Combo Sách Hiểu Về Trái Tim Và Chia Sẻ Từ Trái Tim (Bộ 2 Cuốn)
1. HIỂU VỀ TRÁI TIM – CUỐN SÁCH MỞ CỬA THẾ GIỚI CẢM XÚC CỦA MỖI NGƯỜI
“Hiểu về trái tim” là một cuốn sách đặc biệt được viết bởi thiền sư Minh Niệm. Với phong thái và lối hành văn gần gũi với những sinh hoạt của người Việt, thầy Minh Niệm đã thật sự thổi hồn Việt vào cuốn sách nhỏ này.
Xuất bản lần đầu tiên vào năm 2011, Hiểu Về Trái Tim trình làng cũng lúc với kỷ lục: cuốn sách có số lượng in lần đầu lớn nhất: 100.000 bản. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỳ tích ấy nhưng đến nay, con số phát hành của Hiểu về trái tim vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Là tác phẩm đầu tay của nhà sư Minh Niệm, người sáng lập dòng thiền hiểu biết (Understanding Meditation), kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo Đại thừa và Thiền nguyên thủy Vipassana, nhưng Hiểu Về Trái Tim không phải tác phẩm thuyết giáo về Phật pháp. Cuốn sách rất “đời” với những ưu tư của một người tu nhìn về cõi thế. Ở đó, có hạnh phúc, có đau khổ, có tình yêu, có cô đơn, có tuyệt vọng, có lười biếng, có yếu đuối, có buông xả… Nhưng, tất cả những hỉ nộ ái ố ấy đều được khoác lên tấm áo mới, một tấm áo tinh khiết và xuyên suốt, khiến người đọc khi nhìn vào, đều thấy mọi sự như nhẹ nhàng hơn…
Trong dòng chảy tất bật của cuộc sống, có bao giờ chúng ta dừng lại và tự hỏi: Tại sao ta giận? Tại sao ta buồn? Tại sao ta hạnh phúc? Tại sao ta cô đơn?... Tất cả những hiện tượng tâm lý ấy không ngừng biến hóa trong ta và tác động lên đời sống của ta, nhưng ta lại biết rất ít về nguồn gốc và sự vận hành của nó. Chỉ cần một cơn giận, hay một ý niệm nghi ngờ, cũng có thể quét sạch năng lượng bình yên trong ta và khiến ta nhìn mọi thứ đều sai lệch. Từ thất bại này đến đổ vỡ khác mà ta không lý giải nổi, chỉ biết dùng ý chí để tự nhắc nhở mình cố gắng tiến bộ hơn. Cho nên, hiểu về trái tim chính là nhu cầu căn bản nhất của con người.
Hiểu về trái tim là thái độ trở về tiếp nhận và làm mới lại tâm hồn mình. Bởi hiểu được chính mình, ta sẽ dễ dàng hiểu được người khác, để ta có thể thương nhau chân thật.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra 50 khái niệm trong cuộc sống, 50 bài viết tâm lý trị liệu, được trình bày rất chân phương, dễ hiểu, thực tế, vốn dĩ rất đời thường nhưng nếu suy ngẫm một chút chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc như Khổ đau, Hạnh phúc, Tình yêu, Tức giận, Ghen tuông, Ích kỷ, Tham vọng, Thành thật, Nghi ngờ, Lo lắng, Do dự, Buông xả, Thảnh thơi, Bình yên, Cô đơn, Ái ngữ, Lắng nghe… Đúng như tựa đề sách, sách sẽ giúp ta hiểu về trái tim, hiểu về những tâm trạng, tính cách sâu thẳm trong trái tim ta.
Lúc sinh thời cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khuê, có dịp tiếp cận với Hiểu Về Trái Tim. Ông nhận xét, như một cuốn sách đầu tiên thuộc chủ đề Hạt Giống Tâm Hồn do một tác giả Việt Nam viết, cuốn sách sẽ giúp người đọc hiểu được cảm xúc của tâm hồn, trái tim của chính mình và của người khác. Để, tận cùng là loại bỏ nỗi buồn, tổn thương và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống. Có lẽ, vì điều này mà hơn 10 năm qua, Hiểu về trái tim vẫn là cuốn sách liên tục được tái bản và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhiều năm trời liên tục nằm trong top sách bán chạy nhất tại Việt Nam.
Đáng quý hơn, tòan bộ lợi nhuận thu được từ việc phát hành cuốn sách này đều được chuyển về quỹ từ thiện cùng tên “Hiểu về trái tim” để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh tại Việt Nam. Và đây cũng chính là niềm hạnh phúc cũng như ý nghĩa nhân ái lớn nhất mà cuốn sách đã mang lại, đặc biệt là khi tất cả hành trình này còn có sự đồng hành và góp sức của hàng trăm nghìn bản đọc trên khắp cả nước Việt Nam.
Người nổi tiếng nói về cuốn sách:
“Để chữa lành những tổn thương và nổi đau, cách tốt nhứt và hữu hiệu nhất là cần hiểu rõ được trái tim, tâm hồn của mình, và của người khác, cuốn sách Hiểu về Trái Tim chính là cuốn sách giúp bạn đọc làm được điều đó: Hiểu rõ và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình và của những người xung quanh, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương. Với cuốn sách này, chúc bạn đọc sẽ luôn hạnh phúc và không bao giờ phải sống với một trái tim tan vỡ hay một tâm hồn tổn thương” - Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê
""Cuốn sách Hiểu về trái tim được viết ra với những trải nghiệm sâu sắc, nhằm giúp con người hiểu rõ và lý giải những cảm xúc của chính mình để tìm được sự bình an và hạnh phúc thật sự”. - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, GS Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng
""Đây chính là con đường của đạo Tâm, với những nguyên tắc sống hạnh phúc – một thứ “an lạc hạnh” – từ những sẻ chia chân thành của tác giả. Con đường hạnh phúc đó đòi hỏi sự khổ luyện, chứng nghiệm qua quán chiếu bản thân, từ đó thấy biết bản chất của khổ đau, phiền não, và, vượt thoát…” - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Nguyên Giám Đốc Trung Tâm Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khoẻ TP.HCM
""Một cuốn sách hay, thực tế và rất hữu ích cho mọi người, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và các bạn trẻ. Nếu rèn luyện được theo những điều hay như thế thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều"". - Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Thanh thiếu niên Đài truyền hình Việt Nam
""Đây là một cuốn sách đặc biệt, có tính giáo dục, tự nhận thức cao, được viết từ trái tim để chữa lành những trái tim. Một cuốn sách rất ý nghĩa!”. - Nhà báo Trần Tử Văn, Phó Tổng biên tập Báo Công an TP.HCM
""Hiểu về trái tim là cuốn sách thứ 180 của Tủ sách Hạt giống tâm hồn mà First News đã xuất bản, nhưng đây là cuốn sách của một tác giả Việt Nam đã để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt nhất. Với những trải nghiệm sâu sắc và tâm huyết mà tác giả đã viết trong 8 năm chắc chắn sẽ mang đến cho bạn đọc những khám phá mới mẻ và thú vị. Một cánh cửa rộng mở đang chờ đón bạn”. - Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt
Báo chí nói gì về “Hiểu về trái tim”:
“'Hiểu về trái tim' là một cuốn sách đặc biệt, được viết nên từ tâm huyết của một nhà thiền sư mang tên Minh Niệm. Đã bao giờ giữa cuộc đời hối hả, bạn chợt dừng lại và tự hỏi mình rằng ' hạnh phúc là gì?' , '' khổ đau là gì?' hay chưa? Vâng, cuốn sách này sẽ giải đáp cho bạn tất cả những băn khoăn đó.” – baomoi.vn
Về tác giả:
Sinh tại Châu Thành, Tiền Giang, xuất gia tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm – Sài Gòn, Minh Niệm từng thọ giáo thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Pháp và thiền sư Tejaniya tại Mỹ. Kết quả sau quá trình tu tập, lĩnh hội kiến thức… Ông quyết định chọn con đường hướng dẫn thiền và khai triển tâm lý trị liệu cho giới trẻ làm Phật sự của mình. Tiếp cận với nhiều người trẻ, lắng nghe thế giới quan của họ và quan sát những đổi thay trong đời sống hiện đại, ông phát hiện có rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Nhưng, tất cả, chỉ xuất phát từ một nguyên nhân: Chúng ta chưa hiểu, và chưa hiểu đúng về trái tim mình là chưa cơ chế vận động của những hỉ, nộ, ái, ố trong mỗi con người.
“Tôi đã từng quyết lòng ra đi tìm hạnh phúc chân thật. Dù thời điểm ấy, ý niệm về hạnh phúc chân thật trong tôi rất mơ hồ nhưng tôi vẫn tin rằng nó có thật và luôn hiện hữu trong thực tại. Hơn mười năm sau, tôi mới thấy con đường. Và cũng chừng ấy năm nữa, tôi mới tự tin đặt bút viết về những điều mình đã khám phá và trải nghiệm…”, tác giả chia sẻ.
2. Chia Sẻ Từ Trái Tim
Chia sẻ từ trái tim là một tuyển tập từ hàng trăm bài pháp thoại của Sa Môn Thích Pháp Hòa, được sắp xếp theo các chủ đề nhằm hệ thống lại những khái niệm, tư tưởng căn bản của đạo Phật qua lời giảng gần gũi của thầy, để mỗi người chúng ta có thể đưa vào áp dụng trong chính cuộc sống hằng ngày của mình.
Trong quyển sách này, quý vị sẽ được tiếp cận Nhân Quả theo một cách giản dị qua những câu chuyện đời thường của thầy Thích Pháp Hòa. Trong khi ngôn ngữ của giáo lý thường là rào cản thì những câu chuyện vui, những ví dụ gần gũi lại có khả năng mang chúng ta đến gần hơn với sự thật của đời sống. Những lời chia sẻ và câu chuyện của thầy Pháp Hòa về các mối quan hệ và cách ứng xử trong xã hội như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, thầy - trò, bạn bè, v.v… cũng được ban biên tập tuyển chọn và giới thiệu đến quý bạn đọc. Thông qua đó, chúng ta thấy được “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” – Phật pháp không ở đâu xa ngoài đời sống thế gian.
VỀ TÁC GIẢ
Thầy Thích Pháp Hòa sinh năm 1974 tại Cần Thơ, trong một gia đình có hai con trai và thầy là con trưởng.
Cơ duyên của thầy với đạo Phật đã sớm bộc lộ từ khi thầy còn rất nhỏ. Vào năm bảy tuổi, thầy đòi mẹ dẫn vào một tịnh xá xin quy y và phát nguyện ăn chay, tụng kinh, thờ Phật. Tâm niệm xuất gia trong thầy cứ thế mỗi ngày một lớn. Năm mười hai tuổi, thầy và em trai cùng với mẹ của thầy sang Canada để đoàn tụ với cha của thầy.
Khi đặt chân đến thành phố Edmonton (Canada), thầy mới vỡ lẽ rằng nơi đây có rất ít người Việt và vì vậy cũng khó tìm thấy một ngôi chùa nào. Dù đối mặt với nhiều trở ngại, tâm bồ đề của thầy chẳng những không thối chuyển mà càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Năm mười lăm tuổi, thầy chính thức xuất gia. Khi đó, tu viện Trúc Lâm tại Edmonton còn rất sơ khai.
Năm 1994, khi vừa tròn hai mươi tuổi, thầy được vị bổn sư gửi sang Làng Mai (Pháp) để thọ giới tỳ-kheo và đã được thiền sư Thích Nhất Hạnh trực tiếp truyền giới trong đại giới đàn Hương Tích. Tuy thời gian lưu lại tại Làng Mai ngắn ngủi (chỉ trong vòng một tháng) nhưng thầy đã tiếp nhận và học hỏi được rất nhiều. Từ đó, thầy có thể dung hòa những hình thức tu tập mới vào truyền thống mà thầy đang theo để ngày càng tăng tiến trong đạo. Sau khi nhận truyền đăng từ thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1999, thầy lại trở về Canada tiếp tục con đường hoằng pháp của mình. Đến năm 2006, sau một thời gian tu tập và giảng pháp, thầy được vị bổn sư tin cậy giao phó vai trò trụ trì Tu viện Trúc Lâm (tỉnh Alberta, Canada). Năm 2007, sau khi tu viện Tây Thiên được hoàn thành, thầy đảm nhiệm thêm trọng trách trụ trì tu viện Tây Thiên.
Với phong cách giản dị, gần gũi và khiêm cung và khả năng chuyển tải Phật pháp thâm sâu thành những cách thực hành gần gũi trong đời sống, thầy Thích Pháp Hòa nhận được sự yêu mến của đông đảo đại chúng thông qua những bài giảng pháp trên YouTube. Thầy là một minh chứng cho thấy rằng những vị chân tu vẫn có thể chinh phục lòng người theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.
THÔNG TIN SÁCH
1.Trong bức tranh Phật giáo ngày nay, thầy Thích Pháp Hòa vụt sáng như một hiện tượng hiếm có. Thầy chiếm được trọn vẹn tình cảm của Phật tử không chỉ ở hải ngoại mà cả tại quê nhà Việt Nam. Sự yêu mến mà Phật tử khắp nơi dành cho thầy Thích Pháp Hòa là một minh chứng cho thấy rằng những vị chân tu vẫn có thể chinh phục lòng người theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.
2. Điểm đáng quý ở thầy là sự dung dị, gần gũi và khiêm cung – những phẩm chất hiếm có trong thế giới hiện đại ngày nay.
3. Một trong những lý do tại sao những lời giảng của thầy Thích Pháp Hòa được đông đảo đại chúng đón nhận và dễ đi vào lòng người là thầy dùng thân giáo nhiều hơn khẩu giáo: phong thái nhẹ nhàng, hòa ái, giản dị cũng như cách ứng xử trong mọi tình huống của thầy chính là bài pháp vô ngôn có uy lực nhất đối với Phật tử gần xa cũng như các đệ tử thân cận với thầy.
4. Một lý do khác là thầy có một lối tiếp cận rất riêng, không lẫn với vị giảng sư nào: thầy thường bắt đầu bài pháp thoại bằng cách kể chuyện. Đó có thể là một câu chuyện trong đời tu của thầy, hoặc những sinh hoạt thường nhật trong chùa, hoặc một vấn đề của một vị Phật tử mà thầy có duyên gặp gỡ và giải quyết khúc mắc cho họ. Lối kể chuyện của thầy rất dung dị pha một chút hóm hỉnh với chất giọng Nam bộ, khiến cho nhiều đối tượng người nghe cảm thấy Phật pháp trở nên gần gũi, dễ tiếp cận. Thầy khéo léo lồng ghép giáo lý của đạo Phật vào các câu chuyện kể, giúp người nghe liên hệ được tư tưởng thâm sâu của đạo Phật với những vấn đề thân thuộc trong cuộc sống của chính mình. Thầy luôn biết cách giải thích các khái niệm Phật học cao siêu theo một cách đơn giản nhất.
5. Không chỉ uyên bác về kinh điển Đại thừa, thầy còn kết hợp những hiểu biết đó với tư tưởng của Nguyên thủy nhằm bổ khuyết và làm cho giáo pháp của đức Phật càng được sáng tỏ hơn. Cho nên, bất luận giảng kinh nào, thầy cũng đều hướng Phật tử quay về gốc rễ của đạo Phật để không bị lạc lối trong mê cung của giáo lý, kinh luận.
6. Trong cuộc sống thường nhật, thầy luôn tỏa ra sự hoan hỉ, giản dị và từ bi không chỉ với đại chúng mà cả với những vị đệ tử trong chùa. Và người nghe cảm nhận rõ điều này thông qua những câu chuyện thầy kể.
QUOTES:
1. Chính vì lạc quan nên đạo Phật dám chỉ thẳng vào cái mà con người sợ hãi – Khổ.
2. Một người cần có tâm độ lượng để có thành tựu trong mọi việc. Nhưng nếu muốn có được tâm độ lượng đó, mình phải có tầm nhìn, tư duy, ăn nói, v.v…
3. Không phải mình nói chỉ sống với hiện tại có nghĩa là mình xả láng. Phải chánh niệm với hiện tại, chánh niệm với quá khứ và chánh niệm với tương lai.
4. Hôm nào có mây, có nắng, có trăng, mình hãy tiếp nhận nó, hãy nhìn kỹ nó để đem những hình ảnh đẹp đó vào trong tâm mình. Để hôm nào, dù không có trăng, không có nắng, khi mình bước ra thềm ngồi, trong lòng mình vẫn có ánh trăng soi.
5. Khi một người đang giận, họ sẽ không muốn nghe mình nói. Cho nên đừng nên nói gì hết, chỉ im lặng thôi.
6. Tu theo Phật có nghĩa là làm sao cho tâm của mình mỗi ngày mỗi sáng lên. Và tâm có tĩnh thì mới sáng và nhận ra.
7. Sống đơn giản cũng là cách mình nói lên lòng tri ân của mình.
8. Vợ chồng thương nhau, nhưng mới hiểu nhau một phần thôi, chưa hiểu hết đâu. Càng sống với nhau thì cái thương, cái hiểu, cái cần hiểu mới bắt đầu lớn ra.
9. Khi thấy xung quanh mình đều là người ơn, chúng ta hành động nhẹ nhàng hơn, nói năng nhẹ nhàng hơn, suy nghĩ cũng nhẹ nhàng hơn.
10. Với người đời, mình không cần phải nói hay thể hiện ra. Mình cứ làm, cứ sống đi, tự động mọi người sẽ ghi nhận.
11. Chúng ta có quá nhiều nhu cầu, mà nhu cầu nhiều chừng nào thì nhân họa, thiên tai nhiều chừng nấy.
12. Nếu biết mình có phước, chúng ta phải dụng phước chứ đừng hao phí phước.
13. Nếu muốn dưỡng dục con, bản thân mình phải dưỡng trên ba phương diện thân, khẩu, ý.
14. Phật đạo chính là những đạo chúng ta đang theo. Đạo làm chồng, đạo làm cha, đạo làm mẹ, đạo làm con, v.v…
15. Tu càng lâu, sống càng lâu, mình càng phải nhỏ lại. Tu càng cao mà ngã càng lớn là tu sai rồi.
1. Hiểu Về Trái Tim (Tái Bản 2023)
2. Chia Sẻ Từ Trái Tim (Thích Pháp Hòa)