoặc mặt trăng, mà là một con người bằng xương bằng thịt, vẫn tắm dưới vòi hoa sen, ngủ, ngáp, đi đại tiện, cáu bẳn, có thể hối lộ được – thì hoặc là điều ngu ngốc nhất mà một người có thể làm, hoặc là xứng đáng nhất. Có được xu hướng và sự can đảm đi theo một người như vậy chính là một món quà. Có một niềm tin không nghi ngờ vào một người như vậy thực sự là một món quà. Có thể xóa bỏ nghi ngờ bằng nghi ngờ đó là một món quà. Không phải tất cả mọi người đều có được những món quà này.
ĐOẠN TRÍCH TỪ SÁCH:
Chiếc cầu con người
Nếu ý niệm về việc nhìn bậc thầy bên ngoài như Đức Phật là quá rộng lớn để có thể hiểu được thì việc nhận ra vị thầy bên trong và vị thầy bí mật còn bao la hơn nữa. Ban đầu, chúng ta chỉ có thể hình thành một ý tưởng mơ hồ về bất cứ khía cạnh nào trong ba khía cạnh này khi nói về bậc thầy, ở tầm nhận thức lý trí. Để thực sự hiểu được bậc thầy bên trong và bậc thầy bí mật, chúng ta cần một chiếc cầu nối có thể bắc từ bờ bên này sang bờ bên kia – từ bản thân chúng ta đến bậc thầy bên trong và bậc thầy bí mật của chúng ta. Chiếc cầu duy nhất là một người mà chúng ta có thể chạm tới và nhìn thấy, người mà chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, người mà chúng ta có thể tham khảo như một tấm gương, người có sự quen thuộc và kiến thức để giới thiệu ta với vị thầy bên trong và vị thầy bí mật. Chiếc cầu duy nhất là bậc thầy bên ngoài.
Mối quan hệ với một bậc thầy không bao giờ đơn giản. Chúng ta là những chúng sinh con người có thói quen hy vọng và sợ hãi. Mỗi chúng ta đều đóng khung lên mình những tính cách và văn hóa khác nhau. Ngay khi chúng ta bị bó buộc bởi những đặc trưng này, chúng ta trở nên mê mờ, và ngay khi chúng ta mê mờ, mối quan hệ của chúng ta trở nên phức tạp.
Qua tấm màn nhận thức mê lầm hằng ngày của bạn, bậc thầy bên ngoài nhìn giống như một người bình phàm. Ngài có cùng khẩu vị với bạn về món pizza cá cơm nhưng cũng uống cà phê đặc mà bạn không thích chút nào. Ngài tỏ ra cáu kỉnh khi bạn không hiểu vấn đề. Ngài là một con người. Nhưng ngài không sinh ra cùng với nơi bạn sinh ra, vì thế mà Ngài đặc biệt và thú vị. Càng đặc biệt càng tốt, nhất là nếu bạn là một đệ tử ngây thơ, dễ bảo và dễ dàng bị ấn tượng với những sắc màu, hình dáng và chủng tộc. Điều tốt nhất là da của ngài nên có màu hoàn toàn khác. Và ngược lại, nếu ngài mà quá đặc biệt thì cũng không có tác dụng.
Vượt ra khỏi con người
Thật khó để chấp nhận bậc thầy là một vị đã “vượt thoát” khỏi con người bởi vì bản thân những hành giả như chúng ta là những con người, có một phần trong chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự tương đồng. Chúng ta mong muốn bậc thầy của mình có hình dáng giống như mình và cùng yêu thích những bản tình ca mà mình thích. Mặt khác, chúng ta lại mong muốn các bậc thầy thật xuất chúng và tối thượng – nhưng không quá xuất chúng hoặc quá tối cao. Nếu vị thầy mà có ba mắt, chúng ta sẽ không biết làm thế nào với điều đó. Chúng ta mua những món quà cho bậc thầy và tưởng tượng ra ngài sẽ ngạc nhiên và hài lòng như thế nào khi nhận những món quà đó. Đồng thời, chúng ta muốn bậc thầy của mình phải thông minh, thấu thị nếu không muốn nói là toàn tri, để ngài có thể biết trước là mình đã chuẩn bị món quà gì. Tâm thức của chúng ta vô cùng phức tạp. Như vậy, bậc thầy cần phải phục vụ cả hai mục đích: là một con người bình phàm mà ta có thể hiểu, và cũng là một con người có đủ những kỹ năng đưa chúng ta vượt thoát khỏi trạng thái con người. Bậc thầy phải là người một nửa bình phàm một nửa siêu phàm.
Đó là phần việc của bạn. Bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi nhìn nhận bậc thầy như một chúng sinh bình phàm bởi vì điều đó đã có sẵn trong các thói quen của bạn. Nhưng bạn sẽ phải dụng công để biến người đó thành một người lai, bằng cách “nhìn nhận” ngài như một người siêu phàm. Bạn phải thực hiện bất cứ việc gì có thể – tự giáo dục bản thân, tự tạo thói quen – để nhìn nhận ngài như một bậc siêu phàm. Và điều quan trọng nhất, bạn phải có đủ công đức và năng lực để suy nghĩ như vậy. Đây là lý do tại sao chúng ta phải luyện tâm và thực hành bổn sư du già.
[…]
Nương tựa vào giáo pháp, chứ không phải bậc thầy
Đức Phật đã nói với A-nan-đà:
- Hãy nương tựa vào giáo pháp, chứ không phải bậc thầy.
- Hãy nương tựa vào ý nghĩa của pháp, chứ không phải ngôn từ.
- Hãy nương tựa vào ý nghĩa tối hậu, chứ không phải ý nghĩa tạm thời.
- Hãy nương tựa vào trí tuệ không khái niệm, chứ không phải trí thức đơn thuần.
Như vậy chúng ta thích bước vào giáo pháp và tiếp tục theo đuổi giáo pháp bởi vì chúng ta biết được rằng chính giáo pháp là nơi có thể nương tựa. Chúng ta được gợi cảm hứng từ giáo lý chứ không phải từ bậc thầy, chúng ta bị hấp dẫn bởi sự thật chứ không phải người đưa tin về sự thật.
Bạn có thể hỏi: “Những điều này sao có thể phù hợp với quan điểm Kim Cương thừa rằng bậc thầy là cần thiết?” Câu trả lời cần được lặp đi lặp lại: Trong Kim Cương thừa, bạn chuyển hóa bậc thầy thành điều gì đó hơn là một con người. Bậc thầy là con đường.