1. Osho - Giác Ngộ - Đừng Để Chân Lý Của Ai Đó Trở Thành Triết Lý Của Bạn
Trong các cuốn sách của Osho đều được tạo ra từ những cuộc nói chuyện rộng rãi của ông. Khi chia sẻ những câu chuyện từ cuộc sống của chính mình, mang đến những hiểu biết mới về những câu chuyện ngụ ngôn cũ và thách thức người nghe kiểm tra niềm tin có ý thức và vô thức của chính họ, Osho bắt đầu tạo ra một "câu chuyện" mới và chân thực hơn về những gì con người chúng ta đang làm trên hành tinh này, và tại sao chúng ta ở đây.
“Giác ngộ” như bản tuyên ngôn về món quà vô giá của cá nhân, về cả tự do và trách nhiệm đi kèm với cuộc sống sống theo ánh sáng của riêng bạn, không có những khái niệm và tư tưởng cố định do người khác đưa ra - cho dù đó là cha mẹ, giáo viên, linh mục, hoặc chính trị gia. Thách thức là không có gì là đương nhiên và can đảm để bước vào cái không biết mà không có ý tưởng về những gì sẽ xảy ra, với sự sáng tạo, nhạy cảm và nhận thức tuyệt vời, nhưng không có hệ tư tưởng cố định.
Osho nói: "Bạn phải trải qua một sự biến đổi và điều đó chỉ bạn mới có thể làm được. Ngoại trừ bạn, không ai có thể đến được đó. Và đây là vẻ đẹp của tâm hồn con người, điều đó hoàn toàn không có ở bất kỳ ai. Trung tâm của bạn được bảo vệ rất nhiều bởi sự tồn tại mà thậm chí không ai có thể chạm vào nó." Nếu thông điệp chạm đến bạn bằng cách nào đó, dù chỉ một ít, cũng đủ rồi – bởi vì chỉ một đốm lửa nhỏ cũng đủ để thiêu cháy khu rừng. Cả cuộc đời bạn có thể bùng cháy chỉ vì một đốm lửa nhỏ chạm vào bạn.
Không có ngôn ngữ nào tồn tại trên thế giới được tạo ra bởi những người giác ngộ, dành cho người giác ngộ và cho mục đích giác ngộ. Đó chính là trở ngại; đó là lý do tại sao họ đều cảm thấy rằng sự thật không thể được diễn đạt. Không có ngôn ngữ nào được tạo ra bởi những người nắm bắt chân lý. Trên thực tế, chưa từng có nhiều người hiểu biết đến mức cần phải tạo ra một loại ngôn ngữ. Việc ai đó giác ngộ là điều hiếm gặp, chỉ thi thoảng mới xảy ra.
Trong thời điểm mà những ý tưởng cấp tiến về hầu hết mọi vấn đề và chủ đề dường như trở thành mốt bởi vì tâm trí con người có xu hướng điên cuồng xoay chuyển như một con lắc từ thái cực này sang thái cực khác, thật sảng khoái khi nghe hoặc đọc được tiếng nói của lý trí. Trong cuốn sách này, Osho đã phân tích chi tiết cách tâm trí của chúng ta bị điều kiện bởi xu hướng cực đoan, tại sao chúng ta lại mong mỏi các nhà lãnh đạo giải cứu chúng ta hoặc đưa chúng ta trở lại những ngày xưa tươi đẹp.
2. Chính Trực
Chính trực là sự chiêm nghiệm của những linh hồn can đảm, dám thách thức những quan điểm cũ kỹ để tìm về lối sống chân thực, phù hợp với căn tính của bản thân cũng như sự phát triển tự nhiên của xã hội.
Cuốn sách đi thẳng vào những vấn đề cơ bản nhất của loài người. Tại sao chúng ta không thể sống hạnh phúc và mãn nguyện? Tưởng như nhân loại đã sở hữu tất cả kiến thức cần thiết để giải quyết mọi khổ đau trên đời, nhưng sự thật là các vấn đề không bao giờ thực sự được giải quyết, và chúng thường có xu hướng trở nên tồi tệ hơn. Lý do cơ bản dẫn đến thất bại của chúng ta là gì?
Tiết lộ của Osho về gốc rễ các nỗi đau của loài người sẽ khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, bởi ông buộc chúng ta đối mặt trực tiếp với những điều ta vẫn luôn lẩn tránh, cũng như khiến ta ngộ ra những nhầm tưởng đã tồn tại hàng thế kỷ trong ký ức đám đông.
Nếu từ bỏ sự phản kháng trong lòng và bước vào hành trình của cuốn sách này với một trái tim rộng mở, độc giả có thể tự nghiệm ra những chân lý thật sự do chính bản thân ta tự đúc rút, chứ không phụ thuộc vào những kiến thức vay mượn từ bất cứ ai khác - dù họ là những cá nhân và tổ chức đầy uy quyền đã áp đặt những thiên kiến sai lệch vào tâm trí ta ngay từ khoảnh khắc ta mới ra đời.
Cuốn sách “Chính trực” là một trải nghiệm để xóa bỏ các ràng buộc vẫn luôn níu chân chúng ta trong cuộc sống. Và chỉ khi ta loại bỏ những ý tưởng và quan điểm do người khác nhồi nhét vào tâm trí mình, dám thừa nhận bản thân là một cá nhân không hoàn hảo và dũng cảm bước vào miền đất còn nhiều điều bí ẩn, thì ta mới có thể thực sự tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc, từ đó sống một cuộc đời thành thật, hòa hợp với căn tính của ta.
3. Cuộc Hành Hương Nội Tại
Cuốn sách “Cuộc hành hương nội tại” viết về cuộc hành trình buông bỏ cái tôi và đánh thức nguồn năng lượng đang ngủ say trong bản thể, dựa trên những chiêm nghiệm của Osho về thiền định.
Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã dấn bước vào một hành trình tìm kiếm. Con người không ngừng đặt câu hỏi. Chân lý là gì? Cuộc sống là gì? Vì sao mà ta lại ở đây? Định mệnh đã an bài cho ta số mệnh thế nào? Con người tầm thường và nhỏ bé, nhưng sự truy vấn nhận thức mang tính bản năng lại biến chúng ta thành những cá thể phi thường - những linh hồn dám bước vào một cuộc hành hương vô tận, không điểm bắt đầu, không nơi kết thúc.
Hành trình tìm kiếm cũng là một hành trình buông bỏ. Buông bỏ cái tôi, sự tham lam, thói ích kỷ, cơn thịnh nộ, những ham muốn cuồng si, những ảo mộng hão huyền. Ta trở về với hư không, tĩnh lặng, chân thực và thuần khiết. Ở nơi sâu thẳm nhất, ta đánh thức nguồn năng lượng đang ngủ say trong bản thể mình. Ta chạm tới điểm tối thượng, thấu triệt những lẽ thiêng liêng và tắm mình trong phước lành.
Khi ấy, mắt sáng lòng trong, ta đã sẵn sàng về cội.
Con người luôn bị thôi thúc phải bước sâu vào nội tâm mình để khám phá nguồn sức mạnh bên trong, từ đó đánh thức tiềm năng thực sự của bản thân. Cuộc tìm kiếm này cũng là cuộc hành hương đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa của cuộc đời, của sự tồn tại.
Chúng ta đang ở đây, chúng ta đang sống trong đời - nhưng chúng ta lại không biết cuộc đời thực sự là gì. Chúng ta có thể cảm nhận được năng lượng của mình, nhưng lại không biết nguồn năng lượng ấy đến từ đâu và sẽ hướng đến mục tiêu nào. Với những cảm nhận mơ hồ về sức mạnh nội tâm, chúng ta không ngừng đặt ra các câu hỏi và tiếp tục hành trình tìm kiếm. Thiền tông đã hình tượng hóa chuyến đi này bằng mười bức tranh tìm trâu (Thập mục ngưu đồ), với mỗi bức tranh đại diện cho một bước cụ thể trên hành trình chiêm nghiệm. Khi đã thấu triệt Thập mục ngưu đồ, người hành hương cũng sẽ trở thành một cá nhân tỉnh thức, giác ngộ.
“Cuộc hành hương nội tại” của Osho dẫn dắt chúng ta qua câu chuyện tìm trâu, xen kẽ những bài học nhỏ và sâu sắc về thế tục cũng như miền tâm linh tĩnh lặng. Chúng ta xuất phát từ nhân thế, đi tới hư không, và sau cùng lại trở về nơi hồng trần khói lửa để kết thúc vòng tròn hoàn hảo. Ta sẽ dừng lại ở nơi mình đã bắt đầu, vẫn là chính ta, nhưng căn cốt ta đã biến đổi, tươi mới, trọn vẹn và tuôn tràn năng lượng sống.