Combo Sách Văn Học Thiếu Nhi (Bộ 4 Cuốn)
1. Văn Học Thiếu Nhi - Kho Báu Trong Thành Phố
Sau JONI MẶT TỊT VÀ ĐỒNG BỌN TINH NGHỊCH kể về chú mèo bông xù rất được lòng bạn đọc trẻ, KHO BÁU TRONG THÀNH PHỐ tiếp tục là một truyện dài đầy yêu thương và gợi nhớ của tác giả Nguyễn Khắc Cường, diễn ra trong lòng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chân cuộc đua đi tìm kho báu của cha con bé Kiến, những hồi ức về Thành phố ở thập niên 80 hiện ra sống động, với những khung cảnh vừa quen vừa lạ. Truyện còn là một "bộ sưu tầm" những trò chơi dân gian đã từng làm mê mệt trẻ em cách đây mấy mươi năm: chọi dế, thả thuyền, bắn bi, búng thun… được tác giả mô tả hài hước, chân thực.
Vì lẽ đó, tác phẩm này không chỉ dành cho trẻ em, mà người lớn cũng có thể đọc say mê và mỉm cười với một bầu trời tuổi thơ cũ đang trở lại.
--
"Hình như lúc còn nhỏ ai cũng mong mình lớn nhanh để khỏi bị bắt ngủ trưa, để được đi chơi tự do, muốn ăn bao nhiêu bánh kẹo tùy thích... Chừng lớn lên, nhiều người lại mơ được nhỏ lại, được tung tăng chạy nhảy vô tư.
Dĩ nhiên ước mơ nhỏ lại đâu thể nào thành hiện thực, nên tôi viết cuốn truyện này để được quay về tuổi thơ, sa đà vô các trò chơi búng thun, tạt lon, bắn bi, chọi cầu, đá cá, bắt dế, tắm mưa, lò cò, chơi u, chơi keng, đánh trỏng, banh lỗ... Những trò chơi khiến trẻ con 40 năm trước mê mệt, quên ăn quên ngủ, giờ không thấy ai chơi nữa, buồn quá chừng!
Không mơ nhỏ lại được thì tôi ước những trò chơi bị ngủ quên đó mau thức dậy, làm bạn với trẻ em bây giờ. Khi cùng nhau chạy nhảy, la hét, rượt đuổi... các em sẽ trở nên lanh tay lẹ mắt, hoạt bát, nhanh nhẹn, ít nguy cơ bị cận thị, béo phì hơn là suốt ngày ngồi một chỗ dán mắt vô màn hình máy tính, điện thoại."
- Tác giả Nguyễn Khắc Cường
2. Văn Học Thiếu Nhi - Tự Truyện Một Con Heo
“Tự truyện một con Heo” – là truyện dài dành cho thiếu nhi mới nhất của nhà văn Lý Lan, sau hơn 30 năm bà viết “Bí mật của tôi và Thằn Lằn đen” (không kể các tập truyện ngắn, truyện đồng thoại khác).
“Tự truyện một con Heo” là tự truyện heo kể chuyện đời nó từ khi lạc vào một xóm ngoại ô thành phố. Heo không biết xuất thân của mình ở đâu: từ quán nhậu ở Làng Nướng, từ khu vườn nhà bà “Trời đất ơi”, từ bãi đất hoang hay từ những nhà trọ công nhân… Thuộc giống heo rừng, với bản năng của loài động vật sống trong tự nhiên, nó không muốn mình là vật nuôi của ai. Nhưng liệu nó có tìm được rừng, khi bản thân có thể trở thành mồi ngon, môi trường sinh thái tự nhiên đang hẹp dần, ô nhiễm hơn và rừng thì chỉ có trong điện thoại của ông Năm? Liệu sự quyến luyến giữa nó và 2 cô gái nhỏ Thúy, Thanh, có khiến nó quên bản năng rừng của mình.
Với tài kể chuyện duyên dáng, chất giọng Nam Bộ, thủ pháp nhân cách hóa – thông qua lăng kính của một con heo, nhà văn Lý Lan dẫn độc giả nhỏ tuổi theo dõi những cuộc chạy trốn “nghẹt thở” của một con heo “hoang” trong thành phố. Nhiều câu chuyện dí dỏm được tạo ra trong cuộc trò chuyện giữa heo và chó Nô Nô, heo và Dê Già... từ đó nảy sinh những triết lý sâu sắc về tình yêu, tình bạn, sự trung thành, lòng dũng cảm… Đọc “Tự truyện một con Heo”, độc giả thiếu nhi sẽ có nhiều trải nghiệm thêm về thế giới bên ngoài.
Tựa sách mới của nhà văn Lý Lan nằm trong tủ sách “Văn học thiếu nhi” của NXB Trẻ. Ở tủ sách này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp xúc được nhiều giọng văn, phong cách viết, làm giàu thêm kiến thức văn chương, ngôn ngữ, văn hóa và ý thức bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.
Những trích dẫn hay:
- "" Trong tôi luôn âm ỉ bản năng thú rừng. Thế giới con người không phải là thế giới của tôi. Tôi thường cảm nhận được một thôi thúc sâu thẳm trong đêm, khi bóng tối trùm lên các thứ nhân tạo. Sự thôi thúc tìm về thiên nhiên.""
- ""Nô Nô cho rằng tôi còn quá nhiều chất hoang dại, nhưng sẽ dần dần được thuần hoá.""
- ""Có trời xanh hiểu thấu lòng tôi. Có ăn thì tôi chạy lại, tất nhiên. Nhưng với cô gái nhỏ đã từng ôm ấp bảo vệ tôi, một mực coi tôi là Heo-của-em, thì dù cô bé chìa ra bàn tay không, tôi vẫn chạy đến.""
3. Văn Học Thiếu Nhi - Nào Cùng Nhón Chân
Nào cùng nhón chân - tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ gồm 15 truyện ngắn dung dị, đầy nhân văn và tình người.
Đó có thể là lời cảnh báo về sự thiếu kết nối trong gia đình của xã hội hiện đại, mỗi người đều bận nhìn vào màn hình điện thoại, để đứa trẻ trong nhà phải cô đơn "Chơi với gấu bông". Đó có thể là câu chuyện cảm động về tình bạn của 2 bạn nhỏ trong "Đôi bạn... Ùm", biết nhà bạn nghèo, thiếu ăn nên đứa có cái ăn luôn múc cơm ra rủ bạn "ùm" chung. Hay hóm hỉnh như truyện "Nào cùng nhón chân" của 2 đứa không thích mang dép và cô nhà báo tên Bụi. Đó có thể là tình cảm quê nhà của cậu bé nọ khi theo ba vào thành phố học như "Chuyện ngoài đó..."
Ở đây, cũng không thiếu hình ảnh trẻ em phải tự bươn chải kiếm cái ăn. Ở đây, cũng không thiếu những chia sẻ về thiên nhiên, môi trường sống, nhất là ở miền Trung, đối mặt với thiên tai, lũ lụt, hạn hán... những đứa trẻ có vẻ già hơn tuổi, nhưng vẫn trong trẻo hồn nhiên và hướng tới thiện lương.
Những câu chuyện, dù là trên trang sách, cốt lõi vẫn muốn mang mọi trẻ em sống trên đất nước này lại gần với nhau, bằng thấu hiểu, cảm thông, nhân hậu. Đọc những câu chuyện này, như một cách giúp các em phóng xa tầm mắt, nhìn chung quanh, và thấy mỗi người đều có những cảnh sống, những ước mơ không bạn nào giống bạn nào.
Hi vọng, những câu chuyện nhỏ này sẽ nhận được phản hồi tích cực từ các em thiếu nhi, các bậc cha mẹ. Việc hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và văn hóa ở những vùng đất khác, cũng là khát khao, nhu cầu chính đáng ở mỗi người. Vì vậy, để tôn trọng tác giả và bạn đọc, chúng tôi xin giữ lại văn phong và từ ngữ có hơi hướm địa phương. Xin mời các bạn nhỏ đi vào một trận địa ngôn ngữ mới lạ, sinh động, làm giàu hiểu biết và vốn từ tiếng nước tôi của mình.
Nào cùng nhón chân - nằm trong tủ sách “Văn học thiếu nhi” của NXB Trẻ. Ở tủ sách này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp xúc được nhiều giọng văn, phong cách viết, làm giàu thêm kiến thức văn chương, văn hóa và ý thức bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.
4. Văn Học Thiếu Nhi - Cổ Tích Của Ba - Tản Văn Cho Thiếu Nhi
Những tản văn ngắn - cũng có thể gọi là truyện kể ngắn trong Cổ tích của ba chân thật và cảm động. Người bạn nhỏ của xứ Huế ngày xưa - giờ là ba của ba đứa trẻ, bồi hồi nhớ lại tuổi thơ mình mỗi lần về lại làng cũ, nhà xưa, dòng sông thơ ấu. Hồi nhỏ của người cha, tất nhiên khác với tuổi nhỏ bây giờ, từ chuyện chơi, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện đi học. Nhưng chính vì sự khác biệt này, lại là mảnh ghép quý giá, để chính những đứa trẻ ngày nay sẽ thêm tò mò về tuổi thơ của ba mẹ mình, về những câu chuyện ngày xưa,
Phi Tân đã vẽ lên những dòng sông, bờ nước, đồng ruộng, ao làng, sân đình, chợ quê... đầy xao xuyến và đáng nhớ... bằng câu chữ mềm mại. Tác giả dùng nhiều phương ngữ Huế, nhưng đó cũng là cách để bất cứ trẻ con hay ai đó đọc tập sách, cũng có thể biết thêm về một miền ngôn ngữ và văn hóa độc đáo.
Phi Tân chia sẻ: ""Tôi đã kể những câu chuyện này với các con của mình, để chúng hiểu thêm về nguồn cội, nơi ba mình sinh ra và lớn lên, rồi từ ký ức của tôi, các con hẳn sẽ biết yêu thương gìn giữ những điều mộc mạc, giềng mối xóm làng, thân tộc.""
Làm người - không hẳn từ những bài học lớn lao, mà là từ những chuyện ba mẹ kể hằng ngày, về quê hương, làng xóm và tuổi thơ. Quay về giá trị truyền thống, cũng là cách bồi đắp lòng nhân ái.
Đọc những bài viết xinh xắn này, các bạn nhỏ có thể học thêm cách viết hay, Sách cũng phù hợp để các giáo viên lấy ví dụ cho những giờ giảng văn của mình thêm xúc cảm.
Cổ tích của ba - nằm trong tủ sách “Văn học thiếu nhi” của NXB Trẻ. Ở tủ sách này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp xúc được nhiều giọng văn, phong cách viết, làm giàu thêm kiến thức văn chương, văn hóa và ý thức bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.
1. Văn Học Thiếu Nhi - Kho Báu Trong Thành Phố
2. Văn Học Thiếu Nhi - Tự Truyện Một Con Heo
3. Văn Học Thiếu Nhi - Nào Cùng Nhón Chân
4. Văn Học Thiếu Nhi - Cổ Tích Của Ba - Tản Văn Cho Thiếu Nhi